Trong phiên chất vấn sáng 15/7, cử tri hai xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn (Thanh Chương) quan tâm đến nội dung các vấn đề hậu TĐC Thủy điện Bản Vẽ tại nghị trường. Ngay từ sáng sớm, tại nhà ông Lô Xuân Diệu, bản Mà, xã Ngọc Lâm – nơi có thể bắt được sóng Đài Truyền hình tỉnh - nhiều cử tri đã tìm đến để theo dõi trực tiếp phiên chất vấn. Ngay sau khi theo dõi phần trả lời của đồng chí Lê Xuân Đại – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cử tri Lô Văn Bình – Bí thư Chi bộ bản Tả Xiêng, nơi sinh sống của 172 hộ dân, ủng hộ việc triển khai dự án trồng chè trong vùng TĐC. Tuy nhiên, để cây chè sớm trở thành cây chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân, ông Bình đề nghị: “Yêu cầu các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, tăng cường đất sản xuất cho dân, đặc biệt là đất trồng chè. Hiện nay, diện tích đất đã chia chưa trồng chè được do có độ dốc cao”.
Còn với cử tri Lương Văn Tỵ, Trưởng bản Hiển, xã Ngọc Lâm, qua phần theo dõi nội dung trả lời chất vấn, ông đánh giá cao việc đưa cây chè vào vùng đất TĐC. Song vấn đề đặt ra là cây chè cần thời gian ít nhất 3 năm mới bắt đầu cho thu hoạch, trong khi đến cuối năm 2014, việc hỗ trợ gạo cho đồng bào TĐC sẽ kết thúc. “Thời gian chờ thu hoạch chè, để có nguồn thu nhập, đề nghị cấp trên cần nghiên cứu để có chính sách tiếp tục hỗ trợ cho người dân”, ông Tỵ kiến nghị. Trong buổi chất vấn sáng 15/7, cũng như bà con trong xã, ông Lô Hoài Dung – Chủ tịch xã Ngọc Lâm cũng dành thời gian theo dõi phiên trả lời chất vấn tại nghị trường được truyền hình trực tiếp. Với phần trả lời của ông Lê Xuân Đại – Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc giải quyết các vấn đề hậu TĐC Thủy điện Bản Vẽ, ông Lô Hoài Dung đánh giá: “Theo phát biểu, vấn đề đất sản xuất và cấp giấy chứng nhận QSD cho đất ở và đất sản xuất cả 2 huyện Tương Dương và Thanh Chương sẽ được giải quyết dứt điểm vào năm 2014. Phần trả lời rất rõ ràng, minh bạch, cụ thể và đưa ra được hướng giải quyết sắp tới. Tôi rất kỳ vọng và mong các cấp, các ngành liên quan quyết liệt thực hiện để đời sống của bà con TĐC ổn định, bền vững”.
Trước đó, mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND tỉnh sáng 15/7, vấn đề nợ đọng thuế cũng được các đại biểu HĐND tỉnh hết sức quan tâm. Theo dõi phần trả lời chất vấn của ông Nguyễn Đình Hòa, Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An về nợ đọng thuế, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành xây dựng đánh giá nội dung giải trình về nguyên nhân nợ thuế của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng là tương đối sát thực với doanh nghiệp. Hiện nay, Nhà nước đang nợ các doanh nghiệp 2.759 tỷ đồng nên doanh nghiệp ngành xây dựng rất khó khăn. Để tháo gỡ những khó khăn, ông Hồ Viết Cầm – Giám đốc Công ty CP xây dựng Hương Trà (TP. Vinh) kiến nghị: “Ngành Thuế cần sát DN, hiểu những khó khăn của DN, tham mưu cho chính quyền các cấp tháo gỡ khó khăn cho DN”.
Hàng chục năm qua, Cảng Nghệ Tĩnh luôn chấp hành tốt pháp luật thuế, không nợ đọng thuế. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế chung khó khăn như hiện nay, ông Lê Doãn Long - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cảng Nghệ Tĩnh kiến nghị: “Công ty chúng tôi thấy tiền thuê đất quá cao, công ty phải trả gần 1,5 tỷ đồng tiền thuế đất/năm, đây là một rào cản đối với Cảng Nghệ Tĩnh và các DN. Một vấn đề nữa là bất cập từ thực trạng tàu cá của ngư dân chen lấn hết cầu cảng công ty đã kiến nghị nhiều lần với cấp trên nhưng chưa được giải quyết”.
|
Nhiều đoạn trên Quốc lộ 1A thi công, nâng cấp chậm làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Ảnh: Nguyên Sơn |
Với cử tri sống dọc Quốc lộ 1A, họ mong muốn HĐND tỉnh hối thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo ATGT. Nhiều tháng nay, gia đình chị Nguyễn Thị Phượng ở xóm 2, xã Nghi Long- huyện Nghi Lộc cũng như những hộ dọc Quốc lộ 1A phải mua bạt che chắn ngôi nhà. Theo chị Phượng, đã nhiều lần các hộ dọc tuyến đường phản ánh tình trạng này đến các cấp và đơn vị thi công nhưng đơn vị thi công chỉ tiến hành tưới vài lần chống bụi, sau đó đâu lại vào đó, bụi tràn ngập xóm. Bởi vậy, chị mong muốn HĐND tỉnh cùng các cơ quan chức năng giám sát, đảm bảo cuộc sống người dân. Bụi bẩn đã làm cho hầu hết các xóm dọc tuyến đường không thể dùng hệ thống bể hứng nước mưa để sử dụng. Trong khi đó, nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, nước máy chưa có nên nhiều gia đình thiếu nước sinh hoạt. Ông Đinh Xuân Sỹ, xóm trưởng xóm 2, xã Nghi Long (Nghi Lộc) cho biết: “Nhà tôi ở lối 3, cách xa công trình thi công nhưng bụi cũng ngập nhà. Bể hứng nước mưa giờ đầy bùn do bụi bẩn bám từ mái nhà trôi xuống. Nhân dân chúng tôi mong muốn, chính quyền các cấp cùng các đơn vị thi công giải quyết những vướng mắc, nhanh chóng hoàn thành tuyến đường để đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân…”.
Còn đối với 14 gia đình ở xóm 4, xã Nghi Yên (Nghi Lộc) họ đã đồng thuận bàn giao mặt bằng để mở rộng QL1A. Thế nhưng quá trình thi công, do máy lu, làn nền đường làm rung chuyển gây nứt trần, tường nhà. Trước tình trạng đó, đơn vị trúng thầu đã tạm ngừng thi công nhưng chưa có giải pháp thích hợp, làm cho tiến độ nâng cấp tuyến đường bị chậm lại. Điều đó cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của các gia đình bên tuyến đường. Ông Nguyễn Xuân Văn- Xóm trưởng kiến nghị: “Chúng tôi mong muốn các cấp và đơn vị cần có giải pháp kịp thời đẩy nhanh tiến độ thi công nhưng phải đảm bảo an toàn cho nhân dân bên đường. Tình trạng chậm trễ thi công nâng cấp QL1A ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, buôn bán và đời sống sinh hoạt của các hộ dân”.
Những kiến nghị, chất vấn của đại biểu và trả lời chất vấn của cơ quan chức năng trước nghị trường đã lôi cuốn được người dân theo dõi và có những ý kiến đồng tình. Tuy nhiên, điều mà cử tri mong muốn là sau kỳ họp, các vị đại biểu dân cử sẽ phát huy vai trò trách nhiệm, tăng cường giám sát các cấp, các ngành thực hiện những giải pháp như đã hứa để góp phần ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhóm P.V (Baonghean)