Trách nhiệm cộng đồng
Người lao động Nghệ An ở Hàn Quốc tập trung ở các tỉnh Gyeonggy; Incheon; Gyeongnam; Busan, thông qua các công ty xuất khẩu lao động, người Nghệ có mặt ở Hàn Quốc khá sớm, từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, những người Nghệ đã có mặt ở Hàn Quốc theo các hình thức thuyền viên làm việc trên các tàu cá hoặc các tu nghiệp sinh.
Từ năm 2004, với hình thức làm việc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc, người Nghệ có mặt tại Hàn ngày càng đông, có một so sánh khá thú vị, đó là nếu Việt Nam là nước dẫn đầu trong số 15 quốc gia phái cử lao động sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS, thì ở trong nước Nghệ An là địa phương dẫn đầu về số lượng người lao động được phái cử sang Hàn Quốc, theo thống kê trong 10 năm (từ 2004 đến 2014), người Nghệ An sang Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS là 6.273 người, chưa tính những người đăng ký thông qua các trường nghề và các đơn vị của Bộ Quốc phòng.
Từ Hàn Quốc, tình cảm của những người con xa xứ vẫn luôn dõi về quê hương, thông tin về những đợt thiên tai, bão lũ đều được anh em chia sẻ, thăm hỏi. Đồng tiền kiếm được bằng sức lao động ở xứ người không dễ, nhưng họ vẫn không quên nhắc nhau về tình cảm, trách nhiệm với quê nhà. Trao đổi với tôi, anh Tuấn - sang Hàn Quốc được 3 năm theo Chương trình EPS - quản trị của Fanpage Choa dân 37 tại Korea, cho biết: “Bà con mình ở quê nhà còn khó khăn, năm nào cũng thiên tai lụt lội, bọn em tuy vất vả nhưng mong muốn chia sẻ những khó khăn của bà quê nhà với tất cả tình cảm, tấm lòng của người con xa xứ”.
Trong đợt bão số 10 và số 11 năm 2013, cộng đồng người Nghệ An tại Hàn Quốc đã quyên góp được hơn 150 triệu đồng gửi về ủng hộ đồng bào bị lũ lụt tại TX. Hoàng Mai. Cộng đồng người Việt tại khu vực Busan vẫn còn nhắc về vụ tai nạn kinh hoàng của Thành và người vợ sắp cưới tên Mai, cả hai đều là người Nghệ An. Sau khi tham gia một hoạt động cộng đồng, trên đường về nhà, ô tô do Thành cầm lái chẳng may bị tai nạn, Mai tử vong tại chỗ, Thành thì thập tử nhất sinh. Hội đồng hương Nghệ An, Fanpage Choa là dân 37 tại Hàn Quốc và những người bạn đã đứng ra xử lý những vấn đề pháp lý, quyên góp, ủng hộ gia đình nạn nhân được hơn hai chục triệu won (tương đương khoảng 20.000 USD) chữa bệnh cho Thành và đưa Mai về quê. “Bôn ba nơi xứ người, tình đồng hương là cội rễ kết nối với quê nhà, làm cho bọn em vững lòng hơn khi đối diện với khó khăn, hoạn nạn”, anh Tuấn tâm sự. Hiện nay, nhiều hoạt động hướng về quê hương, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn vẫn đang được fanpage duy trì một cách thường xuyên.
Nhắc đến người Nghệ ở Hàn Quốc, hầu như ai cũng biết về anh Võ Trọng Kiên, một người con xứ Nghệ với nhiều hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. Những lớp học tiếng Hàn miễn phí của anh đã giúp đỡ cho rất nhiều lao động và cô dâu người Việt vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu về ngôn ngữ để sớm thích nghi với cuộc sống mới. Điều đáng trân trọng là để có vốn kiến thức tiếng Hàn truyền thụ cho người học, anh Kiên với xuất phát điểm là người lao động như bao người khác đã tự mày mò, soạn giáo án cho phù hợp với công việc và cuộc sống của những người lao động.
Chị Lan, người Thành phố Vinh sang Hàn theo diện kết hôn hiện đang có một gia đình hạnh phúc tại Hàn Quốc. Với vị trí công tác tại Trung tâm Hỗ trợ cho người lao động nước ngoài ở Thành phố Incheon, trong nhiều năm qua chị Lan đã hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho người lao động, đòi nợ lương, bảo hiểm và đứng ra dàn xếp, giải tỏa các vấn đề mâu thuẫn giữa người lao động và công ty. Còn nhiều người vẫn ngày ngày đang “vác tù và hàng tổng” như Tuấn, anh Kiên, chị Lan... đang góp phần xây dựng nên hình ảnh tích cực của con người xứ Nghệ trên đất nước Kim Chi.
Đam mê bóng đá
Nói đến người “Quê choa” tại Hàn Quốc thì không thể không nói đến niềm đam mê bóng đá, từ Incheon cho đến Busan, ở đâu có tiếng Nghệ, ở đó có các câu lạc bộ bóng đá, các câu lạc bộ này vô địch các giải cộng đồng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Trong số đó, nổi tiếng nhất là đội bóng Sông Lam Nghệ An Korea, đây là đội bóng tập hợp của rất nhiều cầu thủ xuất sắc, đã giành nhiều chức vô địch tại các sự kiện thể thao của cộng đồng người Việt. Được tổ chức bài bản và cũng không lạ về sức mạnh của họ khi trong đội hình có một số cầu thủ từng tập luyện tại các đội trẻ Sông lam. Tôi hỏi anh Hùng - huấn luyện viên và là ông bầu về lý do ra đời của đội bóng, được anh cho biết: “Hội đồng hương Nghệ An có rất nhiều người đam mê đá bóng và đá bóng giỏi, đội bóng ra đời vừa thỏa mãn được niềm đam mê của anh em với trái bóng tròn, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng và tạo sân chơi lành mạnh để anh em rèn luyện sức khỏe, không sa đà mất thời gian vào các trò giải trí vô bổ và các tệ nạn xã hội”.
|
Đội bóng Sông Lam Nghệ An Korea giành nhiều chức vô địch tại các sự kiện thể thao của cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc. |
Trong đợt công tác tại Hàn Quốc, tôi được anh bạn đang công tác tại Đại sứ quán rủ đi xem trận đấu bóng đá giữa U23 Việt Nam và U23 Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất trong khuôn khổ Đại hội thể thao Châu Á, có khá đông cổ động viên người Việt đến theo dõi và cổ vũ cho đội nhà. Điều khiến tôi ngạc nhiên là trên khái đài xuất hiện rất nhiều chiếc áo vàng truyền thống của Câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An với dòng chữ “Quê choa” sau lưng áo. Không cần hỏi thì tôi cũng biết đó là những fan trung thành của đội bóng Sông lam Nghệ An. Cũng là người Nghệ, tôi hiểu, ở đâu cũng vậy, tình yêu với bóng đá, tình yêu quê hương của người xứ Nghệ luôn có màu sắc riêng, không dễ gì trộn lẫn, một cái gì đó... rất Nghệ.
Trao đổi với anh bạn cùng làm việc trong công tác quản lý lao động về tình hình lao động Nghệ An tại Hàn Quốc, anh bạn vốn ý nhị của tôi nửa đùa nửa thật “Nghệ An nhà ông thì nhất”. Câu nói như xen chút ngợi khen, nhưng cũng có chút gì ẩn ý khó giãi bày đã khơi trong tôi bao nỗi tò mò, thế là trong hành trình của tôi tại Hàn Quốc có thêm một sứ mệnh, đi tìm về những “cái nhất” theo lời của ông bạn về những người đồng hương của mình.
Buồn - vui cơ hội việc làm...
Người viết bài này đang làm công tác theo dõi, quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Trong quá trình công tác, chúng tôi nhận thấy rằng, rất nhiều người Nghệ trên đất Hàn đang hàng ngày góp phần bồi đắp, gây dựng cộng đồng người Việt đoàn kết, phát triển và dành được sự tôn trong của những người bạn Hàn Quốc. Và cũng đã có những thanh niên Nghệ An trở về đúng hạn hợp đồng, lập nghiệp thành công trên quê hương, vì họ xác định được rằng, thành công trong cuộc sống không chỉ đến từ tiền bạc, kinh tế tích lũy được tại Hàn Quốc chỉ là điểm tựa, sự phát triển bền vững chỉ có thể ở quê nhà. Tuy nhiên, vẫn còn đó những người đã đi ngược lại với cam kết trở về trước khi ra đi, họ đang lấy đi niềm hy vọng của những thanh niên ở quê nhà chờ mong ngày sang Hàn Quốc làm việc, như giấc mơ của chính họ 5 - 7 năm về trước.
Còn đó những câu chuyện nặng nỗi suy tư từ những người đồng hương Nghệ An mà tôi gặp trên đất Hàn. Vợ chồng Mạnh - Loan tại một thị trấn ở gần Thành phố Kimhe - phía Nam Hàn Quốc, cả hai vợ chồng là người Nghi Lộc, Mạnh là lao động theo Chương trình EPS đã bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp được 3 năm, Loan sang Hàn theo diện kết hôn giả, hai người quen nhau và nên duyên trên đất Hàn Quốc. Khi gặp tôi, cả hai đang hạnh phúc chào đón thành viên mới của gia đình. Tôi băn khoăn về tình trạng pháp lý của cháu bé khi cả hai vợ chồng đều sống bất hợp pháp và chưa đăng ký kết hôn. Mạnh chia sẻ, vì hoàn cảnh của hai vợ chồng hiện nay không thể khai sinh cho con, nên khi Loan nhập viện sinh cháu phải sử dụng tên giả và giấy tờ của người em (đang làm việc hợp pháp), việc này cũng để thuận tiện để sau này nhờ vợ chồng người em bế con về quê nhờ ông bà trông hộ. Trong tôi thoáng chút xót xa, vì không có thân phận hợp pháp mà họ không được hưởng điều thiêng, liêng quý báu nhất của bậc làm cha, làm mẹ, đó là đứng tên khai sinh cho con mình.
Theo chân một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, chúng tôi gặp một số lao động bất hợp pháp đang bị tạm giữ ở trại giam của Cơ quan xuất nhập cảnh tại Deagu. Trong số đó có Quân, người Diễn Châu, đang đợi chủ chi trả tiền lương và bạn bè mang tư trang đến để về nước. Quân cho biết, mới bị bắt trong đợt truy quét hôm kia tại nhà máy cùng một số người Việt. Tôi hỏi: Tại sao không về nước đúng hạn để được hưởng các chính sách ưu đãi?. Quân trả lời: “Bạn bè em đứa bảo ở, đứa nói về, em mới xây nhà ở quê hết cả vốn làm ăn, cũng nghĩ ở lại được vài năm kiếm thêm một ít vốn rồi về hẳn lập nghiệp, đâu ngờ mới được mấy tháng, bây giờ thì em hết đường trở lại Hàn Quốc rồi, biết thế này em đã về thi tiếng Hàn”.
Có rất nhiều người như Quân, hơn 4 năm ở Hàn Quốc có thể tích lũy được khoảng một tỷ đồng, tuy nhiên bài toán về việc quản lý và sử dụng đồng tiền này một cách hiệu quả, tạo tiền đề ổn định cuộc sống và phát triển sự nghiệp khi về nước thì chưa nhiều người làm được. Thu nhập từ Hàn Quốc gửi về vẫn chủ yếu quẩn quanh ở việc xây nhà thật to và sắm các tiện nghi đắt tiền phục vụ cuộc sống và ngoảnh đi ngoảnh lại thời hạn hợp đồng đã hết, số dư trong tài khoản chẳng còn là bao, điều đó đã thúc đẩy rất nhiều người lao động ở lại trái phép sau khi hết hạn hợp đồng... Theo Luật Xuất nhập cảnh Hàn Quốc, những người lao động bất hợp pháp như Quân sẽ bị lăn dấu vân tay và cấm nhập cảnh Hàn Quốc trong thời gian 5 năm dưới mọi hình thức. Và điều đáng tiếc nhất đối với Quân là thay vì trở về đúng hạn để nắm lấy cơ hội trở lại Hàn Quốc làm việc, anh đã lựa chọn ở lại bất hợp pháp và bị bắt giữ trong thời gian ngắn.
Điều đáng lo ngại là nhận thức của những người lao động về vấn đề này còn đơn giản, tiếp tục ở lại sau khi hết hạn hợp đồng có vẻ như chỉ là một lựa chọn đơn giản không cần cân nhắc, tính toán nhiều về những thiệt hơn của lợi ích vật chất trước mắt và quyền lợi bền vững, lâu dài về sau cũng như trách nhiệm của cá nhân và hình ảnh, uy tín của cộng đồng. Trong vòng xoáy của cuộc mưu sinh, để kiếm tìm một tương lai tốt đẹp hơn mà không có một thân phận hợp pháp đã đẩy họ vào những hệ lụy éo le. Những ước mơ ban đầu có khi theo năm tháng cũng chẳng còn vẹn nguyên, những con đường tưởng gần mà bốc chốc hóa xa vì những tính toán sai lầm.
Trong kỳ kiểm tra tiếng Hàn năm 2011, Nghệ An là địa phương có số người đăng ký dự thi đông nhất, với 13.028 người đăng ký dự thi, chiếm gần 20% tổng số thí sinh tham dự. Con số đó đã phản ánh nhu cầu lớn của những thanh niên Nghệ An mong muốn được sang làm việc tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, với tình trạng người lao động hết hạn hợp đồng không về nước đang gia tăng như hiện nay, sẽ là một trở lực đối với Nghệ An trong công tác đưa người lao động sang làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian tới. Giảm tỷ lệ người Nghệ An lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc đang là bài toán khó đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An và các địa phương nếu không có những giải pháp cụ thể, quyết liệt và triệt để. Việc lao động hết hợp đồng trở về chờ cơ hội sang làm việc tiếp không chỉ là trách nhiệm của bản thân mỗi cá nhân lao động, mà còn thể hiện trách nhiệm với gia đình và xã hội.