Thành phố Vinh không có cửa ô, nhưng dấu xưa thành cổ vẫn còn sừng sững các cổng thành di tích quốc gia với tên gọi Cửa Tiền, Cửa Tả và Cửa Hữu. Nối từ Cửa Hữu ra ngoại mép thành cổ ấy còn có một cánh cổng gọi là Cổng Chốt (nay đã không còn). Đậm sâu trong ký ức lớp người cao tuổi, từ không gian đô thị hôm nay có thể liên tưởng đến một cửa ô trầm mặc xưa. “Cửa ô đó”, chính là quãng khởi đầu của tuyến phố Nguyễn Sinh Sắc bây giờ.
Đường Nguyễn Sinh Sắc dài hơn 1,5 km, trùng trên Quốc lộ 46 bắt đầu từ điểm nối Thành phố Vinh với đường Hồ Chí Minh, chỗ ngã tư giao nhau với các phố Đặng Thái Thân, Phan Đình Phùng và phố Trần Hưng Đạo, lên đến hết chợ Cầu Đước nối vào đường Kim Liên ở giáp ranh giữa phường Cửa Nam với xã ven đô Hưng Chính. Ngày này, khi cái nắng vào hạ đang đổ lửa, thì quãng phố này cũng đang “nóng” lên tiến độ thi công cây cầu vượt đầu tiên của thành phố; mà nay mai hoàn thành, sẽ tạo thêm một nét kiến thiết hiện đại mới cho Vinh - đô thị loại 1. Nhưng có lẽ, khi tháng Tư đang dần khép lại, hương sắc của những hoa gạo, loa kèn đang lùi xa thì hương sen thơm ngát tháng Năm mới là cảm xúc chế ngự ta khi bước chân vào phố ấy…
|
Đường Nguyễn Sinh Sắc |
Trong tấp nập phố của dòng người ngày ngày lại qua, có những bước hành hương muôn nơi về với Làng Sen thiêng liêng, nơi sinh ra người con vĩ đại của dân tộc – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hẳn trong cảm thức quen của nhịp phố mới sôi động, tâm thế sẽ bắt đầu được lắng lại với gương lặng mặt hồ Cửa Nam và hương sắc đầm sen rộng lớn, thanh sạch trước Cần Linh tự (chùa Sư Nữ), Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia. Ngôi chùa nghìn năm tuổi xây dựng vào thời tiền Lê ấy, từng được đón hai vị vua triều Nguyễn là Tự Đức và Bảo Đại ghé thăm mà tên gọi Cần Linh được chính vua Tự Đức đặt đổi tên từ một bức trướng trao tặng nhà chùa…
|
Quang cảnh chùa Cần Linh trên đường Nguyễn Sinh Sắc |
Đường Nguyễn Sinh Sắc mới được gắn biển tên đường sau khi có quyết định Vinh lên đô thị loại 1 vào năm 2008. Hẳn những nhà quản lý đô thị khi chọn trình phê duyệt để đặt tên đường đã đầy hữu ý cũng với những liên tưởng thiêng liêng. Hãy mường tượng ở tuyến phố “cửa ô” ấy, vào năm 1895, ông cử Nguyễn Sinh Sắc dẫn theo vợ con, tay nải gánh gồng, đi bộ từ Làng Sen – Nam Đàn xuống Vinh, bắt đầu hành trình thiên lý vào Kinh đô Huế. Đó cũng là lần đầu tiên người con trai thứ Nguyễn Sinh Cung bắt đầu biết đến thế giới bên ngoài rộng lớn; cho đến 62 năm sau (1957), lần đầu tiên sau thời kỳ bôn ba tìm đường cứu nước và đưa dân tộc giành độc lập, “cậu Cung” trở về thăm quê nhà với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cảm xúc trở về ấy của Người, hẳn đã rưng rưng hình ảnh ao sen, bờ dậu của Làng Sen, làng Hoàng Trù từ khoảng khắc rời Thị xã Vinh nơi “cửa ô” này chăng?
Trên hai mặt phố Nguyễn Sinh Sắc nay đã mọc lên nhiều dịch vụ bên cạnh các công sở, xí nghiệp nhỏ quốc doanh và tư nhân cũ, mới. Nhưng khi hỏi đến ngõ ấy, nhà ấy… người Vinh vẫn còn quen chỉ dẫn đến những quãng có tên gọi Cây đa cháo lòng, cầu Đước, chợ Đước đã được định danh từ hàng mấy mươi năm trước… Cầu, chợ đã được xây dựng mới khang trang, cây đa còn đấy. Dân gốc vài đời lên thị dân, cư ngụ lùi vào sau mặt phố, vẫn quen nếp thôn mạc bỗ bã, thân tình. Nhà mới đến ở, quen tên đất, thấm tình người, đã yêu phố lúc nào không hay, đến lớp trẻ bây giờ cũng nhận vào mình dày kỷ niệm với phố. Người cựu chiến binh Điện Biên vốn thuộc lớp tiểu thương đầu tiên của phố Vinh, sau chiến tranh mấy lần dịch chuyển cuối cùng đã chọn phố làm nơi an cư, nói rằng con cái đi ra phương trưởng, xây biệt thự, mua căn hộ đô thị mới năn nỉ ông về ở. Nhưng nào có rời được cái ngõ nhỏ xôn xao tình quê sót lại, hay góc chợ xép mà cảnh bán mua sáng sáng, chiều chiều. Gia đình ông gắn bó từ khi bà hàng chả cuốn, chè đậu đang là thiếu phụ tóc xanh nay đầu nhuốm bạc lên bà nội, bà ngoại, vẫn thuộc từng sở thích đến cách ăn của từng người.
Cô bạn đồng nghiệp làm báo tuổi 8X, bén dậy thì mới theo bố mẹ về định cư ở đây, nay rời phố theo chồng nhưng hoài niệm thiếu nữ với những đêm trăng ngoại ô lộng gió cánh đồng, tình thân bạn hữu thuở phố còn lưu nếp xóm mạc, luôn như một niềm an ủi vỗ về làm bình yên lại những gấp gáp, buồn vui cuộc sống… Nơi Cây đa cháo lòng không còn quán cháo lòng nổi tiếng một thời, nhưng những hàng quán quanh đấy vẫn còn nếp dân dã có chút xô bồ cả trong cung cách phục vụ và cả cách thức ẩm thực, đến khách dùng cũng chủ yếu là cánh công nhân lao động, hay khách lại qua “cửa ô” lỡ bữa độ đường. Chợ Đước vẫn chủ yếu là đầu mối tiêu thụ sản vật quê mấy xã ngoại ô và nông dân Hưng Nguyên, Nam Đàn với nếp mua bán như xưa nay vẫn thế. Quãng này còn mở ra nhiều hàng cơ khí, chủ yếu là sản xuất, sửa chữa các loại nông cụ, máy móc thiết bị thô sơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nghề thợ mộc, thợ xây...
Sáng vào hạ này, tôi từ thành cổ qua “cửa ô” ấy, bước trên đường Nguyễn Sinh Sắc, mong được cảm thức về hồn phố xưa nay. Chợt nhận thấy mình cũng đã là một người thân thuộc của phố, bởi đã bao lần lại qua đây để được về với Làng Sen – Kim Liên thiêng liêng mỗi mùa sen nở tháng Năm.
Bài, ảnh: Đình Sâm
Ông Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862 ở làng Sen (nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn), sau làm con nuôi cụ Tú Hoàng Đường ở làng Hoàng Trù (tức làng Chùa, thuộc xã Kim Liên), được cụ Tú cho ăn học và gả con gái là bà Hoàng Thị Loan. Năm 1894 Nguyễn Sinh Sắc đỗ Cử nhân, nhậm chức hành tẩu Bộ Lễ trong triều đình Huế. Năm 1901, ông đỗ Phó bảng và sau đó làm Thừa biện Bộ Lễ. Ông là một nhà nho tiến bộ, tán thành chủ trương canh tân của Phan Chu Trinh, cho hai con trai vào học trường Pháp - Việt từ năm 1905.
Năm 1909, Nguyễn Sinh Sắc nhậm chức Tri huyện Bình Khê (Bình Định); sau mắc lỗi công đường, ông bị triều đình Huế giáng bốn cấp và thải hồi. Bắt đầu từ thời gian này ông đi khắp các tỉnh Nam bộ, hành nghề bốc thuốc, kết thân với nhiều nhà nho yêu nước. Đầu năm 1928, ông về ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) và mất vào tháng 11/1929 do trọng bệnh, được an táng bên cạnh chùa Hoà Long (phường 4, Thành phố Cao Lãnh).
Nguyễn Sinh Sắc là người có công dưỡng dục lòng yêu nước cho con trai, sau này là Chủ tịch nước Hồ Chí Minh. |
Baonghean.vn