Bạn sẽ ngạc nhiên khi có dịp rẽ vào tuyến đường này, và cũng sẽ ngay lập tức bị cuốn hút vào sự đông đúc, nhộn nhịp khác thường của một con phố hẹp với cảm giác cứ như nếp sinh hoạt và dịch vụ đa dạng của mặt phố bên này “hắt” sang mặt phố bên kia. Đó là phố Hồng Bàng của Thành phố Vinh...
Là một trong những tuyến “phố cũ” của Vinh, nếu như lấy mốc bắt đầu từ khi Vinh tái thiết sau năm 1975; đường Hồng Bàng từng được coi là “ranh giới mềm” giữa phường Lê Mao với khu chung cư Quang Trung do người Đức giúp đỡ xây dựng. Nằm ở trung tâm thành phố với vai trò là một tuyến phố chính, nhưng trải mấy đợt chỉnh trang, nâng cấp, đường Hồng Bàng vẫn là một tuyến phố chật hẹp so với mật độ lưu thông nội đô của nó.
|
Đường Hồng Bàng |
Đường dài hơn một cây số, nối từ vòng xuyến nơi đường Nguyễn Thị Minh Khai giao nhau với đường Lê Hồng Phong, chạy cắt đường Đinh Công Tráng và kết thúc khi nối ngang vào đường Ngư Hải. Có thể nói, đường Hồng Bàng là một trong những tuyến phố đặc trưng nhất cho nếp sinh hoạt phố phường của Thành phố Vinh trẻ; có thể, do đường này từng được coi là đại diện cho nếp sinh hoạt phố của cư dân khu chung cư Quang Trung – nơi một thời tập trung giới công chức tinh hoa của thành phố. Người Đức khi thiết kế xây dựng khu chung cư lớn ấy, đã chú trọng sự nghiêm ngắn mặt phố phía đường Quang Trung vốn nằm trùng Quốc lộ 1A chạy qua Vinh, nên những quán xá, ngõ chợ và muôn thứ dịch vụ phục vụ gần như phải tập trung về phía mặt sau ở đường Hồng Bàng.
|
Cựa hàng dịch vụ trên phố Hồng Bàng |
Đường Hồng Bàng bắt đầu nhộn nhịp lên vào những năm 1990, khi có nhiều người mua đất về đây bám mặt phố làm ăn, cùng với đó là nở rộ các hàng ăn uống chủ yếu là phục vụ ăn sáng và ăn đêm tập trung ở phía đầu đường gần nhà C7, C8 khu chung cư Quang Trung. Có thể nói, khái niệm phố ăn đêm ở Vinh bắt đầu hình thành ở đây. Những ông chủ và bà chủ hàng ăn đêm khu C7, C8 Quang Trung hồi ấy, gần như được giới ăn nhậu bất kể thành phần ở thành phố biết đến. Sự tập trung của giới công chức sống trong các khu nhà chung cư cao tầng, đến thế hệ thứ hai cũng đã hình thành nên một nếp sống đô thị đậm chất quần cư, háo hức tiếp thu những lối sống mới, trong đó có cả nét văn minh “đi nhẹ nói khẽ” và tôn trọng sự riêng tư của mỗi nhà vốn có phần đang xa lạ đối với tính cách người Vinh cũng như người Nghệ nói chung. Và cũng chính vì thế, cái cách bán mua ở chợ Quang Trung nhờ họp trong khu chung cư cũng sớm thoát khỏi tính trao đổi bán rồi mua theo kiểu chợ quê so với các chợ ở các khu phố khác. Khu chung cư Quang Trung cũng đã có ảnh hưởng lớn để phố Hồng Bàng âm thầm tạo được cho riêng mình một nét phố dịch vụ đa dạng trong mặt hàng và cách phục vụ như hôm nay…
Đầu những năm 2000, khi phố Nguyễn Thị Minh Khai và phố Quang Trung trở thành những phố chuyên doanh, phố Đinh Công Tráng được mở rộng nâng cấp đã hút các dịch vụ bán mua phục vụ các khu dân cư lân cận đua nhau chen ra các phố ấy, nên sự nhộn nhịp của phố Hồng Bàng một dạo gần như hụt hẫng đi. Ấy nhưng, cứ như là đặc tính của chợ quê, đã tự phát mọc ở đâu thì cứ giữ nguyên đấy, gượng ép chuyển dời đi thì một là mất chợ, hoặc sau đấy tự nhiên kẻ mua người bán lại tìm về họp chợ chốn cũ… Đường Hồng Bàng cũng vậy, mặc dù đã có quy hoạch xây dựng khu đô thị mới thay thế cho khu chung cư cũ với hứa hẹn những biến chuyển lớn, thì các dịch vụ vẫn đã lại chen về, đua nhau mở ra sôi động và phong phú loại hình, với các mặt hàng phục vụ những nhu cầu thiết thân, đơn giản của người ở phố. Cảm tưởng, nay mai đường nằm trong quần thể kiến trúc đô thị mới hiện đại, văn mình, thì nếp phố ấy vẫn thế, không cưỡng được!
Thực tế, dù có vai trò quan trọng của một tuyến phố trung tâm, nhưng do chờ triển khai thực hiện quy hoạch đô thị mới, nên đường Hồng Bàng đến nay chưa được mở rộng, nâng cấp xứng tầm. Một bên (mặt Đông phố) là dân cư đã ổn định tạo nên diện mạo phố đích thực; còn một bên (mặt Tây phố) là các công trình nhà ở, trường học của khu chung cư cũ chờ triển khai xây dạng lại, có lẽ đường Hồng Bàng sẽ được tiếp tục mở rộng ra phía bên này. Nhưng với hiện trạng như bây giờ, gần như tạo ra sự đối lập của diện mạo hai mặt phố. Và có cảm giác, nếp sinh hoạt và dịch vụ đa dạng của mặt phố phía Đông đã “hắt” sang mặt phố phía Tây, mà nếu như một ngày ở bên này được giải tỏa thì bên kia cũng thoắt biến mất như một ảnh xạ! Quả thế, khi mà các gian hàng, shop dịch vụ bên mặt Đông được trau chuốt mở ra, ổn định mặt tiền nhà ở kiên cố, thì bên mặt Tây là các gian ki-ốt nhỏ hoặc lán hàng mở ra có phần tạm bợ, dù đôi khi cũng cố trang trí theo mô-đen mới trẻ trung và có phần hoa mỹ. Và, các khu chung cư cao tầng cũ kỹ màu vôi vữa, những bờ tường trường học chạy dài dọc phố phủ rêu phong với những tán phượng vĩ đỏ lửa trên cao phía mặt Tây phố đã gợi cho phố một nét thổn thức thời gian đầy ấn tượng.
Làm nên sự đông đúc lại qua của phố có lẽ là nhờ phố Hồng Bàng vô cùng phong phú về dịch vụ, mà “đánh” vào sở thích ăn uống cũng như mua sắm của giới phụ nữ và giới trẻ. Thời thượng là các shop quần áo thời trang, hàng cà phê, mỹ phẩm… đều được bài trí độc đáo cả về màu sắc và chất liệu, gợi những không gian hiện đại, trẻ trung nhưng vô cùng lãng mạn. Hàng tạp hóa tiêu dùng ở phố Hồng Bàng nổi tiếng là hàng Thái Lan, từ dầu gội đầu, chõ đồ xôi, cái kẹp tóc đến hàng mỹ ký… bày ngồn ngộn, sặc sỡ rất hút mắt.
Ẩm thực phố này cũng là một thương hiệu thoạt đầu là hàng cháo lòng phía đầu phố, sau hàng thịt dê Minh Sự, lẩu Xoan, Tài Ký lên ngôi; nhưng đến bây giờ phải kể đến dãy hàng nem chua, ốc luộc ở phía giao nhau đường Đinh Công Tráng… mỗi chiều nườm nượp khách. Phố còn tạo cảm giác thú vị ở những biển hàng ẩm thực như bánh mỳ Đà Nẵng, nem Thanh Hóa, mỳ Quảng, bánh xèo Huế, dê Hương Sơn, siêu thị hải sản… và có những món lạ như phở chiên, phở cuốn. Nếp chen chúc mặt phố khiến cho kỳ vọng ra mặt tiền làm ăn lớn của các nhà hàng đều thất bại. Nay phố cũng có một vài nhà hàng, nhưng đều phải lùi vào ngõ hay chỉ thuê tậu một lối đi vào khuôn viên rộng như “Lẩu 100” hay “Hải sản 152”... thì mới làm ăn được. Trước có một thương hiệu cà phê lớn từng về đây mở cơ sở mới, thất bại; nay chỗ đó được rào lại, mở một lối ngõ đi vào cho các hàng ăn bình dân mới chen chúc mọc lên tạo ra một không gian ẩm thực khá độc đáo...
Cùng với ngõ chợ Quang Trung xu hướng nống ra phía này, và sở trường dịch vụ “đánh” vào sở thích khách hàng là phụ nữ và giới trẻ, nên mặt phố vào giờ tan tầm buổi trưa và chiều tối đông đúc, náo nhiệt vô cùng. Nhưng như những đợt sóng triều, chỉ qua các thời điểm ấy, mặt phố lại vãn đi một cách nhanh chóng như một phép màu, trở lại nếp chầm chậm và không kém phần lãng mạn trong những không gian dịch vụ mô-đen có phần hoa mỹ… Bên mặt Tây phố, các khu chung cư cao tầng cũ kỹ màu vôi vữa, những bờ tường trường học chạy dài dọc phố phủ rêu phong với những vầng phượng vĩ đỏ lửa trên cao lại có dịp chứng tỏ một ấn tượng phố trầm mặc của mình.
Bài, ảnh: Đình Sâm
Hồng Bàng là giai đoạn lịch sử thời đại thượng cổ của lịch sử Việt Nam, được cổ sử truyền lại dựa nhiều trên các truyền thuyết chuyện kể, và một số ít bằng chứng khảo cổ học và ghi chép lịch sử. Theo đó, cách nay hơn 4000 năm, vua Đế Minh là cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông đi tuần du phương Nam gọi là Xích Quỷ, lập ra họ Hồng Bàng. Kinh Dương Vương sinh ra Sùng Lãm sau nối ngôi lấy hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh ra trăm con, bèn chia đôi, 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển. Con trưởng nối ngôi gọi là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang; các vua kế tiếp vẫn gọi là Hùng Vương. Họ Hồng Bàng ở ngôi được 2.622 năm.
Cho đến nay, tên hiệu Hồng Bàng mới chỉ được đặt tên cho đường phố ở TP. Hồ Chí Minh và TP. Vinh. |
Baonghean.vn