Phòng chống lụt bão luôn là công việc cấp thiết nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo nhiều bộ ngành, chính quyền địa phương. Thế nhưng, xung quanh vấn đề này còn nhiều chuyện đáng bàn.
Mới đây, cơn bão số 8 vớ diễn biến phức tạp, khó dự báo được đường đi của nó, thêm vào đó nhiều địa phương chủ quan, lơ là khiến thiệt hại hết sức nặng nề. Hải Phòng là một trong những địa phương thiệt hại nặng nhất trong cơn bão Sơn Tinh (bão số 8) mà lý do chính là tâm lý chủ quan của cả chính quyền địa phương và người dân. Sau khi bão số 8 tan, theo đánh giá của nhiều địa phương như Hải Phòng, Nam Định, công tác dự báo đường đi và cường độ bão đã không sát với diễn biến của bão, dẫn đến việc tổ chức phòng, chống bão nảy sinh nhiều bất cập. Do công tác dự báo bão số 8 không sát thực tế, nên trong khi người dân Thanh Hóa bị sơ tán “oan”, còn các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng lại trở tay không kịp. Không chủ động phòng tránh bão, các địa phương này đã lơ là việc kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh. Do vậy, khi bão vào, nhiều người vẫn lênh đênh trên biển.
Được biết, trong khi theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, trong đất liền gió chỉ mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, vùng ven biển cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Thế nhưng thực tế, bão số 8 khi vào Nam Định có gió mạnh cấp 11, 12, giật cấp 13, 14. Tại Hải Phòng, chính quyền tại nhiều huyện như Kiến Thụy, Cát Hải… cũng bị động trong việc đối phó với bão số 8 do dự báo đường đi của cơn bão quá đột ngột. Hậu quả là, theo thống kê chưa đầy đủ đã có 7 người chết, 6 người mất tích. Về tài sản, có 11 nhà bị sập, 5.073 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 6.291ha lúa và 17.625ha hoa màu bị ngập, hư hại; 700ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Về tàu thuyền có 36 tàu bị chìm. Về thông tin liên lạc: cột phát sóng truyền hình bị đổ hai cái (Nam Định: tháp truyền hình tỉnh cao 180m; Quảng Ninh: tháp phát thanh truyền hình cao 15m); cột thu phát sóng bị đổ 31 cột (Nam Định).
Hiện công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 8 gây ra đang được các địa phương triển khai tích cực. Đặc biệt là việc tổ chức tìm kiếm người dân còn mất tích, đảm bảo nguồn điện chạy máy bơm kịp thời tiêu úng cứu diện tích hoa màu vụ Đông Xuân mới gieo trồng. Tuy nhiên, qua cơn bão này có thể thấy ngoài việc công tác dự báo bão chưa sá, người dân, chính quyền địa phương còn chủ quan, thiếu trung thực. Tại tỉnh A - địa phương thường có bão “ghé thăm” nhưng việc phòng chống từ phía người dân, địa phương vẫn có nơi, có lúc thờ ơ và sau bão, một số địa phương “tranh thủ” thống kê thiệt hại và đã có nhiều chuyện bi hài nảy sinh từ đây.
Nhiều diện tích lúa xanh mơn mởn nhưng vẫn được báo cáo…. mất trắng?
Cán bộ nông nghiệp còn đùa nhau rằng một năm đối với ngành nông nghiệp có tới 16 tháng chứ không phải 12. Anh cán bộ này dí dỏm: trong một năm mà báo cáo 8 tháng nắng hạn rồi 8 tháng mưa lụt thì không phải 16 chứ là mấy (?!) Còn nhớ, sau cơn bão PV có dịp về huyện N. để tìm hiểu công tác khắc phục, gặp cán bộ phòng nông nghiệp, hỏi tới diện tích lúa thì được trả lời: xóa sổ; hỏi diện tích ngô, lạc lại báo cáo: mất trắng. Thế nhưng khi xuống xã tại một số cánh đồng, nhiều diện tích cây trồng vẫn xanh non. Hóa ra, tổng hợp tình hình thiệt hại cán bộ lại bệnh chủ quan gọi điện hỏi mà không kiểm tra thực tế; mặt khác dư luận cũng đặt câu hỏi: liệu có hiện tượng “kê khống” để nhận hỗ trợ? Đáng nói, hiện tượng này không chỉ dừng lại ở huyện N. Một số huyện, sau mưa lụt con số thống kê tình hình thiệt hại cũng rất mập mờ. Tại huyện C khi được hỏi con số thiệt hại nhưng cán bộ phòng nông nghiệp cho biết đã có thống kê nhưng phải chờ lãnh đạo huyện…. “cân đối” và “duyệt”.
Hóa ra, ngoài việc dịch vụ ăn theo, giá cả ăn theo… còn có chuyện thống kê ăn theo bão?
Thu Huyền -Báo Nghệ An |