Sinh ra trong gia đình không có truyền thống hoạt động thể thao, điều kiện để phát triển còn nhiều hạn chế nhưng với niềm đam mê, cộng với sự hướng dẫn, dìu dắt của huấn luyện viên, cô gái trẻ Lê Thị Thắm đã gặt hái được nhiều thành công trong các cuộc thi toàn quốc và khu vực Đông Nam Á. Thành công của Thắm không chỉ mang lại vinh dự cho thể thao xứ Nghệ mà còn góp phần làm rạng danh cho thể thao nước nhà, làm tăng số lượng huy chương cho bộ môn còn mới mẻ của thể thao Việt Nam - bộ môn cử tạ.
Đến hôm nay, huấn luyện viên (HLV) cử tạ Vũ Đức Hoàng, Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An vẫn còn nhớ rất rõ cơ duyên đưa Thắm đến với bộ môn cử tạ. Năm 2009, trong một lần từ huyện Yên Thành về Diễn Châu để tìm học trò, phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo, anh Hoàng đã gặp Thắm và gia đình tại xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu.
Lúc đó, xét về cân nặng - một trong những tiêu chuẩn quan trọng để xét tuyển “đầu vào” cho bộ môn cử tạ, Thắm hoàn toàn đáp ứng được, với mức chuẩn 64 kg. Tuy nhiên, khi nói chuyện với gia đình về việc đưa chị vào học và trau dồi, phục vụ thi đấu, cả gia đình chị đã phản đối kịch liệt. Nhưng bằng sự kiên trì, với tấm lòng của người thầy, huấn luyện viên tâm huyết với nghề, anh Hoàng đã thuyết phục được gia đình Thắm. HLV Hoàng còn khẳng định, trong 1 năm, nhất định Thắm sẽ giành 1 huy chương ở các giải thi đấu.
Từ cô bé sống nơi vùng quê nghèo, nay ra thành phố với nhiều điều mới mẻ, Thắm không khỏi lo lắng. Phải mất thời gian dài, cô nữ sinh lớp 10 mới quen với cường độ tập luyện và chương trình học tập tại Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể dục thể thao Nghệ An. Tuy nổi trội hơn các bạn khác nhưng Thắm lại gặp khó khăn trong luyện tập do cổ chân yếu, một trong những hạn chế trong nội dung thi đấu cử giật.
|
Lê Thị Thắm xuất sắc giành Huy chương Vàng Đông Nam Á môn cử tạ |
Tuy nhiên, với tâm niệm “cần cù bù khả năng”, ngày nào, Thắm cũng kiên trì luyện tập. Những hôm thứ 7, chủ nhật, trong khi các bạn ai cũng về quê thăm gia đình thì Thắm ở lại Trung tâm để tập luyện, rèn giũa kỹ năng. Càng tập luyện, niềm đam mê của Thắm ngày càng lớn và cô quyết tâm gắn bó lâu dài với môn cử tạ, đặt ra nhiều mục tiêu cho bản thân để không phụ lòng của các HLV và gia đình.
Những cố gắng, nỗ lực của cô gái trẻ đã mang lại thành công lớn. 1 năm sau khi làm quen với cử tạ, Thắm đã giành 2 Huy chương Bạc ở giải trẻ, vượt qua chỉ tiêu mà HLV đã “giao kèo” với bố mẹ Thắm. Thành công nối tiếp thành công, năm 2010, tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, Lê Thị Thắm giành 1 Huy chương Bạc ở nội dung cử đẩy, 2 Huy chương Đồng ở nội dung cử giật và tổng cử.
Liên tiếp trong 3 năm sau đó, từ 2011 - 2013, Thắm đều giành Huy chương Vàng và Bạc ở nội dung thi đấu tại giải vô địch quốc gia. Riêng năm 2014, tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, ngoài việc giành 2 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc, Thắm còn phá 2 kỷ lục của Đại hội.
Nhờ thành tích nổi bật trong thi đấu, năm 2011, Lê Thị Thắm được triệu tập lên Đội tuyển quốc gia và tham dự SeaGames 2013. Do kỳ SeaGames 2015 không thi đấu môn cử tạ nên Liên đoàn thể thao các nước quyết định tổ chức giải Vô địch Đông Nam Á, nội dung cử tạ lần thứ nhất tại Thái Lan. Lần này, Thắm xuất sắc giành Huy chương Vàng.
Đến nay, Thắm đã gắn bó với bộ môn cử tạ được 8 năm. Trong khoảng thời gian đó, cô gái trẻ này đã nhiều lần mang vinh quang về cho xứ Nghệ nói riêng và Việt Nam nói chung với “bộ sưu tập” Huy chương ở các nội dung thi đấu. Theo tâm sự của Thắm và HLV, cô gái trẻ sẽ cố gắng thi đấu đến năm 2018. Ước mơ lớn nhất của Thắm là sau khi kết thúc các giải thi đấu, có thể được tiếp tục gắn bó với nghiệp thể thao với tư cách là HLV cử tạ.