Ngày 3/7, người dân TP. Vinh và Thị xã Cửa Lò “thở phào” khi rác đã được thu dọn sau mấy ngày trong tình trạng sống cùng rác do một số hộ dân chặn xe đổ rác vào Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên - Nghi Lộc. Dư luận đặt câu hỏi cần phải có giải pháp bền vững để tình trạng này không còn lặp lại.
TỪ 20h đến 21h ngày 28/6, hơn 10 hộ dân thuộc xóm 1, xã Nghi Yên bất ngờ chặn các xe chở rác thải từ TP. Vinh ra đổ rác tại Khu liên hợp xử lý rác thải rắn Nghi Yên tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc. Những ngày tiếp theo, người dân các xóm 1 và xóm 4 của Nghi Yên vẫn tiếp tục cắt cử người trực 24/24h nhằm chặn các xe chở rác thải từ TP. Vinh, TX Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, khiến khu vực nội thị các địa phương này chìm ngập trong rác.
Nghiêm trọng nhất là tại TP. Vinh, rác thải đổ la liệt trên các tuyến phố. Lượng rác thải sau 5 ngày không được chuyển đi xử lý ngày một chất cao. Ở nhiều tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai, Quang Trung, Đinh Công Tráng, Nguyễn Sỹ Sách..., mùi hôi thối do các bãi tập kết bất đắc dĩ bốc lên nồng nặc. Không chỉ ở TP. Vinh mà ở TX biển Cửa Lò, lượng rác thải cũng ứ đọng trong nhiều ngày khiến thị xã du lịch này trở nên “xấu xí” trong mắt hàng ngàn khách du lịch.
Vào chiều 3/7, ông Lê Quốc Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh cùng các lực lượng có mặt tại hiện trường để giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu, đồng thời dùng các biện pháp cưỡng chế các hộ vi phạm để Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị (MTĐT) Nghệ An cho xe rác vào đổ tại Khu liên hợp. Đến 2h chiều ngày 3/7, xe rác của Công ty TNHH MTV MTĐT Nghệ An đã đổ rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên - Nghi Lộc. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV MTĐT Nghệ An, ngay chiều 3/7, ngoài việc huy động công nhân, phương tiện của công ty, đơn vị còn hợp đồng thuê 20 xe tải chở rác và 4 máy xúc rác, phấn đấu trong 2 ngày (3-4/7) giải phóng hết lượng rác thải ứ đọng trên địa bàn TP Vinh.
Rác thải bắt đầu vận chuyển ra khỏi TP. Vinh vào chiều 3/7. (Ảnh chụp tại đường Lê Hồng Phong)
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, hành vi chặn xe rác của một số người dân các xóm 1 và 4 xã Nghi Yên để yêu cầu nhận một lúc tiền đền bù 28,9 ha đất nông nghiệp (tương đương 40 tỷ đồng). Diện tích đất này nằm ngoài phạm vi Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, Nghi Lộc do mấy năm nay không gieo trồng được hoa màu trên đất.
Trong khi đó UBND tỉnh và TP. Vinh vẫn cấp tiền hỗ trợ hoa màu 1 năm 2 vụ cho bà con, với đơn giá 2.500 đồng/m2. Còn về chủ trương thực hiện đền bù đất, hiện nay UBND tỉnh mới giao cho huyện Nghi Lộc thống kê diện đất sản xuất nông nghiệp và trình hồ sơ lên Sở Tài nguyên – Môi trường thẩm định. Để thực hiện được chủ trương này cần có thời gian nhất định chứ không thể làm trong ngày một ngày hai. Hơn nữa, việc người dân đòi được nhận tiền đền bù khi UBND tỉnh chưa thực hiện xong các quy trình thu hồi đất là không hợp lệ.
Mặc dù rác đã được vận chuyển vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, Nghi Lộc, song để tình trạng trên không còn tiếp tục xảy ra, chính quyền các cấp, trong đó chủ yếu là xã Nghi Yên còn phải tiếp tục vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu được chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông Nguyễn Chính Thực – Phó Chủ tịch xã Nghi Yên cho biết: “Tổ công tác vận động của xã sẽ tiếp tục xuống trực tiếp các hộ dân để giải thích cho nhân dân hiểu đúng bản chất của việc đền bù, hỗ trợ ở khu vực này. Bên cạnh đó, xã giao cho xóm trưởng kết hợp với trưởng ban công tác mặt trận tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh”.
Qua sự việc này cho thấy, trong khi nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất cho Nhà nước làm đường, xây dựng các công trình dân sinh, hi sinh lợi ích của bản thân, gia đình vì sự phát triển chung của xã hội, thế nhưng một số hộ dân ở Nghi Yên - Nghi Lộc, mặc dù đã được tỉnh và TP. Vinh giải quyết cho nhận tiền hỗ trợ hoa màu hàng năm nhưng vẫn chưa vừa lòng, chặn xe chở rác, cản trở việc thu gom rác thải, gây ô nhiễm môi trường là điều khó chấp nhận.
Bên cạnh đó, còn cho thấy, các cấp, ngành, địa phương liên quan cần phải vào cuộc một cách nhanh chóng, quyết liệt hơn nữa; cần có sự phối hợp hiệu quả, khoa học hơn trong tuyên truyền, vận động, giáo dục và giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân. Nếu kiến nghị của người dân đúng thì giải quyết kịp thời. Còn kiến nghị không đúng thì chính quyền các địa phương liên quan phải sớm giải thích cho người dân hiểu rõ, nếu người nào không chấp hành và cố tình vi phạm pháp luật thì phải có các biện pháp xử lý nghiêm minh, không nên để dây dưa dẫn đến tình trạng quá khích như vừa qua.
Hành vi chặn xe chở rác là vi phạm pháp luật
Hành vi chặn xe chở rác của người dân Nghi Yên – Nghi Lộc là vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ được quy định tại Luật Giao thông đường bộ.
Tùy tính chất, mức độ vi phạm mà những người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội “Gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 245 Bộ Luật hình sự hoặc tội “Cản trở giao thông đường bộ” quy định tại Điều 203 Bộ Luật hình sự.
Trường hợp nếu người dân cho rằng, việc Nhà nước không đền bù đất là không đúng, ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì người dân có quyền thực hiện việc kiến nghị, khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án theo quy định của Bộ Luật tố tụng hành chính để được giải quyết theo trình tự của pháp luật. Không được sử dụng các biện pháp hoặc có các hành vi trái pháp luật làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an ninh, trật tự công cộng.
Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2003, Nhà nước chỉ đền bù, bồi thường thiệt hại cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất. Việc thu hồi đất được thể hiện bằng quyết định thu hồi đất. Khoản 5 Điều 4 Luật Đất đai năm 2003 quy định, thu hồi đất là việc Nhà nước ra quyết định hành chính để thu lại quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất đã giao cho tổ chức, UBND xã, phường, thị trấn quản lý theo quy định của Luật này. Vì thế, người sử dụng đất không được bồi thường khi Nhà nước không thu hồi đất.
Thạc sĩ, Luật sư: Nguyễn Vinh Diện Văn phòng Luật sư Vinh Diện & Cộng sự | |