Phố Trần Nhật Duật, dài ngót cây số, bắc ngang đường tàu Bắc - Nam. Phố chẳng xa xôi gì, nhưng bao lâu nay, dường như lọt thỏm giữa bao ồn ã, xô bồ thành Vinh, chẳng mấy người nhớ đến. Trên phố ấy có hai cây cổ thụ, là cây đa và cây bàng, đã được Sở VH-TT&DL đóng bảng lưu số, đưa vào diện quản lý, bảo tồn. Chiều thênh thang nắng, ngắm thế cây hùng vĩ mà miên man trí tưởng tượng: nếu mình là một cái cây, mình sẽ kể chuyện phố thế nào?
… Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, thuở phố chưa thành… phố, thì tôi đã có mặt ở đất này. Người dân gọi tôi là cây đa, theo thời gian, cách gọi ấy có biến thiên đôi chút, rằng cây đa con, cây đa Xóm Mới, cây đa cổ thụ. Dẫu là cách gọi nào đi nữa, thì tôi biết, trong lòng cư dân nơi đây, hình bóng của tôi đã trở nên thân thuộc. Tôi “ngự” ở cạnh bờ giếng nước gạch ong trong vắt. Gần đó là anh bạn bàng, cạnh bên khuôn viên Đền Thờ Thành hoàng làng. Anh hơn tuổi tôi, cao lớn và chín chắn lắm. Chuyện sử làng lên phố, cả cung đường này, dễ chỉ có 2 đứa chúng tôi là thông thuộc. Mà chuyện ấy kể ra cũng lắm thăng trầm…
|
Một quãng đường Trần Nhật Duật |
Phố Trần Nhật Duật này, gốc là đất nông nghiệp, cư dân thuần nông nên nếp sống dân dã, thuần hậu lắm. Địa giới thời kỳ mới chia phố làm hai phần, thuộc diện quản lý hành chính của hai địa phương khác nhau: phần ngoài kể từ điểm giao cắt với đường Trần Hưng Đạo đổ vào là thuộc phường Đội Cung, còn phần trong hun hút và ngoằn ngoèo mãi về sau là thuộc phường Đông Vĩnh. Ấy là cách phân chia địa giới hành chính hiện nay, còn trước đó, cả con đường dài này đều thuộc làng Hưng Thịnh, xã Vĩnh Trường, tổng Yên Trường. Đường nội thôn nhỏ hẹp, rộng chừng 1m, xuyên qua những cánh đồng, bãi hoang, đầm vắng, chưa mưa đã lội, chưa nắng đã khô.
Làng nhỏ và nghèo nhưng sống quần cư và chan hòa tình cảm. Tôi còn nhớ, thuở ấy, mỗi sáng, mỗi chiều, dưới gốc cây, bên bờ giếng nước, lúc nào cũng rộn tiếng người cười, nói. Họ kể cho nhau chuyện làng, chuyện xóm, than thở về mùa vụ, thiên tai… Dẫu chuyện buồn vui ra sao, thì tôi vẫn luôn cố gắng để làm một loài cây thân tình với con người, vươn tán lá rộng che bóng nắng. Những câu chuyện về đường phố, xóm làng thay đổi dần… Thời kỳ mà cư dân làng gọi là Xô Viết Nghệ Tĩnh, và cả vùng này dậy sóng cùng biển người lầm than, hòa khối liên minh công – nông, rầm rập đỏ lửa căm thù. Tâm trí tôi còn ghi dấu rõ ký ức về thuở hào hùng chưa xa ấy, rằng trên phố Trần Nhật Duật nay là lịch sử hằn in bao dấu tích anh dũng của cư dân tổng Yên Trường xưa. Con đường không chỉ là lối lại qua, mà còn như chứng nhân của lịch sử, là một phần không thể thiếu của vùng đất này.
|
Người dân góp công xây dựng đường cống trên đường Trần Nhật Duật. |
Tôi tự hào là cây đa cổ thụ làng Hưng Thịnh. Tuổi tác mang đến cho tôi nhiều điều may mắn, mà may mắn nhất, là có cơ hội nhìn ngắm, chứng kiến tất thảy những biến thiên của vùng đất này, hay cụ thể hơn, là những sự vật, sự việc trên con đường dài ngay trước mắt. Đứng cách tôi không xa là anh bạn bàng lớn tuổi, tọa vị bề thế ngay cạnh đền thờ Thành hoàng làng. Anh kể nhiều chuyện thú vị lắm, anh tả cho tôi nghe đền thờ có kiến trúc tinh xảo thế nào, linh thiêng ra sao, được người dân sóc vọng, chăm nom chu đáo lắm.
Nghe bảo, đền thờ ngoảnh về hướng Tây, có diện tích khoảng 400m2, có nhà thượng điện, hạ điện, sân trước và sau. Sân đền có hai nghê chầu, quanh là tường hoa cao hơn 1m bao bọc, vì, kèo, xà, cột tuyền thứ gỗ lim quý… Đền thờ Thành hoàng làng là điểm nhấn tâm linh của vùng đất này, và trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, đền trở thành điểm sinh hoạt, hội họp, nuôi giấu nhiều cán bộ, chiến sỹ. Ngày 19/8/1945, đền là một điểm tổng khởi nghĩa hành chính, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập chính quyền lâm thời của xã Vĩnh Trường. Tiếc thay, qua bao biến động lịch sử, đền nay chỉ còn là phế tích.
Từ nơi tôi đứng nhìn thẳng ra con đường Trần Nhật Duật nay, dường như vẫn dễ dàng hình dung không khí cách mạng hào hùng thuở ấy. Năm 1950, tôi được chọn là điểm đặt chòi phóng thanh của Ban tuyên truyền cách mạng xã. Từ bấy đến nay, dẫu đã bao biến thiên lịch sử, bao trận mưa bom, bão đạn cày xới mảnh đất này, may mắn thay, tôi vẫn âm thầm can qua tất thảy, và được người dân nơi đây “bầu” là biểu tượng cho sức sống bền bỉ của ngôi làng anh hùng.
Xưa, làng anh hùng trong chiến trận, trong lao động, sản xuất, nay, làng “anh hùng” ngay giữa thời bình bởi bao việc làm nhân văn, đồng sức, đồng lòng của nhân dân, xây dựng xóm làng ngày càng khởi sắc. Giờ thì còn đâu hình ảnh bãi vắng, đồng hoang xưa kia nữa, mà dọc hai bên đường đã ken dày mật độ nhà cửa, cơ quan, công sở, nhộn nhịp dịch vụ mua bán tấp nập ngày đêm. Đường được mở rộng 6m, nhà cửa mặt tiền thoáng rộng, khang trang. Dẫu đã có mặt trên đất này hơn trăm năm, chứng kiến nhiều đổi thay, nhưng nét mới phố phường thời hiện đại vẫn làm tôi ngỡ ngàng từng ngày.
|
Một quãng đường Trần Nhật Duật |
Con đường của tôi, của những loài cây xanh ngút ngát sức sống và niềm tin dâng hiến bầu sinh thái cho người, cho đời đã và đang đẹp lên từng giờ, từng ngày. Tôi hiểu rằng, chẳng có “lẽ tự nhiên” nào được thế, tất thảy, là nhờ sự nhân văn và tình yêu phố của những cư dân nơi đây. Con đường nhựa thênh thang ấy được thành hình, một phần có công sức đóng góp của những người dân. Những năm 1990, đường có chủ trương mở rộng. Nhà ít, nhà nhiều đều đồng tâm hiến đất để mở đường. Tôi lắng nghe những câu chuyện xôn xao, những niềm vui hồ hởi của các hộ dân hiến đất mở đường ngày ấy, tuyệt không lời than vãn, kêu ca.
Trung bình mỗi nhà hiến 40, 50 m2, có nhà điển hình như nhà bà Lê Thị Đào (nay là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khối Vĩnh Quang) – người phụ nữ phúc hậu, đảm đang việc nhà, việc nước thường đứng hóng mát dưới thân tôi, tự nguyện cắt 250 m2 đất cho công trình mở rộng đường Trần Nhật Duật. Cũng chính bà là người ủng hộ 20 triệu đồng cho việc xây dựng mương thoát nước của khối. Không chỉ có bà Lê Thị Đào, tôi đã chứng kiến nhiều hộ gia đình khác cũng cùng chung tâm niệm và việc làm nhân văn, vì tập thể như thế. Con đường Trần Nhật Duật, vì vậy, đã thành con đường của lòng dân, con đường biểu tượng của tình yêu quê hương, bản quán.
Tình yêu ấy làm xanh lên những tán cây, xanh lên những niềm tin và hy vọng, thắp sáng cả những mong mỏi bảo tồn bề dày lịch sử - văn hóa của vùng đất này. Tôi là cây đa cổ thụ, và anh bạn tôi – cây bàng trăm năm tuổi, luôn nhận được sự chăm sóc, giữ gìn cẩn thận của những đôi bàn tay nhân ái. Và tôi biết, cư dân trên phố còn mong muốn phục hồi lại ngôi đền thờ Thành hoàng làng đã bị tàn phá trong chiến tranh – chốn linh thiêng và là biểu tượng làng truyền thống để con cháu mai sau nhớ về nguồn cội. Mong muốn ấy hẳn rồi cũng sẽ toại nguyện, bởi việc gì xuất phát từ tâm thiện lương sẽ được đáp đền xứng đáng…
Phước Anh-baonghean.vn
Trần Nhật Duật 1254 - 1330) là con thứ 6 của Trần Thái Tông, tước phong là Chiêu Văn Vương. Năm 1285 ông trấn giữ ở Tuyên Quang. Khi giặc Nguyên từ Vân Nam tràn xuống, ông đã tổ chức thành công cuộc rút lui chiến lược về Thiên Trường (Nam Định cũ) để bảo toàn lực lượng. Rồi sau đó ít lâu, chính ông đã tiêu diệt đồn giặc đóng ở bến Hàm Tử và tiếp đấy nhổ hàng loạt đồn trại giặc ở dọc 2 bên sông Hồng mở đường cho việc giải phóng Thăng Long. Năm 1288, Trần Nhật Duật đã chặn được đạo quân Nguyên xâm lược ở Việt Trì, tạo điều kiện cho Trần Quốc Tuấn rảnh tay đánh lại Thoát Hoan. Trần Nhật Duật còn là một nhà ngôn ngữ giỏi. Ông có thể nói tiếng Tống, tiếng Mông Cổ và một số tiếng dân tộc vùng núi nước ta. Trần Nhật Duật là người nhã nhặn, độ lượng, khoan dung, mừng giận không lộ ra sắc mặt. Trong nhà không chứa roi vọt để đánh gia nô. Ông mất năm 1330 đời Trần Hiến Tông, thọ 75 tuổi. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với giai đoạn vinh quang nhất của nhà Trần. Tài năng, đức độ, sự nghiêm minh ngay thẳng của ông cũng như các tướng văn, võ trong thân tộc nhà Trần cùng thế hệ với ông (Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải ...) góp phần không nhỏ vào sự tồn tại và hưng thịnh của nước Đại Việt thời nhà Trần. |