Thành Vinh hơn 220 tuổi hôm nay đã vững chãi mà bước qua một chặng dài, qua rất nhiều biến thiên và thăng trầm của lịch sử.
Từ trên Dũng Quyết nhìn về, thành phố xinh đẹp trải dài, rạng rỡ dưới kia, dường như ta đang nghe vẳng đâu đây tiếng ngựa hý, gươm khua nơi dựng Phượng Hoàng Trung Đô của người anh hùng áo vải Tây Sơn một thủa...
Tháng Tám này, khách xa tìm về thành Vinh, thấy một Vinh tươi trẻ đang bừng sắc trong màu áo công nghiệp, nơi những công trình, đô thị đang mọc lên hối hả. Xin hãy cùng lắng lại trong xao động của những ngày Thu lịch sử nơi thành phố Đỏ anh hùng, để hoài niệm về một Vinh xưa, với những phố nhỏ chạy dài miên man, những thành quách, miếu mạo, trường tồn cùng thời gian là chứng tích cho một thành Vinh còn mãi dấu tiền nhân.
Danh xưng Vinh
Vinh, tên ban đầu là Kẻ Ván. Sau đó, lần lượt đổi thành Kẻ Vĩnh, Vĩnh Giang, Vinh Doanh, Vinh Thi. Cuối cùng, tên chính thức của thành phố được rút gọn lại thành một tiếng là Vinh và tồn tại mãi cho đến tận bây giờ.
|
Đền Hồng Sơn những năm đầu thế kỷ 20 - Ảnh Tư liệu |
Vinh Doanh là tên trấn thời Lê, có thôn Vĩnh Yên và thôn Yên Vinh, nay là địa bàn thành phố Vinh. Thôn này sau là làng Vĩnh Yên, thuộc xã Yên Trường, tổng Yên Trường, huyện Chân Phúc. Đến thời nhà Nguyễn, thuộc huyện Nghi Lộc. Nơi đây có chợ Vĩnh và sông nhỏ Vĩnh Giang. Thôn/làng Yên Vinh, còn gọi là làng Vang, là nơi có Tòa Công sứ Pháp được xây dựng năm 1897 ở ngoài thành Nghệ An, phía tây thành, cạnh sông Vĩnh Giang và chợ Vĩnh. Theo Đinh Xuân Vịnh, trong Sổ tay địa danh Việt Nam, thì vì Tòa Công sứ Pháp đóng ở thôn Yên Vinh, nên về sau tên gọi Vinh dần dần thay thế cho tên gọi cũ là Vĩnh (tiếng địa phương gọi là Vịnh).
Ngày 20 tháng 10 năm 1898, vua Thành Thái ra đạo dụ thành lập thị xã Vinh cùng với các thị xã Thanh Hóa, Huế, Fai-Fo (Hội An ngày nay), Quy Nhơn và Phan Thiết. Ngày 30 tháng 8 năm 1899, Toàn quyền Đông Dương chuẩn y đạo dụ này. Thị xã lúc đầu bao quanh thành Nghệ An, sau dần dần phát triển về phía nam.
Ngày 10 tháng 12 năm 1927, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định hợp nhất thị xã Vinh, thị xã Bến Thủy (thành lập ngày 11 tháng 3 năm 1914) và thị xã Trường Thi (thành lập ngày 27 tháng 8 năm 1917) thành thị xã Vinh-Bến Thủy, do Công sứ Nghệ An kiêm chức đốc lý (tức thị trưởng). Đây là loại thành phố cấp ba (commune).
Khi Việt Nam giành được độc lập, Vinh trở thành thị xã tỉnh lỵ tỉnh Nghệ An. Ngày 10 tháng 10 năm 1963, Vinh trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.
Trong những năm chiến tranh, Vinh là một trong những thành phố miền Bắc bị không quân Mỹ ném bom tàn phá nặng nề nhất. Sau chiến tranh, thành phố được xây dựng lại theo kiểu thiết kế đô thị của Đông Đức và Liên Xô như kiểu các đại lộ to, rộng và các dãy nhà chung cư.
Từ năm 1975, Vinh là tỉnh lỵ tỉnh Nghệ Tĩnh, và từ năm 1991, trở lại tỉnh lỵ tỉnh Nghệ An.
Thành cổ Nghệ An
Năm 1803, Gia Long ra Bắc, chọn làng Vĩnh Yên nằm phía tây bắc núi Dũng Quyết (khu vực thành cổ bây giờ) xây trấn sở. Năm 1884 chính thức dời trấn từ Dũng Quyết về Vĩnh Yên, cho xây thành Nghệ An bằng đất. Mãi đến năm 1831 vua Minh Mạng mới cho xây lại thành bằng đá ong theo kiểu Vô-băng (Vô-băng là tên một tướng Pháp có sáng kiến thiết kế kiểu thành này). Thành có 6 cạnh, chu vi dài 603 trượng (2.412 m), cao 1 trượng, 1 tấc, 5 thước (4,42 m), diện tích: 420.000 m², bao xung quanh có hào rộng 7 trượng (28 m), sâu 8 thước ta (3,20 m). Lúc khởi công, triều đình nhà Nguyễn đã huy động 1000 lính Thanh Hoá, 4000 lính Nghệ An. Đến thời Tự Đức, khi nâng cấp phải lấy 8599 phiến đá sò từ Diễn Châu và đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía, với tổng kinh phí là 3.688 quan tiền.
|
Cửa Hữu - thành cổ Vinh - Ảnh: Tư liệu |
Thành cổ có 3 cửa ra vào. Cửa tiền là cửa chính hướng về phía Nam, cửa để vua ngự giá, các quan trong lục bộ triều đình và tổng đốc ra vào. Cửa Tả hướng về phía đông, Cửa Hữu hướng về phía Tây. Muốn đi qua các cửa đều phải qua một cái cầu. Bên trong, công trình lớn nhất là hành cung, phía đông hành cung có dinh thống đốc, phía nam có dinh bố chánh và án sát, dinh lãnh binh, dinh đốc học, phía bắc có trại lính và nhà ngục. Sau này phía tây có nhà giám binh người Pháp. Toàn bộ được trang bị 65 khẩu thần công, 47 khẩu đặt ở các vọng gác, số còn lại tập trung ở hành cung và dinh thống đốc.
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và sự phá hoại của chiến tranh, di tích thành cổ hầu như không còn lại gì, chỉ còn lại 3 cổng thành và khu hồ bao quanh. Tỉnh Nghệ an và Thành phố Vinh đã có quy hoạch khôi phục lại di tích và cải tạo thành một công viên văn hoá lớn của thành phố.
Chùa Diệc
Là một trong những chùa đẹp ở thành phố Vinh. Theo các tài liệu ghi lại, chùa này có từ thời nhà Trần, mái chùa lợp tranh. Qua nhiều lần trùng tu, nâng cấp, đầu thế kỷ 19 mới được lợp ngói. Đặc biệt lần trùng tu năm 1930 có sự tham gia của nhiều quan lại triều đình Huế, một số tổ chức xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân. Kinh phí quyên góp được 2.590 đồng Đông Dương, 9 mẫu, 5 sào, 1 thước ruộng. Từ đó Chùa Diệc cổ trở thành một công trình kiến trúc văn hoá tâm linh đặc sắc của người dân thành Vinh bấy giờ. Qua nhiều biến cố của lịch sử và sự phá hoại của chiến tranh, Chùa Diệc cổ hầu như không còn lại gì, chỉ còn lại cổng tam quan rêu phong, lở lói. Thấy được giá trị của chùa, tỉnh và thành phố đã có kế hoạch khôi phục trong nay mai, tạo nên điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh, tạo thêm vẻ đẹp cho kiến trúc cho Thành Vinh.
Đền Trìa
Di tích nằm ở Làng Đỏ (Lộc Đa - Đức Thịnh, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, Nghệ An). Đền được xây dựng năm 1813, trước đây người trong làng thường gọi là Đền Lộc. Đền thờ một vị tướng có công trong sự nghiệp chống giặc Thanh được phong là Thượng Đẳng Thần. Cổng ra vào có vòm cao đẹp, có 4 rồng chầu hai bên, có tam toà. Bên trong có Thượng điện, Trung điện, Hạ điện nguy nga, hai bên đền có 2 nhà tả vu và hữu vu, mỗi nhà có 2 gian để tiếp khách, hiện chỉ còn nhà thượng điện và hạ điện.
|
Đình Trung, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Làng Đỏ - Anh :Tư liệu |
Năm 1991, xã Hưng Lộc xin được một số kinh phí trùng tu, sửa chữa theo nguyên trạng. Đền được công nhận là Di tích lịch sử ngày 26/6/1995 theo Quyết định 2233 của Bộ văn hoá thông tin.
Đền Hồng Sơn
Đền Hồng Sơn trước dây có tên là Võ Miếu thờ Quan Công tức Quan Vân Trường, có tài dụng võ trong thời Tam quốc, sau này có hợp tự một số đền trên thành phố về, từ đó có thờ nhiều vị thần, thánh trong đó có thờ: Vua Hùng Vương, Thánh Mẫu và Trần Hưng Đạo.
Đền được xây dựng từ xưa và được trùng tu, hoàn thiện nhiều lần dưới triều Nguyễn. Trùng tu lần thứ nhất vào năm 1838, trùng tu lần thứ hai năm 1898, dựng lại nhà Hạ Điện với quy mô lớn như ngày nay. Công trình bao gồm: Cổng đền, Hồ bán nguyệt, Tiền sảnh, Tháp chuông, Hạ điện, Trung điện, Thượng điện,Tả vu, Hữu vu.
Hàng năm Đền Hồng sơn có 3 lễ hội lớn diễn ra vào các dịp: Giỗ Đức Thánh Mẫu (2 và 3 tháng ba âm lịch), Giỗ Đức Hùng Vương (9 và 10 tháng ba âm lịch) và Giỗ Trần Hưng Đạo (19 và 20 tháng tám âm lịch).
Chùa Cần Linh
Chùa được xây dựng từ thời Lê, trên một vùng đất, trước đây thuộc Làng Vang, tổng Yên Trường, huyện Hưng Nguyên (nay thuộc phường Cửa Nam thành phố Vinh). Chùa thờ Phật Thich Ca - Vị tổ của Đạo Phật và các vị sư tăng đã từng trụ trì trong Chùa, trong vùng. Tổng diện tích: 5208 m², gồm có các kiến trúc sau: Tam quan, Bái đường, Chính điện, Tăng đường, nhà Tả vu, Hữu vu. Hàng năm, chùa có tổ chức rất nhiều các ngày lễ.
Đền thờ Trần Trùng Quang
Đền thuộc địa phận xã Hưng Lộc - Thành phố Vinh, thờ vị vua Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng. Đền được xây dựng từ thời Lê, trùng tu hoàn thiện vào thời Nguyễn. Di tích bao gồm: Đền thờ và khu lăng mộ. Lễ hội đền thờ Trần Trùng Quang là lễ hội gắn với di tích.
Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, 19 và 20 tháng 2 âm lịch hàng năm.
Đền Đức Hoàng Mười
Nằm trên tỉnh lộ 8 Vinh - Hưng nguyên cách trung tâm thành phố Vinh khoảng 2 km là di tích đền đức Hoàng Mười thờ Đại Vương Nguyễn Duy Lạc hiệu Tuấn Sảng Siêu Loài Hiển Đức. Đền được xây dựng từ thời Lê, do chiến tranh bị dỡ đi nơi khác và được khôi phục năm 1995. Bao gồm: Bái đường và Hậu cung. Ngoài ra còn có di tích phụ trợ là: Mộ ông Hoàng Mười, đài Trung Thiên, lăng Cô Chín quần tụ xung quanh. Lễ hội Đền diễn ra mỗi năm hai lần
Trần Hải - báo Nghệ An