Tái lấn chiếm lòng, lề đường đã trở thành thực trạng nhức nhối lâu nay, ảnh hưởng đến TTATGT và gây mất mỹ quan đô thị. Mặc dù đã có nhiều đợt ra quân giải tỏa, nhiều chủ trương, đề án được ban hành, các phương tiện thông tin cũng nhiều lần phản ánh. Thế nhưng, một kịch bản cứ lặp đi lặp lại đó là: Ra quân giải tỏa rầm rộ, tạm lắng được một thời gian, sau đó các hộ dân lại tiếp tục lấn chiếm.
“Bắt cóc bỏ đĩa”
Dọc các trục đường chính trên địa bàn TP Vinh, có thể thấy tất cả đều được quy hoạch, thiết kế, xây lát vỉa hè, trồng cây xanh. Điều này vừa tạo hành lang ATGT, vừa dành đường cho người đi bộ và góp phần làm nên mỹ quan đô thị. Nhưng thực tế hiện nay, vỉa hè đang bị xâm chiếm nghiêm trọng. Đáng quan ngại hơn là tình trạng tái lấn chiếm lòng, lề đường về đêm để kinh doanh hàng quán, vui chơi giải trí, chợ tự phát. Tình trạng này một mặt choán hết lối đi dành cho người đi bộ, mặt khác gây mất TTATGT khu vực.
|
Việc giải tỏa, xử lý các vi phạm về lấn chiếm vỉa hè, lề đường được tiến hành thường xuyên nhưng tình trạng tái phạm sau giải tỏa vẫn tiếp diễn trên địa bàn thành phố - Ảnh: Xuân Thống |
Trước thực trạng đó, ngày 25/8/2011, Ban Thường vụ Thành ủy Vinh đã ban hành Chỉ thị số 05 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn thành phố. Sau 3 năm triển khai, thành phố đã thực hiện 6 đợt cao điểm ra quân đồng loạt giải tỏa hành lang ATGT, vỉa hè đô thị. Lực lượng Thanh tra đô thị thành phố đã kiểm tra 3.660 trường hợp liên quan đến trật tự xây dựng, lập biên bản vi phạm gần 400 trường hợp, thu nộp ngân sách gần 1,8 tỉ đồng.
Đợt ra quân gần đây nhất vào trung tuần tháng 4/2014 với lực lượng hùng hậu. Ngay trong ngày đầu ra quân, nhiều vật dụng, phương tiện buôn bán của các tiểu thương tái lấn chiếm đã được dẹp bỏ. Đợt ra quân này tạo nên sự kỳ vọng, đánh giá rất lạc quan của UBND TP Vinh. Thế nhưng, sau các đợt giải tỏa, tình trạng tái lấn chiếm hành lang vỉa hè, lòng, lề đường lại tiếp tục. Điều đáng nói là sau nhiều nỗ lực, tốn kém tiền bạc, thời gian và công sức của Nhà nước thì thành phố vẫn không giải quyết được dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường.
Theo thống kê, hiện nay 31 tuyến đường chính của các phường, xã trên địa bàn thành phố đều trong tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, gây mất ATGT, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường. Việc ra quân giải tỏa thực sự chưa mang lại hiệu quả cao mà chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Thậm chí, các tuyến đường được chọn làm điểm xây dựng tuyến đường xanh - sạch - đẹp cũng xảy ra tình trạng lấn chiếm tràn lan như: Khu vực chợ Quán Lau, đường Hồ Tùng Mậu, đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Ý thức trách nhiệm hay không đồng bộ biện pháp?
Xung quanh việc ra quân lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè mà TP Vinh đang triển khai có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Những đối tượng bị ảnh hưởng quyền lợi (các hộ kinh doanh, mua bán ở vỉa hè) cho rằng việc làm này là không cần thiết, vô tình “đá đổ nồi cơm” của họ. Trong khi đó, phần lớn người dân thành phố ủng hộ chiến dịch nói trên. Theo họ, việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè là cần thiết, cần phải tạo cho TP Vinh một bộ mặt tương xứng với tiềm năng phát triển.
|
Lòng, lề đường lại trở thành một chợ “cóc” sau khi dẹp bỏ |
Việc ra quân rầm rộ làm cho người dân TP Vinh đặt nhiều hy vọng. Tuy nhiên, nhiều người dân còn tỏ ra hoài nghi khả năng thành công của chiến dịch nói trên. Theo họ, nếu không thực hiện một cách kiên quyết, triệt để, đồng bộ và thường xuyên thì tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để mua bán sẽ lặp lại. Bởi, TP Vinh đã và đang có những đợt ra quân lập lại trật tự đô thị, nhưng sau một thời gian, tình trạng lộn xộn, lấn chiếm lòng, lề đường mua bán, kinh doanh đâu lại vào đấy.
Trên thực tế, hầu như công tác chấn chỉnh trật tự lòng, lề đường mới chỉ tập trung trên các tuyến đường trục chính. Trong khi các tuyến đường còn lại, đặc biệt là các con hẻm và đường nội bộ khu dân cư, tình hình trật tự lòng, lề đường gần như chưa có chuyển biến đáng kể.
Trong khi đó, những người lấn chiếm đã hình thành thói quen tái lấn chiếm sau khi bị giải tỏa. Tình trạng vi phạm hành lang ATGT, lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh, buôn bán diễn ra trên các tuyến đường rất phức tạp, nhất là tại các khu vực thị trấn, thị tứ. Họ ngang nhiên bày bán các hàng hóa trên hành lang giao thông. Thậm chí nhiều nơi, người dân còn liên kết với nhau để thông báo về lịch trình ra quân của các đoàn kiểm tra, xử lý để đối phó trước khi đoàn đến.
Vấn nạn này đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận vấn đề một cách nghiêm túc, thấu đáo từ nhiều góc độ khác nhau: Từ góc nhìn giao thông đến góc nhìn kinh tế và kể cả góc nhìn văn hóa vỉa hè. Chỉ có trên cơ sở tiếp cận đa chiều như thế, chúng ta mới có thể tìm được giải pháp có tính đồng bộ, căn cơ và khả thi để giải quyết vấn đề này một cách triệt để.
(Congannghean.vn)