Thương thay phận chim, cò
Có mặt ở một chợ thuộc huyện Diễn Châu vào sáng sớm, hình ảnh chúng tôi được tận mắt chứng kiến sao mà thấy đau xót đến vậy. Những chú cò, chim cuốc, sáo, sẻ, chích… vừa mới dính bẫy, đang kêu thảm thiết bị mang ra chợ nhập cho người chủ thu mua.
Chị Nguyễn Thị Xoan, một người bán hàng ở chợ cho biết: “Cứ mùa gặt lúa xong là chim cò bị bẫy nhiều lắm, hôm nào ra chợ cũng thấy bày bán mặt hàng này ở đây cả. Có ngày phải đến hàng trăm con chứ không ít đâu chú ạ”.
Có lẽ đúng như lời chị Xoan vừa nói, chỉ tính sơ số chim cò mà người thương lái đứng thu mua được một lúc từ các tay săn cò trong vùng thì cũng đến 30 - 40 con chứ không ít. Thế mới biết số lượng các loài chim, cò bị tận diệt đến mức độ thế nào.
Anh Lê Văn Huy, một thợ bẫy cò trong vùng cho biết: “Vào mùa này các loại cò, cuốc, sáo về các cánh đồng hay bãi bồi ven sông để kiếm ăn. Chính vì vậy mà người dân ở nhiều vùng đều tiến hành đặt bẫy chúng, công việc vừa đơn giản, bỏ ra ít kinh phí mà lại thu lại hiệu quả kinh tế cao”.
Cũng theo anh Huy thì việc bẫy cò cũng rất đơn giản, chỉ cần cắm những thanh tre có phết một đầu phía trên là một loại keo dính và đầu kia cắm xuống đất, cứ thế có thợ cắm hàng trăm chiếc que như vậy và ở đó có những chú cò giả bằng xốp và một vài con cò thật bị cột chân bằng một sợi dây dài để người săn giật giật làm mồi nhử chim thật bay xuống. Khi thấy cò phía dưới đang đỗ thì đàn cò trên trời liền hạ cánh xuống là ngay tức chúng dính phải lớp nhựa trên que tre không thể thoát ra được.
Và cũng có cách khác nữa đó là dùng lưới giăng sẵn, khi thấy đàn cò bay phía trên, người đặt bẫy liền giật dây để cho những chú cò thật kêu lên thất thanh, khi thấy đồng loại như vậy, đàn cò hễ bay xuống đậu là mắc lưới ngay tức thì.
Những chú cò bị vặt trụi lông đang kêu lên thảm thiết
Số lượng cò bẫy được nhiều hay ít còn tùy thuộc vào thời tiết, hôm nào có mưa bão hay trời động là những hôm bắt được nhiều hơn. Cứ vậy có ngày một người thợ như anh bẫy được cả trăm con chứ không ít. Với loại cò to thì 50.000 đồng/đôi, còn nhỏ hơn thì 30.000 đồng/đôi, còn chim cuốc thì 20.000 đồng/đôi. Tính ra mỗi ngày những người thợ như anh Huy cũng kiếm được ít thì 500.000 - 1.000.000 đồng, còn có hôm thì nhiều hơn thế.
Mối nguy cơ tuyệt chủng giống loài
Những chú cò, cuốc bị bẫy liền đem ra chợ bán lại cho thương lái, sau đó thì bị vặt trụi lông trong khi chúng vẫn đang còn sống. Điều đặc biệt là khách đến mua cò cũng rất đông, người thì mua một đôi, có người mua một lúc cả chục con. Vì được khen là thịt thơm ngon và béo khiến cho chúng càng bị tận diệt một trách triệt để, không kể là lớn hay bé.
Chị Lê Thị H., một thương lái thu mua cò ngay tại chợ cho hay: “Từ đầu mùa thu tới giờ, hôm nào cũng có chim, cò để bán cả, vậy mà hôm nào cũng bán hết hàng mặc dù hiện nay giá cả các loại chim cũng đắt hơn chứ không như các năm trước nữa”.
Không chỉ có ở chợ Diễn Châu mà ở chợ của huyện Yên Thành và Quỳnh Lưu cũng bày bán la liệt mặt hàng này. Có nơi những chú cò bị nướng vàng, lòng ruột bị lột sạch ra để bán riêng giống như bán gà, vịt. Thế mới biết một ngày có bao nhiêu số lượng loài chim đã bị tận diệt để làm thức ăn, làm mồi nhậu trong các nhà hàng, quán ăn.
Không biết với việc tận diệt chim trời một cách đáng báo động như hiện nay thì trong tương lai gần liệu có còn nghe thấy hình ảnh những chú cò trắng muốt dang rộng đôi cánh bay lượn trên không trung nữa không, ít nhiều sự săn bắt quá mức như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến sự đa dạng của loài trong tự nhiên.