Trận mưa lớn bất ngờ vào cuối tháng 5 khiến gần 20 hộ dân thuộc khu vực Đền cô Nhung, khối Yên Giang, phường Vinh Tân, phía bên kia cầu Cửa Tiền rơi vào cảnh ngập lụt. Đây là hệ quả tất yếu khi kế hoạch xây kênh mương cho Khu tái định cư Cửa Tiền bị chậm trễ.
Cơn mưa đã tạnh gần 7 tiếng đồng hồ, nhưng đứng trên tầng hai của một nhà dân nhìn xuống chúng tôi vẫn còn thấy cả khu đất rộng gần 1 ha của Khu tái định cư thuộc dự án Khu đô thị mới Cửa Tiền ngập trong nước trắng xóa. Nhà nào nước cũng ngập đến ngang bắp chân và đủ loại rác thải trôi vào sân nhà dân. Đưa tôi đi từng ngôi nhà bị ngập, ông Lê Văn Bình - khối trưởng khối Yên Giang cho biết: Chưa bao giờ mới một cơn mưa mà cả vùng đã ngập nhanh như thế. Bà con rất lo lắng, bởi bây giờ mới đầu mùa mưa và nguy cơ ngập lụt còn nặng hơn nữa nếu Dự án Khu đô thị mới Cửa Tiền chưa làm xong cơ sở hạ tầng và mương thoát nước cho bà con.
Nhiều hộ dân phải chịu cảnh bị úng ngập.
Từ ngôi nhà điều hành của Chi nhánh Công ty CP Danatol tại Nghệ An, ông Nguyễn Trung Dân - Giám đốc Công ty dường như đã lường trước được vấn đề nên gần như ngay khi mưa ngớt, công ty đã nhanh chóng đưa máy xúc ra khắc phục sự cố. Việc ngập lụt lần này, không nằm ngoài dự đoán và lãnh đạo Công ty biết rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về mình. Nguyên nhân chính là do từ đầu tháng 3, Công ty xây mương chạy qua Khu tái định cư Cửa Tiền. Nếu mương này xây xong, phần nước ngập sẽ theo mương chạy vào hệ thống thoát nước chung của khu đô thị nằm kề đó. Tuy nhiên, mương mới xây khoảng 100m thì phải đình lại vì bị 9 hộ dân ở khu vực này ra phá bỏ vì cho rằng, công ty xây vào phần đất của gia đình họ. Sự việc từ đó đến nay đành bế tắc - ông Dân cho biết.
Thực tế, vướng mắc về việc đền bù ở Khu tái định cư Cửa Tiền thuộc Dự án Khu đô thị Cửa Tiền không chỉ đến khi Công ty tiến hành làm mương mới phát sinh, mà đã được công ty Danatol nói đến nhiều trong các văn bản gửi UBND Thành phố Vinh và UBND phường Vinh Tân trước đó. Khu tái định cư này có tổng diện tích 1,11 ha vốn dự kiến là nơi ở cho 67 hộ bị thu hồi đất cho Dự án Khu đô thị Cửa Tiền đã được tỉnh phê duyệt từ tháng 3/2005. Đến năm 2007, về cơ bản toàn bộ việc đền bù, giải phóng mặt bằng đã thực hiện xong trước khi thành phố giao đất cho Công ty Danatol khởi công xây dựng dự án. Tuy nhiên, quá trình giao đất không biết vì lý do gì mà đơn vị thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng khi đó là Tổ tư vấn bồi thường thành phố lại không giao cho Công ty Quyết định giao đất của UBND tỉnh.
Cũng chính vì thế, hiện nay dù đã được bàn giao mặt bằng để thi công nhưng Công ty Danatol lại không biết chính xác ranh giới thửa đất của mình. Đó cũng là kẽ hở để từ năm 2007 đến nay, nhiều hộ dân ở xóm Yên Giang lợi dụng để xâm lấn vào phần đất của dự án. Biên bản kiểm tra hiện trạng vào cuối tháng 11/2011 giữa Phòng Quản lý đô thị thành phố, UBND phường Vinh Tân, khối Yên Giang và Công ty Danatol cho thấy: Hiện phần đất của khu tái định cư có 9 hộ dân chiếm đất của dự án, với tổng diện tính từ 10 đến hàng trăm mét vuông. Có hộ dùng thửa đất này để xây dựng công trình phụ, có hộ dùng lưới thép để rào lại, nhưng cũng có hộ dùng để trồng phi lao, bạch đàn. Đây cũng là những hộ đã ngăn chặn việc thi công mương của công ty 2 tháng trước đây.
Mặc dù việc xâm lấn đã rõ ràng nhưng điều mà lãnh đạo Công ty Danatol thắc mắc là tại sao từ năm 2010 đến nay, công ty đã nhiều lần gửi đơn đến UBND thành phố và phường Vinh Tân yêu cầu giải quyết dứt điểm vấn đề trên, để dự án xây dựng khu tái định cư được triển khai nhưng từ đó đến nay chưa được giải quyết. Nguyện vọng của người dân theo như ông Đậu Bá Liên (một trong 9 hộ dân) là: "Trước đây, chúng tôi đã rất khó khăn để lấp, đóng cọc phần đất trên nên giờ cũng muốn được thành phố hỗ trợ một ít". Thế nhưng, theo ông Hoàng Hồng Khanh - Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Vinh cho rằng: Chúng tôi không thể lập phương án đền bù một lần nữa, vì trước đây toàn bộ phần đất này (bao gồm cả phần đất đang bị lấn chiếm) đã được đền bù cho HTX Nông nghiệp Vĩnh Mỹ".
Về phía phường, ông Nguyễn Văn Sửu - Chủ tịch UBND phường Vinh Tân cho rằng: Dù đất đã được đền bù, nhưng trong quá trình quản lý trước kia khi người dân tiến hành xây dựng trái phép đáng lẽ chính quyền địa phương phải có văn bản xử lý ngăn chặn. Nếu không thực hiện thì phải có phương án bồi thường tài sản trên đất cho dân. Điều này thành phố lại không thực hiện được. Thiết nghĩ, sự việc sẽ không quá khó khăn phức tạp (nhất là khi lãnh đạo Công ty Danatol sΩn sàng bỏ kinh phí để hỗ trợ cho các hộ dân), nhưng vì UBND thành phố và phường không giải quyết rõ ràng, dứt khoát dẫn đến vướng mắc kéo dài.
Mỹ Hà
Báo Nghệ An