Đường mang tên nữ thi sĩ nổi tiếng trong lịch sử thơ ca dân tộc ấy, hóa ra lại chẳng đượm mấy nét thơ. Trái lại, đường hiển hiện sự sôi động của chốn bán mua, nhất là vào cữ chiều, khi ráng hoàng hôn đổ thẫm mênh mang xuống lòng sông hẹp, tiếng trả giá kéo dài mãi cho đến khi trời tối hẳn…
|
Đường Hồ Xuân Hương. |
Chưa có thông số chính thức nào, nhưng theo nhìn nhận cảm quan thì đường Hồ Xuân Hương có lẽ là tuyến nội đô dài nhất thành Vinh. Đường kéo từ điểm giao cắt với đường Hồng Sơn, chạy qua những đường Phạm Nguyễn Du, Cao Xuân Huy, Nguyễn Thúc Tự, dọc theo dòng chảy sông Cửa Tiền và chỉ kết thúc khi vừa chạm đường Phượng Hoàng. Dễ đến hơn 2 cây số cho hành trình xôn xao ấy, và như lẽ tất yếu, đường phản ánh rõ nhất nhịp sống và tính cách của cư dân phố qua từng khúc quanh, ngã rẽ.
Đường Hồ Xuân Hương là một trong những con đường khá điển hình về nét giao thương đặc biệt khu vực quanh chợ Vinh. Quãng chợ chiều này, tấp nập dọc hai bên đường là quán xá, sạp hàng vươn cả xuống lòng đường. Phong phú các mặt hàng: nào tre, giang, nứa… phục vụ cho giới xây dựng và dân lao động; nào rau củ, gạo thóc, cá tôm… cho bữa cơm gia đình… Lòng đường co hẹp lại bởi muôn màu vất vả mưu sinh, oằn gánh những kiện hàng và như trở thành chứng nhân cho những thân phận người ngược xuôi trên phố. Chốn bán mua dĩ nhiên không chỉ dành riêng cho phụ nữ, nhưng ấn tượng nhất trên tuyến đường xôn xao ấy vẫn là những dáng hình nhỏ bé, lam lũ, tất tưởi vô cùng. Các bà, các chị nem nép ngồi bên sạp cá, mẹt tôm, ơi ới mời khách qua đường nán mua thức hàng khi vãn chợ, gắng vớt chút lưng vốn cho buổi nhập hàng đầu mối sớm mai. Những bé gái mới chỉ lên 10, sớm theo mẹ hòa nhập với chợ đời, đã sành thách giá, đếm tiền, đánh vảy cá, lựa tôm tươi cho khách… Nhiều lần đi qua phố ấy, nhìn sâu vào những gương mặt trẻ - già bận bịu mưu sinh, khẽ thấy lòng rung lên trước muôn điều cằn cỗi. Không biết, trong những phận đàn bà xóm chợ chiều này, có ai từng biết đến và chiêm nghiệm những vần thơ của nhà thơ trào phúng nổi danh thi đàn nước Nam - Tú Xương, rằng:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
(Thương vợ)
Bài thơ là lời bộc bạch, tri ân của thi nhân đối với người vợ của mình - người phụ nữ nước Nam tần tảo, đức hạnh, bám trụ chốn chợ xô bồ để trang trải cho nghiệp đèn sách lận đận trải 8 lần thi của chồng. Lời thơ giản dị mà day dứt, ứng vào thời nào cũng còn vẹn nguyên tính thời sự. Những người phụ nữ góc chợ chiều đông ấy, hẳn họ cũng âu lo lắm cho gánh hàng còn ăm ắp của mình. Họ muốn vãn chợ nhanh, để chóng về toan lo, thu xếp cho gia đình nhỏ. Bao lo âu hằn trên những nếp nhăn không vì tuổi tác…
Không biết vô tình hay hữu ý, mà tuyến đường hằn dấu mưu sinh của những người phụ nữ ấy lại được đặt tên của “Bà Chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương - nữ kiệt đất Hồng Lam, người phụ nữ “độc nhất vô nhị” trên thi đàn nước Nam cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Để rồi, hẳn với nhiều cư dân phố, cũng như tôi, không tránh khỏi những vân vi liên tưởng giữa đời và thơ, giữa hư và thực, không biết rằng, những người dân phố có ấn tượng bởi cái danh xưng lừng lẫy ấy mà chiêm nghiệm cho bản thân lối sống, lời ăn tiếng nói mẫu mực hơn không? Rồi lại còn hiện hữu một nét thiêng chốn phụng thờ trên mặt đường ấy nữa, đó là Di tích văn hóa - lịch sử Đền Hồng Sơn. Sử chép: Đền Hồng Sơn trước đây là Võ miếu linh từ, được xây dựng từ thời Trần để thờ Quan Vân Trường - Vị tướng tài ba trung nghĩa thời Tam Quốc. Thời Pháp thuộc, Võ miếu linh từ còn được gọi là Đền Nhà Ông. Năm 1982, phường Hồng Sơn được thành lập, di tích Võ miếu bấy giờ lấy tên địa danh nên tên Đền Hồng Sơn cũng có từ đó. Đền có quy mô lớn, khuôn viên rộng 6.250m2, kiến trúc đẹp và cổ kính. Chính diện của đền hướng ra sông Cửa Tiền, trước, hẳn cũng đắc địa và nhiều thi vị lắm.
Nhiều người già trên phố hay chuyện còn kể, đường Hồ Xuân Hương mấy chục năm về trước chưa có thảm nhựa như bây giờ, nhưng hưởng cái trong lành của mênh mang sông nước, tuyến đường đất nhỏ hẹp vẫn rười rượi thanh bình trong lòng người ở phố. Đường đã hình thành góc chợ từ sớm nhưng bấy giờ mới nép gọn một góc, chưa kéo dài đến tận cổng Đền Hồng Sơn. Nay, chốn đền chùa cũng không thoát được vòng xoáy thời thế mưu sinh mà phải chịu đựng bao nhốn nháo, lem luốc của phố chợ; dòng sông trữ tình ngày nào nay cũng chỉ còn vẹm lại một dải lắt lẻo trôi. Thời gian biến đổi đi nhiều sự, thế nên, đi trên đường, lắng lại chút tất bật của ngày để có những chiêm nghiệm phố, âu cũng là điều thú vị.
Phố xá là hơi thở của sức sống đô thị, đi trên phố, sống trong phố, chẳng phải lúc nào và ở đâu cũng tuyền những điều dễ chịu. Thành Vinh có những phố nhỏ bé mà thơ mộng như đôi vần thơ, có phố lại sôi động, trẻ trung căng tràn nội lực, có phố lại xôn xao những sự sống thực tại đến khắc nghiệt… Như góc phố chợ ấy, chẳng có lăng kính gợi cảm nào có thể khúc xạ nổi những mộng mơ, phải nhìn phố bằng cái nhìn thật sâu, mới nhận ra và chấp nhận nó như một sự hiện hữu tất yếu, đầy nhân văn trên tiến trình phát triển của kiến thiết đô thị. Biết đâu, mấy mươi năm nữa, phố ấy đã không còn là phố chợ thuở xưa mà lộng lẫy con đường ven sông dập dìu lữ khách vãn cảnh chiều tà. Bấy giờ, hẳn người đi xa về lại phố sẽ nhớ lắm những ồn ã này, những bực dọc phiền toái này như một nỗi nhớ đại diện cho những gì đã xa không trở lại…
"Bà Chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương là con của Hồ Sĩ Danh (1706 - 1783), quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và một người thiếp quê ở Hải Dương. Năm sinh, năm mất, thân thế, cuộc đời, và thơ văn của bà đến nay vẫn còn vướng mắc nhiều nghi vấn. Ta chỉ biết bà sống vào thời Lê mạt Nguyễn sơ, người cùng thời với Nguyễn Du (1765 - 1820), Phạm Đình Hổ (tức Chiêu Hổ, 1768 -1839). Bà là một phụ nữ thông minh, có học, giao du rộng rãi với bạn bè nhất là đối với những bạn bè ở làng thơ văn, các nhà nho. Nữ sĩ còn là người từng đi du lãm nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước. Bà là một phụ nữ tài hoa có cá tính mạnh mẽ nhưng đời tư lại có nhiều bất hạnh. Hồ Xuân Hương lấy chồng muộn mà đến hai lần đi lấy chồng, hai lần đều làm lẽ, cả hai đều ngắn ngủi và không có hạnh phúc. Sự nghiệp thơ văn của bà thể hiện cá tính mạnh mẽ, khác thường, nội dung thường viết về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến, chịu nhiều ràng buộc, định kiến nhưng luôn khát khao vượt thoát. |
Phước Anh-Baonghean.vn