|
Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam trên Quốc lộ 46 ngày thông xe. Ảnh: Trần Duy Ngoãn |
Đầu tháng 9, trong không khí cả nước thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc và 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì ở Nghệ An, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cùng lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành, đưa vào sử dụng cầu vượt đường sắt trên Quốc lộ 46. Với tổng chiều dài cầu hơn 361m, gồm 11 nhịp bê tông cốt thép dự ứng lực; bề rộng cầu 20m đủ cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ cùng lưu thông, cầu vượt đường sắt trên Quốc lộ 46 thực sự là điểm nhấn đô thị vùng Tây Nam Thành phố Vinh. Đây chỉ là 1 trong số 5 dự án cầu vượt đã được khởi công trong thời gian ngắn vừa qua ở Nghệ An. Hiện nay, công trình cầu vượt đường sắt trên Quốc lộ 48 đoạn qua ngã 3 Yên Lý, 2 cầu vượt đường sắt trên Quốc lộ 1A đoạn qua các xã Diễn An (Diễn Châu) và Nghi Kim (TP. Vinh), cầu vượt đoạn ngã 4 Quán Bánh cũng đang được gấp rút triển khai thi công. Bên cạnh đó là các công trình như: cầu Dùng đã được thông xe, cầu Bến Thủy 3 bắc qua sông Lam đang được khảo sát để xây dựng. Khi các công trình cầu vượt đường sắt này đi vào hoạt động, Nghệ An sẽ trở thành một trong những địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành việc phủ kín cầu vượt ở điểm giao cắt giữa đường sắt và các tuyến quốc lộ, đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, an toàn chạy tàu cũng như mang lại diện mạo mới về một khu vực phát triển năng động, hiện đại.
Bất kỳ ở địa phương nào, để kinh tế - xã hội phát triển đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước nhằm tạo nền tảng, tiền đề cơ bản, nhất là lĩnh vực giao thông. Vì vậy, những việc đã làm được trong lĩnh vực giao thông một năm qua của tỉnh rất đáng mừng. Tuy nhiên, để Nghệ An thực sự có bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa, lĩnh vực này cần tiếp tục có đột phá. Và điều này được chính lãnh đạo Bộ GT – VT chỉ ra trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh. Là người con của quê hương Nghệ An, từng có thời gian làm lãnh đạo tỉnh và luôn trăn trở với sự phát triển của tỉnh nhà, đồng chí Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh: Sau khi khởi công loạt dự án cầu vượt đường sắt, Nghệ An cần tiếp tục thúc đẩy xây dựng tuyến đường chiến lược cao tốc Nghệ An – Lào qua Cửa khẩu Thanh Thủy – Nậm On.
Đây là con đường thuận lợi nhất để Lào thông thương với bên ngoài bằng đường biển, kết nối Nghệ An với hành lang Đông Tây. Nhất là vào năm 2015, khi hạn ngạch thuế quan trong khu vực ASEAN bãi bỏ hoàn toàn thì đây chắc chắn sẽ là tuyến đường chiến lược, mở ra những “thời cơ vàng” để Nghệ An bứt phá một cách bền vững. Bên cạnh đó, dự kiến đến năm 2020, tuyến cao tốc Hà Nội – Hồng Lĩnh được xây dựng và hoàn thiện giúp rút ngắn khoảng cách, thời gian giữa Thành phố Vinh với Hà Nội. Ngoài ra, trong đề án phát triển, Sân bay Vinh sẽ được xây dựng để trở thành sân bay quốc tế, xây dựng thêm đường băng thứ 2, mở thêm các tuyến bay quốc tế như Campuchia, Singapore, Philippines,… khi đó Nghệ An sẽ có một diện mạo hoàn toàn mới về hệ thống hạ tầng giao thông. Đây chính là điểm tựa để Nghệ An cất cánh.
Bên cạnh đó, Nghệ An đang là một trong những điểm đến hấp dẫn và đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh đã góp phần tạo nhiều việc làm cho lao động, mang lại không chỉ lợi ích kinh tế mà hiệu quả xã hội rất lớn. Đơn cử như Công ty may Nam Đàn Hanosimex thuộc Tổng công ty dệt may Hà Nội có quy mô 17 ha, công suất 3 triệu sản phẩm/năm, thu hút gần 1.000 công nhân làm việc. Cụm dệt may Nam Đàn Hanosimex là một trong những dự án trọng điểm của Tổng công ty dệt may Hà Nội Hanosimex tại miền Trung. Trong chiến lược phát triển của mình, Nghệ An được xác định là một trong những trung tâm dệt may lớn. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục như: nhà máy kéo sợi 3,6 vạn cọc, đưa nhà máy dệt may số 2 vào hoạt động và xây dựng thêm các dự án nhà máy phụ trợ khác để nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm. Khi đi thăm nhà máy này, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành dệt may Việt Nam lựa chọn các tỉnh miền Trung thực sự là cơ hội tốt cho Nghệ An thu hút thêm các dự án đầu tư cũng như phát triển các loại hình công nghiệp phụ trợ và các ngành dịch vụ đi kèm khác.
Hiện nay, Nghệ An là một trong những điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư đến từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Thái Lan,… Đến giữa tháng 8/2014, đã có 77 dự án đầu tư mới được cấp giấy chứng nhận với tổng mức đầu tư lên đến hơn 14.185 tỷ đồng, có 900 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới. Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, Nghệ An đang đứng trước cơ hội lớn khi mà thị trường Nga và các nước Đông Âu đang rộng mở sau những biến động chính trị. Các mặt hàng truyền thống của Nghệ An như: Thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, khoáng sản sẽ có cơ hội rất lớn ở đây. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, lợi thế lớn nhất của Nghệ An hiện nay so với các địa phương khác chính là nguồn lao động dồi dào. Nếu như ở các tỉnh khác, để tìm được 1 vạn công nhân cho một khu công nghiệp là rất khó khăn thì ở Nghệ An lại hoàn toàn ngược lại. Tỉnh cần phải hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp, chú trọng đào tạo nghề cho người lao động và không được đốt cháy giai đoạn mà phải hướng đến phát triển bền vững,…
Ngoài các lĩnh vực trên, Nghệ An cũng đã có bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh đang trở thành trung tâm tài chính ngân hàng của khu vực với chuỗi 34 chi nhánh ngân hàng thương mại. Trong 8 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động trên địa bàn của các ngân hàng thương mại đạt hơn 61.537 tỷ đồng, tổng dư nợ ước đạt 104.296,88 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách 8 tháng đầu năm ước đạt 4.733,59 tỷ đồng,… Trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, cuối năm nay, Nghệ An sẽ có 20 xã hoàn thành nông thôn mới. Năm 2015 sẽ có 87 xã hoàn thành các tiêu chí. Trong đó, xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) và xã Kim Liên (Nam Đàn) được xây dựng là những xã nông thôn mới kiểu mẫu. Nghệ An cũng là điểm sáng của cả nước về giáo dục – đào tạo, đảm bảo quốc phòng - an ninh…
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương ngày 4/9 mới đây, đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị thực sự đã thổi một luồng gió mới vào Nghệ An. Ngay sau khi Bộ Chính trị ra Nghị quyết, Tỉnh ủy Nghệ An cũng ban hành chương trình hành động với những mục tiêu, những việc làm cụ thể để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Hiện nay, tinh thần đoàn kết, cộng sự và quyết tâm của chính quyền và nhân dân đang tạo nên khí thế mới với những phong trào mới trong tất cả các lĩnh vực. Đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao, cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện. Thu hút đầu tư tăng trưởng nhanh với sự có mặt của các nhà đầu tư đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo có những bước phát triển khá, an ninh chính trị được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên ở vùng đặc thù được quan tâm và thu được những kết quả tốt. Còn đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị là tâm tư, nguyện vọng, tình cảm đối với quê hương Bác Hồ, là sự cụ thể hóa mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng Nghệ An trở thành một tỉnh khá. Sự nỗ lực, vươn lên mạnh mẽ của Nghệ An chính là minh chứng, là những tín hiệu vui bước đầu mà Nghị quyết 26 mang lại. “Chúng tôi đánh giá cao, biểu dương những thành tích toàn diện trên nhiều mặt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An trong thời gian qua. Chính phủ tin tưởng rằng, Nghệ An sẽ phát huy được truyền thống và với những cách làm mới, khí thế mới để có những bước phát triển hơn nữa, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị”, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ tin tưởng.