Theo Điều 466, 467 Bộ luật Dân sự hiện hành, “hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với bất động sản mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực từ thời điểm đăng ký”; “tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký...”.
Bạn có thể căn cứ các quy định này để xác định việc tặng cho giữa bố mẹ và các anh bạn đã phát sinh hiệu lực hay chưa? Trong trường hợp việc tặng cho chỉ nói miệng hoặc tuy có lập thành văn bản nhưng hợp đồng tặng cho không phát sinh hiệu lực thì tài sản mà các anh bạn đang quản lý vẫn thuộc sở hữu của bố mẹ và sẽ được xác định là di sản của bố mẹ bạn để lại. Ví dụ, bố mẹ cho người anh thứ 2 đất để làm nhà nhưng không lập hợp đồng tặng cho có công chứng, chứng thực và đăng ký sang tên thì không phát hiệu lực nên thửa đất vẫn được xác định là di sản thừa kế do bố mẹ bạn để lại.
Theo bạn cho biết, người con thứ 3 đang sống chung cùng bố mẹ trên một thửa đất. Điều này không có nghĩa là nhà đất đương nhiên sẽ thuộc quyền sở hữu của người con thứ 3 khi bố mẹ mất đi. Nếu trong quá trình sinh sống, bố mẹ bạn không lập hợp đồng tặng cho nhà đất này thì nhà đất vẫn được xác định là di sản thừa kế của bố mẹ bạn để lại.
Theo điều 631 Bộ luật Dân sự, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản cho người thừa kế theo pháp luật, hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Do vậy khi còn sống, bố mẹ bạn có quyền lập di chúc để định đoạt phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bất cứ người con nào.
Nếu bố mẹ bạn có di chúc hợp pháp định đoạt việc phân chia di sản thì sau khi họ mất, di sản được phân chia theo di chúc. Bạn cũng cần chú ý là di chúc chung của bố mẹ phải được lập hợp pháp (cả về hình thức lẫn nội dung) và chỉ có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm bố, mẹ bạn cùng chết.
Nếu bố và mẹ bạn lập hai di chúc riêng, mỗi di chúc chỉ định đoạt 1/2 khối tài sản thuộc quyền sở hữu của người đó thì mỗi di chúc chỉ có hiệu lực từ thời điểm người để lại di chúc đó chết. Phần tài sản được định đoạt trong di chúc sẽ được chia cho người được hưởng di sản theo di chúc. Phần còn lại vẫn do bố (hoặc mẹ) - người đang còn sống - quản lý.
Ngược lại, trường hợp bố mẹ bạn mất không để lại di chúc hoặc có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp hoặc một phần không hợp pháp..., di sản sẽ được phân chia theo pháp luật. Trong trường hợp này, tài sản của bố mẹ bạn để lại sẽ chia cho 6 anh em bạn. Mọi người sẽ được hưởng quyền thừa kế ngang nhau, theo điều 676 Bộ luật Dân sự về người thừa kế theo pháp luật.
Thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội