Cách đây mấy năm, xã Vĩnh Sơn vẫn còn là một xã nghèo, khó khăn của huyện miền núi Anh Sơn. Vậy nhưng, về xã thời điểm này, Vĩnh Sơn đã có nhiều chuyển biến khá. Ông Phan Bá Trung, Chủ tịch UBND xã vui vẻ: Có được thành công ấy, một phần không nhỏ nhờ thực hiện tốt công tác dân số. Bởi “dân có vững, xã mới giàu” mà.
Được biết, ở xã Vĩnh Sơn, công tác dân số là một trong những vấn đề được cấp ủy đảng và chính quyền quan tâm và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của các tổ chức đoàn thể. Nhiều năm nay Hội Nông dân đã tham gia tích cực vào công tác tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện chính sách DS-KHHGĐ. Cụ thể, hàng tháng hội chủ động họp với các chi hội trưởng ở các thôn xóm, giao nhiệm vụ cụ thể để các thành viên tham gia tuyên truyền cùng với cộng tác viên dân số. Bên cạnh đó, thông qua các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội lồng ghép các nội dung tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đến các hội viên. Hội chủ động thành lập các tổ vay vốn tín dụng để các hội viên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.
|
Tuyên truyền, tư vấn các biện pháp tránh thai cho người dân tại bến cá ở Nghi Tân (TX. Cửa Lò). Ảnh: Thành Hưng |
Nói về vai trò của Hội Nông dân với công tác dân số, chị Đào Thị Dương, chuyên trách dân số xã Vĩnh Sơn tâm sự: Trước đây việc tuyên truyền về dân số, kế hoạch hóa gia đình chủ yếu chỉ đến được với chị em. Nhưng từ khi Hội Nông dân vào cuộc, do đặc thù 100% chi hội trưởng đều là nam giới nên đã vận động được rất nhiều nam giới tham gia. Nhờ đó, hiệu quả tuyên truyền được nâng lên rõ rệt... Đáng mừng, từ ngày có sự tham gia của các thành viên Hội Nông dân, các hội khác cũng theo đó để học tập và nhân rộng mô hình, như Hội Người cao tuổi của xã cũng đã vào cuộc tích cực để vận động con em thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Kết quả rõ nét nhất là 5 năm trở lại đây, tỷ lệ sinh con thứ 3 của Vĩnh Sơn luôn thấp nhất toàn huyện, xã có đến 5/9 xóm gần 10 năm nay không có người sinh con thứ 3, không có tình trạng mất cân bằng giới tính. Sinh con ít cũng là điều kiện tốt để các gia đình quan tâm hơn đến con cái và phát triển kinh tế. Vì vậy, tuy là xã thuần nông, nhưng xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới về thu nhập bình quân, với mức trung bình 19 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo các năm...
Chúng tôi được chứng kiến buổi sinh hoạt sôi nổi của Câu lạc bộ (CLB) “Nam nông dân với công tác DS-KHHGĐ” xóm 8B, xã Thanh Phong (Thanh Chương). Các thành viên CLB tranh luận với nhau xoay quanh chủ đề tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, phân tích ảnh hưởng của gia tăng dân số với chất lượng cuộc sống; phổ biến các biện pháp tránh thai hiệu quả, cấp phát bao cao su miễn phí… Chị Bùi Thị Đông, cộng tác viên dân số, cho biết: Xóm 8B, Thanh Phong địa hình phức tạp, dân cư rải rác với 135 hộ, 556 nhân khẩu, người dân chủ yếu làm nông. Hơn 10 năm trước, xóm thuộc diện khó khăn của xã, tình trạng sinh con thứ 3 gia tăng; bất bình đẳng giới diễn ra khá phổ biến.
Từ năm 2012, xóm xây dựng mô hình CLB "Nam nông dân với công tác DS-KHHGĐ” có quy chế hoạt động và tổ chức sinh hoạt định kỳ 3 tháng/lần. Tại các buổi sinh hoạt, Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ đã tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên kỹ năng ứng xử trong gia đình; giới thiệu truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tác hại của bạo lực gia đình; các biện pháp, kinh nghiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình; kỹ năng sống, xây dựng gia đình theo 4 chuẩn mực gắn với việc triển khai 8 tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... Đến nay, CLB có 57 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, gần 80 thành viên; trong đó có 35 nam và 42 nữ tham gia sinh hoạt. Nhờ vậy, 10 năm liên tục xóm không có người sinh con thứ 3, không xảy ra tình trạng bạo lực gia đình, tỷ lệ người áp dụng các biện pháp tránh thai đạt trên 90%; được huyện đánh giá là làng điển hình trong việc chấp hành chính sách, pháp luật dân số...
|
Tiểu phẩm tham gia Liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở của đơn vị Thành phố Vinh. |
|
Phát tờ rơi tuyên truyền các biện pháp tránh thai cho người dân xã Diễn Kỷ (Diễn Châu). Ảnh: Thành Hưng |
Hoạt động phối kết hợp giữa Chi cục DS/KHHGĐ và Hội Nông dân tỉnh trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về DS/KHHGĐ đã được triển khai ở Nghệ An nhiều năm nay. Riêng trong giai đoạn 2013 - 2015, chương trình phối hợp đã được đầu tư sâu rộng hơn, với nhiều hình thức phong phú như: lồng ghép nội dung DS/KHHGĐ vào công tác hội nông dân hàng năm; tổ chức các lớp tập huấn, các cuộc nói chuyện chuyên đề về DS/SKSS/KHHGĐ; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; cung cấp tờ rơi, tờ gấp… Ngoài ra, hội nông dân các cấp cũng đã chú trọng đưa tiêu chí thực hiện tốt chính sách DS/KHHGĐ vào đánh giá, xếp loại cán bộ, gia đình nông dân văn hóa. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để xét thi đua khen thưởng hàng năm, nhờ đó, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về DS/KHHGĐ...
Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng được 30 mô hình câu lạc bộ lồng ghép dân số CSSKSS/KHHGĐ - Bình đẳng giới, tín dụng tiết kiệm, khuyến nông, thu hút gần 1.500 hội viên tham gia, trong đó có 70% là nam nông dân. Thông qua sinh hoạt của câu lạc bộ, đã phát huy tác dụng tích cực trong việc chia sẻ trách nhiệm công việc gia đình, chăm sóc con cái của nam giới, tạo điều kiện cho chị em có thời gian tham gia các hoạt động xã hội. Các câu lạc bộ cũng đã góp phần không nhỏ trong việc giảm tình trạng mâu thuẫn vợ chồng, bạo lực gia đình và tăng nhanh tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Lồng ghép truyền thông SKSS/KHHGĐ - BĐG với tín dụng tiết kiệm và khuyến nông cũng đem lại nhiều lợi ích cho nông dân, giúp hội viên hội có điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên trong gia đình, từ đó phát huy nội lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa - Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số khẳng định: Nhờ có vai trò của hội nông dân, công tác dân số đã được triển khai sâu rộng hơn trong cộng đồng và đây là tiền đề để các gia đình nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chăm lo nuôi dạy con ngoan, học giỏi và có điều kiện để tham gia tích cực trong phong trào “xây dựng nông thôn mới”.
Trước những khó khăn, thách thức về công tác dân số hiện nay, song song với đẩy mạnh tuyên truyền, cần tiếp tục vận động hội viên nông dân thực hiện quy mô gia đình có từ 1 đến 2 con, xây dựng gia đình “Ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; tổ chức ký cam kết thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ cho mỗi cán bộ, hội viên và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ... Gắn việc thực hiện công tác dân số với chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao chất lượng dân số, xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo chuyển biến mạnh mẽ tất cả các mặt và thực hiện có hiệu quả, bền vững công cuộc xoá đói, giảm nghèo.
(Baonghean)