Sau hơn 1 năm vắng bóng, HLV Nguyễn Văn Thịnh mới đây đã “tái xuất” trong cương vị huấn luyện viên đội U11 của “lò” Sông Lam. Nhiều người hâm mộ Nghệ An vui mừng vì trong mắt họ, Thịnh “đen” vẫn là cái tên có duyên với bóng đá trẻ Sông Lam. Không ai khác, chính ông đã đưa không biết bao nhiêu cầu thủ từ vô danh trở thành tên tuổi lớn của bóng đá Việt Nam như Minh Đức, Văn Quyến, Như Thuật…
Năm 2000, HLV Nguyễn Văn Thịnh được VFF cử làm HLV trưởng đội tuyển U16 Việt Nam tham gia Giải châu Á. Là nước chủ nhà, xác định chơi để học hỏi, vì các đối thủ tham dự giải rất mạnh nhưng dưới sự dẫn dắt của Thịnh “đen”, U16 Việt Nam đã làm nên một cơn địa chấn. Vượt qua nhiều đối thủ mạnh như Trung Quốc, U16 Việt Nam xuất sắc giành vị trí thứ 4 chung cuộc. Giải năm ấy, Việt Nam cũng chính thức trình làng những gương mặt trẻ đầy triển vọng như Minh Đức, Như Thuật, Văn Quyến, Ánh Cường, Lâm Tấn…
|
HLV Nguyễn Văn Thịnh gắn với nhiều thăng trầm của SLNA. |
Thành công với U16 Việt Nam tại giải năm ấy, HLV Nguyễn Văn Thịnh được đánh giá cao và từ đó, ông được VFF mời tham gia huấn luyện nhiều đội tuyển U tham dự giải quốc tế. Tại SLNA, sau “đại phẫu” diễn ra vào năm 2004, HLV Nguyễn Văn Thịnh được tin tưởng giao đảm nhiệm chức HLV trưởng đội 1. Đó là thời kỳ SLNA gặp rất nhiều khó khăn, khi nội bộ có vấn đề, nạn “chảy máu” nhân tài luôn đe doạ, nhưng bằng năng lực của mình, HLV Nguyễn Văn Thịnh vẫn từng bước đưa đội bóng vượt qua khó khăn. Năm 2009, với thành phần chủ yếu là các cầu thủ trẻ, lại bị cái nghèo bủa vây, nhưng SLNA của Nguyễn Văn Thịnh vẫn xuất sắc giành vị trí thứ 3 chung cuộc.
Mùa giải 2010, do những thay đổi về cơ chế, đặc biệt là việc Ngân hàng Bắc Á đầu tư vào SLNA, HLV Nguyễn Văn Thịnh đành phải chấp nhận nhường chiếc ghế HLV trưởng cho Hữu Thắng. Rất nhiều những lý do tế nhị nhưng Thịnh “đen” hiểu và vui lòng trở lại với vị trí HLV trẻ quen thuộc. Liên tiếp những năm sau đó, ngoài việc huấn luyện đội trẻ, HLV Nguyễn Văn Thịnh còn đóng vai người đi sứ, trợ giúp chuyên môn cho một số đội bóng ở V.League và hạng nhất.
Ông từng làm trợ lý ở Hải Phòng, rồi cầm quân các đội V.Ninh Bình, Cần Thơ. Tuy nhiên, do một phần là tính cách và quan niệm về cái gọi là “biên chế” ở SLNA nên được một thời gian, Nguyễn Văn Thịnh lại vác ba lô trở về xứ Nghệ. Chỉ đến cuối năm 2012, khi QNK.Quảng Nam đặt vấn đề mời ông về với tư cách là “kiến trúc sư”, xây dựng đội bóng từ những viên gạch đầu tiên, ông mới dứt khoát nghỉ hẳn ở SLNA để chuyên tâm công việc tại đội bóng xứ Quảng.
Thế nhưng, người tính không bằng trời tính, tại Quảng Nam, Thịnh “đen” sau một thời gian ngắn đã bất đồng về quan điểm trong cách làm bóng đá với những người địa phương. Mâu thuẫn phát sinh và với lòng tự trọng cao, ông Thịnh xin rút dù công cuộc xây dựng bóng đá tại địa phương này đang dang dở.
Vì đã ra khỏi biên chế nên lần ấy về lại xứ Nghệ, ông Thịnh không còn việc làm. Suốt hơn 1 năm qua, ông ở ẩn, vừa để có thời gian chăm sóc gia đình, cũng là cách để ông tránh những ánh mắt dò xét của dư luận. Thế nhưng, với một con người mà bóng đá đã gắn vào máu thịt, việc rời xa bóng đá quá lâu là điều không thể. Đợt “lò” Sông Lam mở các lớp học hè vừa rồi, gạt hết cái tôi, Thịnh “đen” nhận lời trở lại giảng dạy tại “lò” Sông Lam với thu nhập 90.000 đồng/ngày.
Sau đó, vì quý tài năng và đóng góp của Nguyễn Văn Thịnh nên lãnh đạo đội bóng xứ Nghệ đặt vấn đề mời ông trở lại dẫn dắt lớp U11 của SLNA. Sau một thời gian suy nghĩ, Thịnh “đen” nhận lời và trở lại với đội bóng cũ của mình sau gần 2năm xa cách.
Tiếc cho Nguyễn Văn Thịnh vì lẽ ra, với con người tài năng như ông phải có một địa vị khác. Nhưng dù sao, sau bao trắc trở như vậy, giờ ông trở lại làm công tác “ươm mầm” ở “lò” Sông Lam, nhiều người vui vì tài năng trẻ xứ Nghệ có một người thầy tài đức và có tầm nhìn.
Bài, ảnh: Vĩnh Liêm