Trong những ngày đầu năm mới, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tiếp tục là địa chỉ được nhiều gia đình lựa chọn để vừa vui xuân, vừa tìm hiểu những nét đặc sắc trong di sản văn hóa của các vùng miền.
Bảo tàng Dân tộc học đón khách từ mùng 4 Tết (tức 13/2), nhưng tâm điểm của chương trình Vui xuân Quý Tỵ 2013 diễn ra trong ba ngày 15-17/2 (mùng 6 đến mùng 8 Tết). Với những hoạt động văn hóa dân gian đa dạng và phong phú, chương trình này vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi đầu năm mới của đông đảo công chúng, vừa góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của các địa phương và các dân tộc.
Năm nay, chương trình Vui xuân Quý Tỵ của Bảo tàng Dân tộc học có sự phối hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái. Công chúng lần đầu tiên được tìm hiểu những nét văn hóa của các dân tộc ở Yên Bái ngay tại Bảo tàng: Người Hmông nấu thắng cố, thổi khèn, người Cao Lan làm bánh chim gâu, người Thái đồ xôi ngũ sắc, người Xá Phó thổi sáo mũi, người Dao thổi kèn ống nứa, người Khơmú trình diễn điệu múa thuồng luồng.
Theo quan niệm của người Khơmú, thuồng luồng là con vật gọi mưa; người ta múa thuồng luồng trong lễ hội cầu mưa thể hiện ước muốn mùa màng bội thu và cuộc sống no đủ. Bên cạnh đó, người Khơmú còn mang đến chương trình Vui xuân Quý Tỵ tại Bảo tàng Dân tộc học ba trò chơi: leo cột, luồn dây, nhảy chữ thập.
Cùng với các hoạt động của nhóm Yên Bái, nhóm Hải Phòng trình diễn điệu múa tứ linh: long, ly, quy, phượng; còn phường rối nước Minh Tâm có các ca diễn với những tích trò gắn với cuộc sống người nông dân.
Trong ba ngày vui xuân tại Bảo tàng Dân tộc học, du khách còn được tham gia các điệu múa sạp, múa khăn, múa nón cùng những người Thái ở Hà Nội. Những người thích xin chữ đầu năm mới gặp gỡ các thầy đồ. Những người yêu tranh Đông Hồ có thể tự tay thử in bức tranh mình thích theo hướng dẫn của nghệ nhân đến từ Bắc Ninh.
Các bạn trẻ có thể mặc thử y phục Hmông, Dao, Thái, Phù Lá… và chụp ảnh trong những diện mạo khác lạ, đồng thời được hòa mình trong 20 trò chơi của những tộc người khác nhau. Bên cạnh những trò chơi quen thuộc của người Việt như pháo đất, đánh đu, kéo co, nhảy bao bố..., còn trò nhảy bước (Thái), đánh quay (Dao, Nùng), đánh cầu lông gà (Pà Thẻn, Hmông)... Ngoài ra, các em nhỏ có thể nặn tò he, hoặc vẽ và tô tranh, cũng như tô vẽ con giáp bằng đất với sự hướng dẫn của thợ thủ công.
Công chúng cũng được thưởng thức những món ăn của người Thái, Hmông và Cao Lan đưa tới từ Yên Bái. Ẩm thực Tày xứ Lạng cũng góp mặt bằng hương vị của thịt lợn quay, xôi màu, cơm lam, bánh sừng bò, bánh phồng, bánh chưng.
Riêng tối mùng 7 Tết (19h) công chúng có cơ hội thưởng thức màn trình diễn đốt pháo bông của nhóm thợ thủ công Hải Phòng cùng một số hoạt động khác.
Mai Hồng