Việc ghi tên cha mẹ trên CMND mới sẽ không bị bắt buộc.
Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản đồng ý với kiến nghị của Bộ Công an về việc sớm sửa đổi nghị định về CMND, theo hướng bỏ quy định bắt buộc phải có phần ghi họ tên cha mẹ công dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an nhanh chóng soạn thảo nghị định mới thay thế Nghị định 170/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/1999/NĐ-CP về CMND.
Trước việc tiếp tục triển khai thí điểm cấp CMND có ghi tên cha mẹ ở một số quận, huyện TP Hà Nội, nhiều chuyên gia pháp luật kiến nghị Chính phủ yêu cầu Bộ Công an dừng ngay việc cấp CMND mới, chờ sửa nghị định.
Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, Cục đã được giao xem xét tính hợp pháp, hợp lý về Nghị định 170/2007/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05/1999/NĐ-CP về CMND.
Sau khi nghiên cứu, Cục phát hiện quy định cho phép đưa tên cha mẹ vào CMND là trái với Bộ luật Dân sự và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia từ năm 1989.
Bộ Tư pháp cũng có văn bản kiến nghị với thủ tướng về việc bãi bỏ quy định này.
Đối với khoảng 35.000 CMND có tên cha mẹ đã được cấp, người dân có quyền xin cấp đổi lại nếu không muốn có tên cha mẹ mình trên đó. |
Từ tháng 9/2012, Bộ Công an triển khai thí điểm cấp mẫu CMND có ghi tên cha mẹ trên địa bàn quận Tây Hồ, Hoàng Mai và huyện Từ Liêm (Hà Nội).
Theo Đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát Đăng ký, quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), gần 35.000 mẫu CMND mới đã được cấp tại Hà Nội.
Cuối tuần này Bộ Công an sẽ hoàn tất dự thảo Nghị định sửa đổi về CMND để lấy ý kiến rộng rãi. Trong thời gian chờ nghị định mới thì việc cấp thí điểm CMND ở TP.Hà Nội vẫn thực hiện bình thường.
Tuy nhiên, sau khi có văn bản của Thủ tướng, người dân sẽ có quyền chọn để hoặc không để tên cha mẹ vào CMND của mình.
Quản lý công dân theo mã số
Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã thống nhất quan điểm về việc xây dựng đề án quản lý cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thông qua việc cấp mã số định danh cá nhân (hoặc mã số công dân) chính là 12 số trên CMND mới. Sắp tới, Bộ Tư pháp và Bộ Công an sẽ trình đề án quản lý dân cư dựa trên dự án quản lý cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia do Bộ Công an xây dựng.
Bộ Tư pháp sẽ giúp Chính phủ hoàn chỉnh và trình Quốc hội Luật Hộ tịch, trong đó quy định trẻ em khi sinh ra được Bộ Công an cấp một mã số có 12 số để tới năm 14 tuổi sẽ thành số CMND “Cơ sở dữ liệu của Bộ Công an sẽ là nền tảng để các bộ, ngành cập nhật thông tin do mình quản lý” – ông Vệ nói.
Tổng cục 7 sẽ triển khai thí điểm cấp mã số định danh cá nhân, quản lý dân cư ở TP Hải Phòng theo gói vay vốn ODA của Hungary trị giá 10 triệu euro. Ngoài ra, Bộ Công an cũng dự kiến kinh phí 3.000 tỉ đồng để thực hiện đề án quản lý dân cư quốc gia, chia theo từng giai đoạn và đang được Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – Đầu tư xem xét.
|
Theo N.C.Khanh
Tiền Phong