Hồi còn bé, nhà ở dọc kênh Bắc nên chiều nào hai bà cháu cũng thơ thẩn dắt nhau đi dạo bờ kênh hóng gió. Hồi ấy, vị trí “đắc địa” của nhà mình là cả một niềm ao ước đối với bọn bạn cùng lớp. Nhà mặt đường thì bụi bặm, ồn ào; nhà trong ngõ nhỏ thì đường sá chật chội, từ sau chập chiều là ai về nhà nấy khoá cửa kín bưng, buồn hiu. Duy có mình ở dọc bờ đê vừa được nhìn đường phố tấp nập, đông vui nhưng vừa có con kênh là “tấm lá chắn” khỏi những xô bồ thái quá…
Mình nhớ nhất có một lần đang đứng nhẩn nha cạnh bờ kênh, buồn… tè mà bà đóng cửa đi chợ nên không biết làm sao trở vào nhà. Ngó trước ngó sau không thấy ai, mình đứng núp núp vào gốc cây, kéo quần… tè luôn ra phía kênh. Bỗng nhiên có tiếng kêu “Á” thất thanh, giật mình quay lại mới thấy nhỏ Hoa cùng lớp đang đứng ngay phía sau. Mình hoảng quá đứng im không động đậy, quên luôn cả… xốc quần lên. Mấy hôm sau ở lớp bình bầu hạnh kiểm, con bé một mực không chịu bầu cho mình hạnh kiểm loại ưu với lý do: “Không có ý thức bảo vệ môi trường”. May mà nó không nói cho cả lớp biết cụ thể hành vi “phá hoại môi trường” của mình là gì, không thì mình đến nước phải bỏ xứ mà đi không biết chừng…
|
Kênh Bắc đang trong quá trình cải tạo, nâng cấp. |
Không biết có phải vì mình không mà con kênh cứ đổi màu dần dần, từ màu nước trong xanh chuyển thành một màu vẩn đục. Hai bà cháu mình không còn đi dạo ở dọc bờ kênh mỗi chiều nữa, bởi những buổi trời oi bức, con kênh bắt đầu bốc lên mùi khó chịu. Những tiếng thở dài ghé thăm bà thường xuyên hơn. Một hôm, mình nghe thấy tiếng bố mẹ và bà bàn nhau chuyển nhà. Mình chạy một mạch ra bờ kênh ngồi, khóc rấm rứt một hồi thì đành vào nhà vì mùi nước kênh không lấy làm dễ chịu. Hôm đó, mình lên giường nằm, mặc cho bà và mẹ dỗ dành cách nào cũng không chịu ra ăn cơm. Mình dỗi mọi người sao nỡ bỏ con kênh mà đi. Dỗi cả con kênh sao không xinh đẹp, sạch sẽ như xưa. Dỗi chính bản thân mình vì đã có những lần xả rác xuống con kênh. Chắc là không chỉ riêng mình, mà ai cũng dỗi…
|
Chợ Kênh Bắc buổi chiều. |
Sau này mình đi học, đi làm xa, sống qua không ít thành phố lớn bé. Khi ở Paris có dòng sông Seine thơ mộng, chiều chiều tan tầm cùng bạn bè ra ngồi ở bờ sông. Sông của họ trong lòng thành phố nên chẳng có phong cảnh hữu tình hay rộng rãi gì cho cam, nhưng nhìn dòng nước trong xanh thôi cũng đủ để gột rửa những bụi bặm, lo toan, mỏi mệt rồi. Có một lần cả lũ ngồi chơi mãi đến tối, thấy một gã có vẻ như uống say đi lướt thướt bên bờ sông.
Mấy đứa bạn Pháp vội vàng chạy lại dìu anh ta ngồi xuống, cho uống nước rồi gọi cảnh sát trật tự đến đón. Xong xuôi chúng nó mới giải thích: “Để người say ở gần nước rất nguy hiểm. Nghiêm trọng thì tai nạn ảnh hưởng đến mạng người. Nhẹ hơn thì là nôn mửa, phá hoại, xả rác bừa bãi xuống nước, nếu nhiều người như thế, làm sao giữ được dòng sông của thành phố sạch đẹp cho chúng ta có nơi để thư giãn thế này?”.
Sau này về Việt Nam, mình có một thời gian sống tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thấy cảnh sông Tô Lịch và kênh Nhiêu Lộc bị người dân biến thành nơi xả rác vô tội vạ, nước đen sì ứ đọng vì rác thải, lại nhớ đến kỷ niệm bên bờ sông Seine năm nào mà thấy buồn buồn, thương thương những dòng sông, con kênh ở nước mình.
Có lẽ đó cũng là nỗi tiếc nhớ và day dứt chung của những người dân sống gần con kênh nói riêng và toàn thành phố nói chung. Mới đây khi mình xin nghỉ phép về chơi, đi qua con kênh năm nào thấy đang rục rịch xây dựng, nạo vét, cải tạo nâng cấp để trả lại đúng chức năng điều hoà của nó, đồng thời tạo cảnh quan xanh cho đô thị. Bồi hồi ghé về xóm cũ, bắt gặp “con bé” Hoa cùng lớp từng “gây thù chuốc oán” với mình khi xưa. Hai đứa kéo ghế ngồi bên bờ kênh, tưởng như những ký ức đã trôi theo dòng nước lại xoáy trở về trong tâm thức.
- Thế ra hồi ấy nhà Hoa không chuyển đi mà vẫn ở lại với con kênh à?
- Chuyển làm sao được, nhà Hoa ở đây từ hồi xưa hồi xửa. Ông nội Hoa vẫn kể cho Hoa nghe chuyện về con kênh từ những năm 1960 khi mới được xây cất. Con kênh kéo dài từ Quốc lộ 1A đến những cánh đồng trũng của Hưng Hoà, nối liền với sông Lam Rừng, đổ ra sông Lam, ngày ấy là chiếc “máy điều hoà”, “bơm tưới tiêu” của thành phố. Mãi sau này, người ta dần dần lãng quên đi chức năng vốn có đó của kênh Bắc, vô tình gán cho nó chức năng bất đắc dĩ là chứa rác thải. Khi mục đích, ý nghĩa tồn tại nguyên bản bị mất đi cũng là lúc con kênh “chết” dần.
Mình thảng thốt nhận ra chưa bao giờ để tâm tìm hiểu, lục lọi xem kênh Bắc đã ra đời như thế nào, bắt nguồn từ đâu và đổ về đâu. Chẳng trách sao đã có lúc mình vô tâm mà làm bẩn con kênh tưởng như gắn bó, gần gũi biết mấy. Nhưng rồi câu chuyện của Hoa bắt đầu rộn ràng lên khi cô hướng mắt về phía những chiếc xe cẩu đang thi công cải tạo lại con kênh.
- Cuối năm 2011, đầu năm 2012, khi nghe có thông tin tỉnh ta phê duyệt dự án nâng cấp, cải tạo kênh Bắc, mình mừng chảy nước mắt. Cuối cùng thì con kênh cũng được tái sinh, được trả lại màu xanh vốn có của nó. Đoạn từ cầu Bưu điện đến hồ điều hoà, hai bên bờ sẽ được trồng cây xanh, lắp đèn chiếu, tạo cảnh quan mới đẹp hơn cả khi xưa…
Mình nhìn theo tầm mắt của Hoa, bỗng như thấy hiện ra trước mắt quang cảnh thoáng đáng, xanh sạch đẹp của con kênh yêu quý trong tương lai không xa. Rồi đây, liệu mình có được thấy lại hình bóng của sông Seine giữa lòng Thành phố Vinh này không? Ước muốn ấy có lẽ không quá xa xôi đâu nhỉ, nếu như mỗi chúng ta đã nhận ra nỗi nhớ tiếc và khoảng trống mà con kênh để lại khi nó từng “chết” đi lớn đến nhường nào. Đó là khi chúng ta nhận ra rằng, có những điều giản dị xung quanh, dù gần ngay bên cạnh nhưng nếu không biết yêu, biết trân trọng và giữ gìn, sẽ có lúc vuột khỏi tầm tay lúc nào không hay biết.
Mình chạy xe chầm chậm trên con đường dọc theo kênh Bắc, chỉ chưa đầy 5 cây số thôi mà sao thấy dài dằng dặc. Như thể vắt qua không biết bao nhiêu năm tháng lịch sử, bao nhiêu giai đoạn phát triển và đổi mới của thành phố. Cùng với thời gian, người ta dần nhớ đến những địa điểm, khu vực gắn liền với con kênh như là cầu Kênh Bắc, chợ Kênh Bắc hay khu phố ăn uống dọc theo con kênh hơn là chủ thể. Đó cũng lại là một minh chứng cho thấy, những thứ tồn tại lâu dài quá, đôi khi tạm nhạt nhoà đi trong tâm thức của chúng ta bởi đã thành một cái gì quá đỗi thân quen. Một phần tự nhiên vốn có của cuộc sống. Thế nhưng, rồi cũng có những lúc ta thức tỉnh để đặt câu hỏi: Yêu thương, gắn bó đã đủ chưa, hay đôi khi ta phải hành động để níu giữ những gì ta thương mến luôn ở lại bên mình.
Thục Anh- Baonghean.vn
Ngày 25/10/2011, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 4522/QĐ.UBND-CN về việc phê duyệt Dự án phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu Dự án Thành phố Vinh, có tổng mức đầu tư 128 triệu đô la Mỹ, từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng. Theo Quyết định này, việc nâng cấp, cải tạo kênh Bắc thuộc Hợp phần 2 - Cải thiện môi trường (nâng cấp và tạo kênh Bắc, xây dựng hồ điều hòa), có tổng mức đầu tư là 17 triệu đô la Mỹ.
Theo thiết kế, việc nâng cấp và cải tạo kênh Bắc bao gồm 3 đoạn:
Đoạn 1: Từ đường Mai Hắc Đế đến cầu kênh Bắc, có chiều dài khoảng 1.240m; đoạn này kết cấu dạng cống hộp bê tông cốt thép toàn khối, phía trên cống hộp là vườn hoa đường dạo.
Đoạn 2: Từ cầu kênh Bắc đến cầu Bưu điện, có chiều dài khoảng 2.060m, đoạn này giữ nguyên kênh hở, nạo vét và kè hai bên bờ kênh.
Đoạn 3: Từ cầu Bưu điện đến hồ điều hòa, có chiều dài khoảng 1.405m, đoạn này chọn phương án kè kênh thẳng đứng kết hợp mái dốc taluy bằng đá hộc.
Hiện nay, đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng của giai đoạn 2.
|