Thịt bốc mùi rửa rồi khắc hết
Trong loạt bài phản ánh trên thị trường Hà Nội xuất hiện 2 loại chất tẩy thịt bẩn là chất tẩy đường và bột săm - pết. Cả hai loại chất này đã được một số người bán thịt ngoài chợ mua về để tẩy rửa thịt lợn để lâu ngày, đã bị ôi và bốc mùi, sau đó lừa bán cho người tiêu dùng.
Có một bộ phận những cửa hàng bán cơm cho sinh viên, công nhân đã vì lợi nhuận mà bất chấp mua thịt ôi thối với giá rẻ, sau đó mang về tẩy rửa và chế biến thành những món ăn ngon lành.
PV đã vào vai một người đi kiếm việc làm, đến một quán cơm chuyên bán cho công nhân, sinh viên nằm trong một ngách nhỏ thuộc phố Vĩnh Tuy để xin giúp việc.
Sau khi đưa chứng minh nhân dân và giới thiệu qua về mình, tôi dễ dàng được ông chủ nhận vào làm người giúp việc ở quán.
"Công việc đơn giản thôi, em phụ giúp anh rửa rau, rửa bát, chuẩn bị đồ ăn để nấu, quét dọn quán, lau bàn... Em thích làm theo tháng hay theo ngày? Nếu làm theo tháng thì anh sẽ lo cho chỗ ăn ở, lương 1 triệu/1 tháng.
Còn làm theo ngày thì sáng từ 6h đến 9h tối, bao ăn 2 bữa, 1 ngày 50 nghìn, chỗ ở em tự túc, làm ngày nào trả tiền luôn ngày đó" - Ông chủ quán còn khá trẻ mặc cả.
Khi đã thỏa thuận xong, ông chủ sắp xếp cho tôi vào làm việc ngay lập tức. Lại gần và dò hỏi vài người cũng đang giúp việc ở đó thì được biết, ông chủ tên là Đại, quê ở Hưng Yên, mở quán cơm này được 3 - 4 năm nay rồi và quán rất đông khách.
Sau khi làm các công việc lặt vặt phụ giúp ở quán, đến khoảng 3h chiều, ông chủ quán trở về với một túi thịt lợn lớn trên tay.
Đặt đống thịt ở trên bàn, chủ quán đi vào trong nhà tìm thứ gì đó, lát sau thì bê ra một chậu nước, đặt ở ngoài sân rồi gọi lớn: "Đâu rồi, cô nhân viên mới vào đâu rồi?"
Quán cơm của ông chủ tên Đại nằm trong một ngách nhỏ thuộc ngõ 34 phố Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, HN |
Biết đang gọi mình nên tôi trả lời, sau đó ông chủ chỉ thị tiếp: "Em đem đống thịt anh để trên bàn kia kìa mang đi rửa đi cho anh?" - Chủ quán nói. "Rửa bình thường thôi hả anh?" Tôi hỏi. "Đấy rửa bằng cái nước trong chậu đỏ anh để ở kia kìa. Em cứ bình thường xong để 1,2 phút rồi rửa lại bằng nước trong cái chậu xanh kia cho anh".
Lấy túi thịt lợn đặt ở trên bàn đang bốc ra mùi hôi khủng khiếp, tôi mang đi rửa theo yêu cầu của chủ quán.
"Mà em thấy thịt này bốc mùi rồi anh ơi" - Tôi băn khoăn.
"Bốc mùi thì cứ rửa qua nước đấy đi cho anh rồi khắc hết" - Chủ quán trả lời.
Tiến lại gần chiếc chậu nhựa màu đỏ mà ông chủ vừa mang ra, mới cho miếng thịt lợn bốc mùi vào đã có lớp bọt sục lên, giống y hệt như thí nghiệm tẩy thịt ôi trước đó.
"Sao lại phải rửa nước chậu đỏ trước hả anh? Nước nào mà chẳng được ạ?"
"Em cứ rửa nước ở chậu đỏ cho anh, xong rồi tráng lại nước ở chậu xanh kia" - Chủ quán trả lời với giọng gay gắt.
"Nước này là nước gì mà có mùi kinh thế hả anh?"
"Nước gì thì em không cần phải hỏi nhiều. Cứ rửa đi." - Ông chủ tỏ vẻ hơi giận dữ.
"Có phải cho thêm gì vào nữa không anh?"
"Không phải thêm gì cả, anh cho rồi, nước nôi đầy đủ rồi. Nhanh tay lên, rồi còn muối còn ướp, xiên vào rồi nướng lên nữa, khách sắp đến đông rồi...".
Theo nhiều nhân viên ở đây, việc rửa thịt để trị mùi ôi thiu đã diễn ra từ hồi mở quán, mỗi ngày quán nhỏ này chế biến gần chục kg thịt thành các món thơm ngon khác nhau.
Biển hiệu làm gì cho bọn thị trường nó dòm ngó
Sau khi tẩy rửa xong đống thịt ôi, tôi bê vào nhà để cho một người khác thái ra rồi xiên vào nướng. Vừa mới bê vào bếp đã thấy ở dưới đất có một túi nilong màu trắng như túi muối.
Túi bột màu trắng mà chủ quán dùng để pha với nước rồi bảo PV tẩy rửa thịt vẫn được để dưới nền nhà. Theo kinh nghiệm từng thử tẩy thịt thì đây là độc chất săm-pết nằm trong danh mục cấm sử dụng |
"Muối phải không chị? Em cho vào ướp luôn nhé?
"Không phải đâu, bột của anh ấy đấy, đừng có động vào" - Chị giúp việc cùng với tôi trả lời.
"Bột này để làm gì hả chị?" - Tôi hỏi.
"Để pha vào nước mà em vừa rửa ấy" - Chị giúp việc đáp.
"À, để tẩy rửa thịt cho hết mùi phải không ạ?"
"Ừ, có cái này mới hết mùi được, tẩm ướp vào rồi nướng lên thì lại thơm ngay" - Chị giúp việc nói với giọng thản nhiên.
Phụ giúp được một lúc, tôi chợt nhìn ra ngoài cổng thì mới để ý là quán chẳng có biển hiệu hay địa chỉ gì.
Quay sang hỏi người đang làm cùng thì được chị cho biết: "Ôi biển hiệu làm gì, quán mở lâu rồi, toàn khách quen thôi. Anh chủ bảo làm biển làm gì cho nó tốn kém, chỉ tổ bọn thị trường, bọn vệ sinh nó dòm ngó rồi lại bị kiểm tra rồi phạt, phải mất tiền cho nó"