Trong dư luận lâu nay vẫn lan truyền một số mẹo giúp giảm cân, chẳng hạn như ăn ớt. Một nghiên cứu mới đã chứng minh quan điểm này là có căn cứ khoa học.
Sức cám dỗ của rất nhiều loại thực phẩm béo ngậy mạnh mẽ đến mức nhiều người trong chúng ta không thể kháng cự được việc ngốn ngấu chúng, ngay cả khi họ đang cố gắng cắt giảm lượng calo hấp thụ. Các nhà nghiên cứu hiện tin rằng, capsaicin - thành phần tạo nên vị cay nồng của ớt - có thể mang đến giải pháp cho vấn đề này: thúc đẩy quá trình trao đổi chất của chúng ta mà không cần phải hạn chế chế độ dinh dưỡng.
Chất capsaicin - thành phần tạo nên vị cay nồng của ớt, được phát hiện có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giúp đốt cháy mỡ trong cơ thể. Ảnh: Alamy
Các chuyên gia thuộc Đại học Wyoming (Mỹ) phát hiện, chất capsaicin có thể kích thích cơ thể đốt cháy năng lượng và tạo ra sức nóng - quá trình sinh nhiệt đốt cháy calo. Capsaicin làm được điều này thông qua việc kích hoạt các cảm thụ quan trong cơ thể, vốn có nhiệm vụ khởi phát quá trình đốt cháy năng lượng.
Những cảm thụ quan trên tồn tại ở cả các tế bào mỡ trắng và mỡ nâu. Trong cơ thể, các tế bào mỡ trắng thấm hút năng lượng và dự trữ nó dưới dạng mỡ, tích tụ rõ thấy ở vùng bụng, quanh eo hông và bắp đùi. Vì vậy, chúng được coi là mỡ "xấu", kẻ thù của người ăn kiêng.
Trong khi đó, mỡ nâu tồn tại với số lượng nhỏ ở vai và cổ, thực sự đốt cháy mỡ để làm nóng cơ thể. Do đó, chúng được coi là mỡ "tốt".
Theo báo cáo nghiên cứu, capsaicin trong chế độ ăn có thể kích thích một cảm thụ quan có tên gọi protein kênh TRPV1. Việc kích hoạt cảm thụ quan này được cho là giúp ngăn chặn chứng béo phì liên quan đến chế độ dinh dưỡng giàu chất béo, vì nó khiến mỡ "xấu" biến đổi thành mỡ "tốt" đốt cháy năng lượng.
Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu trên một nhóm chuột hoang và một nhóm chuột khác được biến đổi gen để thiếu cảm thụ quan TRPV1. Họ cho cả 2 nhóm chuột này thực hiện chế độ ăn giàu chất béo và chứa 0,01% thành phần là capsaicin.
Kết quả cho thấy, capsaicin ngăn chặn việc tăng cân gắn liền với chế độ ăn giàu chất béo ở chuột hoang, nhưng không có được tác dụng này ở nhóm chuột thiếu TRPV1. Capsaicin đã tạo ra điều kỳ diệu mà không gây ra bất kỳ tác động nào đến lượng thực phẩm hoặc nước mà các con chuột hấp thụ.
Nhóm nghiên cứu tuyên bố, capsaicin do vậy có thể hỗ trợ phòng chống và kiểm soát chứng béo phì cũng như các biến chứng sức khỏe liên quan khác như bệnh tiểu đường tuýp 2, áp huyết cao và bệnh tìm mạch.
Bước tiếp theo, các chuyên gia muốn hiểu rõ hơn cơ chế phát huy tác dụng của capsaicin và tiến hành thêm nhiều thử nghiệm để chứng thực điều đó. Họ cũng sẽ tập trung phát triển các loại thuốc kích hoạt cảm thụ quan TRPV1 nhằm giúp phòng chống béo phì và tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng ở người.
Tuấn Anh(theo Daily Mail)