Câu like, comments, post ảnh “tự sướng” một cách thô lỗ, phản văn hóa… đang là trào lưu của một bộ phận đối tượng sử dụng mạng xã hội facebook hiện nay. Thậm chí, có những trường hợp lợi dụng trang mạng cá nhân này để viết, đăng những lời lẽ bịa đặt, tung tin đồn thất thiệt gây hậu quả không nhỏ tới cá nhân, tổ chức xã hội. Và đằng sau đó, họ phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật của mình khi dùng mạng ảo để thực hiện mục đích cá nhân.
Tung tin đồn thất thiệt
Hàng ngày, hàng giờ, mạng xã hội facebook được hàng triệu lượt người Việt Nam truy cập, thậm chí online (trực tuyến) liên tục 24/24 giờ. Cũng không thể phủ nhận rằng, thời đại công nghệ thông tin phát triển, facebook đang trở thành cầu nối giao lưu, học hỏi lẫn nhau nhằm phục vụ cho công việc, là nơi giải trí, xả stress… cho cộng đồng xã hội. Ngày nay, với sự nhanh nhạy, sức lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội này, có rất nhiều tầng lớp người dân tham gia. Từ đứa trẻ cấp tiểu học cho đến những bậc cao niên, từ anh nông dân cho đến tầng lớp trí thức… cũng có thể dễ dàng lập cho mình một nickname riêng trên mạng facebook. Đơn giản bởi vì nó tiện lợi, tính tương tác mạnh, lan tỏa nhanh, kết nối rộng lớn.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay có không ít trường hợp lợi dụng mạng xã hội facebook để tung tin đồn thất thiệt như đăng, treo status trên tường của mình những phát ngôn thiếu văn hóa, phản cảm, ảnh “tự sướng” khoe thân, khoe của… theo kiểu thích gì làm nấy. Thậm chí, có những người trình độ nhận thức cao cũng ăn theo cao trào “tự sướng” để trút vui, buồn, giận dỗi vào facebook mà không biết được rằng, ở đây là “tai vách mạch rừng”. Mỗi câu nói, lời phát ngôn của họ có thể tác động kép, ảnh hưởng mang tính dây chuyền tới một bộ phận người trong cộng đồng xã hội. Đã có nhiều phát ngôn, hình ảnh riêng tư của người chơi facebook khi đăng lên ngay lập tức bị cộng đồng “ném đá”, dư luận phản ứng một cách dữ dội. Các phương tiện truyền thông đại chúng cũng nhiều lần lên tiếng chỉ trích những bức ảnh, status phản cảm trái thuần phong mỹ tục Việt Nam của những người từng được công chúng mến mộ.
Vi phạm pháp luật vì facebook
Dư luận vừa qua vẫn chưa hết sửng sốt khi 2 người phụ nữ có tên là V.H Thảo (SN 1991) trú tại phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm và N.T Trang (SN 1984) trú tại khu tập thể Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội tung tin đồn trên facebook cá nhân rằng: “Việt Nam đã có người nhiễm virus Ebola tại Bệnh viện Bạch Mai”. Trước đó, vào ngày 11/8, 2 người phụ nữ này đã viết: “Theo thông tin đã xác nhận từ người nhà em làm trong bệnh viện là Hà Nội đã có người nhiễm Ebola. Nên các mẹ tuyệt đối cẩn thận và đề phòng nhé…”. Facebook này còn viết: “Thông tin này không được công bố vì sợ dân hoang mang.
Nhưng em nghĩ là nên thông báo cho tất cả mọi người cùng biết để bệnh không có cơ hội phát tán đến không kiểm soát được”. Ngay lập tức, nội dung thông tin này được phát tán trên mạng internet với hàng nghìn lượt người chia sẻ, comments. Tuy nhiên, đây là thông tin thất thiệt, gây hoang mang cho xã hội, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân. Trong khi đó, Bộ Y tế khẳng định, vào thời điểm có tin đồn như vậy, ở Việt Nam chưa có trường hợp nào bị nhiễm dịch Ebola. Để nhanh chóng làm rõ vụ việc, Tổng cục An ninh II, Bộ Công an phối hợp với Cục A68 và Công an TP Hà Nội xác định được danh tính 2 đối tượng phát tán thông tin nói trên. Tại cơ quan điều tra, Thảo và Trang đã thừa nhận hành vi thông tin dịch Ebola xuất hiện ở Việt Nam là không đúng sự thật.
Trao đổi với báo chí, PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng, chuyên gia tư vấn các vấn đề xã hội Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: Mạng xã hội hiện nay đang trở thành cuộc sống thứ 2, song hành với đời sống thực của người dùng. Tuy nhiên, vì tính chất tự do, không kiểm soát được nội dung nên người dùng rất dễ dàng biến đây thành nơi để phóng đại sự thật, tung những tin đồn nhảm nhí, thiếu xác thực. Hiện nay, đối với người sử dụng mạng xã hội có thể chia ra thành 2 dạng: Người tung tin đồn sơ khai (dạng “thông tấn xã vỉa hè”) và người tung tin đồn ác ý (gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân…).
Theo đó, đối với dạng thứ 2 thì giới hạn giữa người tung tin đến vi phạm pháp luật là rất mong manh. Trong thời gian qua, những người thích “chém gió” mà không ý thức được hành vi của mình đã và đang bị cơ quan Công an theo dõi, điều tra nhằm xử lý nghiêm để răn đe trước xã hội, là bài học đắt giá đối với bất kỳ ai không tỉnh táo khi sử dụng facebook.
.