Sáng 5/9, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Nội vụ đã công bố Chỉ số cải cách hành chính 2013 (PAR INDEX 2013) đối với 19 bộ, cơ quan ngang bộ và 63 UBND tỉnh, thành phố.
Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ cho biết: Kết quả PAR INDEX 2013 cho thấy, Bộ Giao thông vận tải đứng đầu (đạt 81,06%); xếp thứ 2 là Ngân hàng Nhà nước (đạt 80,38%); thứ 3 là Bộ Ngoại giao (đạt 80,31%). Vị trí cuối cùng là Ủy ban Dân tộc với 66,71%.
Về các địa phương, Thành phố Đà Nẵng đứng đầu (đạt 87,02%), cao hơn mức trung bình cả nước là 9,46%, cao hơn tỉnh Sơn La- tỉnh xếp hạng cuối cùng trong toàn quốc 1,48 lần.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương có kết quả thấp cần xem xét nguyên nhân, các vấn đề liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành một cách toàn diện, đồng bộ trên tất cả các nội dung của cải cách hành chính; có những biện pháp cụ thể để khắc phục những điểm yếu để nâng cao chỉ số cho những năm tới.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ về cải cách hành chính nhằm tháo gỡ ngay các vướng mắc, tạo điều kiện và thúc đẩy đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các thủ tục trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, thuế, hải quan.
Chỉ số PAR INDEX được đánh giá trên cơ sở điều tra xã hội học và các bộ, ngành, địa phương tự chấm điểm (có sự thẩm định cuối cùng của Bộ Nội vụ) về cải cách hành chính ở 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí đối với cấp bộ, cơ quan ngang bộ; 8 lĩnh vực, 34 tiêu chí đối với cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bằng phương thức tổng hợp và chia bình quân các điểm số ở các chỉ số thành phần, lấy kết quả bình quân (được tính theo đơn vị %).
Thang điểm PAR INDEX được thể hiện từ 0% đến 100%. Theo đó, 100% là đạt kết quả cải cách hành chính tốt nhất, ngược lại có kết quả 0% là kém nhất.
Giá trị trung bình PAR INDEX 19 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2013 đạt được là 77,5%.
Giá trị trung bình PAR INDEX của các tỉnh, thành đạt được là 77,56%.
|
Đối với các bộ, ngành có thứ hạng cao, cần duy trì những kết quả đã đạt được, tiến tới nâng cao hơn nữa tác động tích cực của cải cách hành chính đối với phát triển kinh tế-xã hội và chất lượng phục vụ người dân.
Bộ Nội vụ cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, đánh giá những mặt được, hạn chế, yếu kém của việc xác định PAR INDEX 2013; đồng thời, nêu lên những đề xuất nhằm triển khai xác định PAR INDEX thực chất hơn, khách quan hơn trong những năm sau để Chỉ số này thực sự có ý nghĩa, tác động mạnh mẽ, thúc đẩy triển khai cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương, hướng tới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và xã hội.
Theo Bộ Nội vụ, PAR INDEX là công cụ quản lý mới trong triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, khắc phục được tính chủ quan, định tính một chiều trong việc theo dõi, đánh giá cải cách hành chính giai đoạn 10 năm trước.
Đồng thời, bảo đảm việc theo dõi, đánh giá một cách khoa học, hệ thống, định lượng và dựa trên kết quả, huy động được các tổ chức trong bộ máy Nhà nước, tăng cường sự tham gia đánh giá của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với quá trình triển khai cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương một cách thực chất, khách quan, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của cải cách hành chính từ cải cách thể chế đến cải cách nền hành chính công...
Theo đó, đối tượng xác định PAR INDEX ở Trung ương là 19 bộ, cơ quan ngang bộ; ở địa phương là 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện nội dung, phương pháp xác định PAR INDEX, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, tổ chức sơ kết 2 năm để đánh giá kết quả triển khai, đồng thời lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia cải cách hành chính về việc điều chỉnh PAR INDEX nhằm làm cho chỉ số này ngày càng thiết thực, sát với thực tế hơn./.
(Chinhphu.vn)