Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã bắt giữ khá nhiều vụ buôn bán thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng. Về vấn đề này, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết, quy luật chung trên thị trường là khi nhu cầu về sản phẩm nào đó càng lớn, được ưa chuộng thì sẽ xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng để sản xuất hàng giả, hàng nhái. Thực phẩm chức năng cũng không nằm ngoài quy luật này.
>>>Các loại thực phẩm chức năng
Lợi dụng nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm chức năng lớn, có nhiều đối tượng đã sản xuất và kinh doanh các loại thực phẩm chức năng kém chất lượng. Đây chính là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm. Vi phạm lớn nhất đối với thực phẩm chức năng hiện nay đó là quảng cáo sai qui định, thực phẩm chức năng quá mức, thậm chí quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, thần thánh các thực phẩm chức năng. Vi phạm thứ hai của doanh nghiệp là quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, chất lượng không đúng như đã công bố.
Còn đối với thực phẩm chức năng được cho là xách tay, theo quy định của pháp luật, hàng xách tay được mang theo người với mục đích cá nhân, không được phép mang ra để kinh doanh nên nếu hàng xách tay mang ra để bán thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, trong số những vi phạm về thực phẩm chức năng thời gian qua mà cơ quan quản lý phát hiện được, vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất. Có những thời điểm, hơn 53% số lượng doanh nghiệp vi phạm về thực phẩm chức năng là vi phạm liên quan tới quảng cáo (như quảng cáo khi chưa có thẩm định của cơ quan y tế, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt).
Ông Phong nhấn mạnh, vấn đề là sau khi công bố cần phải kiểm tra việc giám sát , thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm, tránh trường hợp công bố sai sự thật, chất lượng sản xuất không như đã công bố.
Ông Phong khẳng định, thực phẩm chức năng có vai trò to lớn trong việc dự phòng đối với sức khỏe, tuy nhiên không thần thánh hóa việc thực phẩm chức năng chữa được bách bệnh. Do vậy, ông Phong yêu cầu trong việc ghi nhãn và trong qui định bao bì phải ghi rõ sản phẩm này không phải là thuốc chữa bệnh, không thay thế thuốc chữa bệnh. Cần phải tăng cường thanh tra kiểm tra , xử lý nghiêm các vi phạm, công khai tên tuổi, tên các sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người tiêu dùng. Ngoài ra, cần phải rà soát các chính sách quản lý, qui định về quản lý để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tạo công lý công bằng cho các doanh nghiệp.
Thực phẩm chức năng có vai trò trong việc dự phòng cho sức khỏe
nhưng không phải là thuốc. Ảnh minh họa.
Phân biệt thực phẩm chức năng
Thực phẩm chức năng không phải là thuốc
- Đối với thực phẩm chức năng, nhà sản xuất công bố trên nhãn sản phẩm là thực phẩm, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sức khỏe, phù hợp với các quy định về thực phẩm. Đối với thuốc, nhà sản xuất công bố trên nhãn là sản phẩm thuốc, có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh với công dụng, chỉ định, liều dùng, chống chỉ định. Thuốc là những sản phẩm để điều trị và phòng bệnh, được chỉ định để nhằm tái lập, điều chỉnh hoặc sửa đổi chức năng sinh lý của cơ thể.
- Có thể sử dụng thường xuyên, lâu dài nhằm nuôi dưỡng (thức ăn qua sonde), bổ dưỡng hoặc phòng ngừa các nguy cơ gây bệnh… mà vẫn an toàn, không có độc hại, không có phản ứng phụ.
- Người tiêu dùng có thể tự sử dụng theo "hướng dẫn cách sử dụng" của nhà sản xuất mà không cần khám bệnh, hoặc thầy thuốc phải kê đơn…
Thực phẩm chức năng khác với thực phẩm
- Được sản xuất, chế biến theo công thức: bổ sung một số thành phần có lợi hoặc loại bớt một số thành phần bất lợi (để kiêng). Việc bổ sung hay loại bớt phải được chứng minh và cân nhắc một cách khoa học và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (thường là phải theo tiêu chuẩn).
-Có tác dụng với sức khỏe (một số chức năng sinh lý của cơ thể) nhiều hơn là các chất dinh dưỡng thông thường. Nghĩa là, thực phẩm chức năng ít tạo ra năng lượng cho cơ thể như các loại thực phẩm, ví dụ, gạo, thịt, cá…
- Liều sử dụng thường nhỏ, thậm chí tính bằng gram, miligram như là thuốc.
- Đối tượng sử dụng có chỉ định rõ rệt như người già, trẻ em, phụ nữ
Phạm Minh-VN Media