Ngày họp thứ 3, chương trình kì họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XVI, ngay sau Sở VHTT&DL, ông Hồ Ngọc Sỹ- Giám đốc Sở NN&PTNT đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp. Lãnh đạo các Sở Tư pháp, Tài Nguyên- Môi trường và Tỉnh đoàn.. cũng đã tham gia làm rõ thêm những nội dung liên quan đến ngành, đến địa phương mình.
Giải trình về thực trạng người dân miền núi thiếu đất sản xuất đã diễn ra nhiều năm nay trong khi nông lâm trường diện tích đất quá lớn, quản lý kém hiệu quả chưa tương xứng tiềm năng, ông Hồ Ngọc Sỹ cho rằng qua các thời kỳ, các giai đoạn, nhất là sau khi có Quyết định số 268/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đổi mới nông lâm trường tỉnh Nghệ An, Ngành nông nghiệp đã nỗ lực tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi các diện tích đất cho địa phương quản lý và giao cho dân sản xuất.
Cụ thể là chuyển trả đất của nông lâm trường về địa phương, chuyển đổi thành ban quản lý rừng phòng hộ và giao đất cho dự án là: 420.356,38 ha, tương ứng khoảng 85,3% so với diện tích quản lý trước khi có Quyết định số 82/2002/QĐ-UB. Dự kiến diện tích đất sắp phải thu hồi của nông lâm trường tiếp tục trả về địa phương và giao cho các dự án đã được UBND tỉnh đồng ý là 9.044.7ha. Đây là sự cố gắng lớn của ngành Nông nghiệp.
Ông Hồ Ngọc Sỹ - GĐ Sở NN&PTNT trả lời phỏng vấn
Tuy nhiên, Giám đốc Sở N&PTNT cũng thừa nhận hiện tại các nông lâm trường vẫn quản lý diện tích còn khá lớn (khoảng 72.615,26ha), hiệu quả sử dụng chưa tương xứng tiềm năng đất đai. Lãnh đạo ngành nông nghiệp cho rằng nguyên nhân là do nhận thức của một số cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp còn bảo thủ, níu kéo, chậm đổi mới tư duy để phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay.
Việc sắp xếp đổi mới nông, lâm trường chủ yếu mới là hình thức (tên gọi) chưa thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp. Nguồn lực đầu tư cho sản xuất, đổi mới công nghệ và tìm kiếm thị trường còn hạn chế. Nhiều công ty giao khoán đất cho người lao động nhưng buông lỏng, không quản lý được hợp đồng giao khoán. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách không đồng bộ, chưa sát thực tiễn, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức chỉ đạo thiếu kiên quyết, còn né tránh.
Giải pháp ngành nông nghiệp đưa ra là tiếp tục rà soát diện tích đất đai các nông lâm trường đang quản lý để chuyển cho các địa phương; Đổi mới cơ chế quản lý nông lâm trường theo hướng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình và bước đi phù hợp nhằm thay đổi cơ chế quản lý và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong từng nông lâm trường; tạo thế chủ động sáng tạo và gắn trách nhiệm của bộ máy quản lý nông lâm trường trong tổ chức sản xuất kinh doanh, nhất là hiệu quả sử dụng đất được giao.
Đại biểu Nguyễn Chí Nhâm chất vấn GĐ Sở NN&PTNT
Về vấn đề công tác quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp còn bất cập, để xảy ra sai phạm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn giải trình nguyên nhân chủ yếu là do một số huyện, xã chưa quản lý chặt chẽ quỹ đất lâm nghiệp trên địa bàn; Công tác chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc rà soát, bóc tách để xác định quỹ đất cần thu hồi, bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý sử dụng chưa được thường xuyên. Đồng thời đưa ra giải pháp là cần rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch đất lâm nghiệp, quy hoạch 3 loại rừng cho phù hợp với thực tế; Đẩy nhanh tiến độ rà soát, diện tích đất của các công ty nông lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh để hoàn thành thủ tục hồ sơ chuyển sang hình thức thuê đất theo quy định nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ sử dụng đất. Kiến nghị UBND tỉnh thu hồi một phần đất (sử dụng không hiệu quả, sử dụng sai mục đích, không có nhu cầu sử dụng...) mà các Nông, lâm trường đang quản lý, sử dụng để giao cho địa phương, giao cho nhân dân sản xuất theo quy hoạch và pháp luật.
Ngay sau phần trả lời của ông Hồ Ngọc Sỹ, tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu cũng yêu cầu GĐ Sở NN&PTNT trả lời cụ thể về việc thực hiện tổ chức đấu giá đất tại các địa phương còn bất cập. Nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục? Tiến độ thực hiện tiến độ phát triển cây cao su theo lộ trình của UBND tỉnh, nguyên nhân mất mùa của giống lúa BC15, quan điểm của Sở Nông Nghiệp về vấn đề này, các chính sách đền bù hỗ trợ người nông dân, hỗ trợ cây, con giống cho các huyện 30a, hướng khắc phục tình trạng này cũng như cần làm rõ trách nhiệm đối với những tồn tại trên.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Chí Nhâm về tiến trình kiểm đếm, xúc tiến việc thực hiện thuê đất của của các nông lâm trường sau khi chuyển đổi thành công ty TNHH MTV theo quy định của Luật đất đai, nhằm tăng cường trách nhiệm, hiệu quả quản lý sử dụng đất của nông lâm trường, Sở Nông nghiệp đã chỉ đạo thực hiện đến đâu? Ông Hồ Ngọc Sỹ thẳng thắn cho biết vấn đề này hiện triển khai chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ và đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và hứa thời gian tới sẽ tập trung làm hết mức, tới đây đơn vị nào không hoàn thành sẽ kiểm tra và có giải pháp cụ thể. Lãnh đạo các Sở Tư pháp, Tài Nguyên- Môi trường cũng đã tham gia làm rõ thêm những nội dung liên quan đến ngành, đến địa phương mình.
Trả lời chất vấn về tình trạng quản lý và sử dụng đất tại các Tổng đội thanh niên xung phong còn bất cập, để xảy ra sai phạm, ông Hồ Ngọc Sỹ giải trình trách nhiệm chính thuộc về Tổng đội trưởng các Tổng đội TNXP đã không thực hiện tốt vai trò làm chủ đầu tư của dự án. Tỉnh đoàn, Ban chỉ huy Lực lượng TNXP – XDKT tỉnh chưa làm tốt nhiệm vụ là cơ quan quản lý cấp trên, chưa phối hợp được với cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, chỉ đạo hoạt động của các tổng đội nhất là trong việc quản lý, sử dụng đất đai.
Ông Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Tỉnh đoàn giải trình thêm về những vấn đề liên quan đến tổng đội TNXP Ảnh: Nguyên Sơn
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hùng- Bí thư Tỉnh đoàn cũng đã làm rõ thêm về những tồn tại, yếu kém trong quản lý, sử dụng đất của các tổng đội TNXP-XDKT là khi thực hiện dự án, các tổng đội chưa làm các thủ tục đo đạc, thống kê các loại đất để đưa vào sử dụng; không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết trình các cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Chưa làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; chưa lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng trụ sở, các công trình công cộng và đất giao cho cá nhân đội viên làm nhà ở, đất sản xuất. Tự thực hiện giao đất cho các hộ đội viên làm đất ở, đất vườn khi chưa có quy hoạch chi tiết được phê duyệt trái với thẩm quyền và quy định của luật đất đai.
Để tháo tháo gỡ khó khăn trên, Giám đốc Sở NN& PTNT đưa ra một số giải pháp như cho phép làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở theo hạn mức cho các hộ đội viên trong vùng dự án tổng đội; chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất chuyên dùng như: đất xây dựng trụ sở, các công trình công cộng. Có thể chuyển các hộ gia đình về cho địa phương theo địa giới hành chính, lập hồ sơ làm thủ tục cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng cho các hộ đội viên và tổng đội theo quy định của pháp luật về đất đai…
Khánh Ly (Baonghean.vn)