Trước tình trạng một số cán bộ, công chức lợi dụng kẽ hở của pháp luật và sự thiếu kiểm tra, giám sát của cấp trên để nhũng nhiễu, sách nhiễu doanh nghiệp và người dân, đầu tháng 11 năm 2011, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập đoàn kiểm tra thực thi công vụ tại các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng UBND tỉnh. Qua kiểm tra, bên cạnh ghi nhận các ưu điểm, Đoàn thanh tra đã kết luận, chỉ ra một số "bệnh" trong thi hành công vụ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước về kế hoạch đầu tư, trong năm 2010 và 9 tháng đầu năm 2011, đã xử lý 6.341 văn bản, trong đó được UBND tỉnh giao 848 vụ việc. Trong số các vụ việc được giao, có 605 vụ việc được giao có thời hạn và 243 vụ việc giao không có thời hạn.
Qua kiểm tra, Sở đã xử lý đảm bảo thời gian 786/848 vụ việc chiếm 92,6%; số vụ việc chậm thời gian là 62 vụ việc, chiếm 7,4%. Cụ thể, số vụ việc giao có thời hạn, sở xử lý đúng thời gian 543 vụ việc, chiếm 90%; xử lý chậm thời gian 62 vụ việc, chiếm 10%. Trong số các vụ việc được kiểm tra, Phòng Công nghiệp dịch vụ chậm thời gian nhiều nhất với 19 vụ việc; Phòng Kinh tế đối ngoại 17 vụ việc, Phòng Văn xã 13 vụ việc.
Cùng niên độ kiểm tra, tại Sở Xây dựng, trong tổng số 765 văn bản mà UBND tỉnh giao, số văn bản xử lý đúng thời gian quy định là 463 văn bản, chiếm 60%; số văn bản xử lý chậm thời gian 174 văn bản, chiếm 23%; số văn bản không xử lý 123 văn bản, chiếm 17%. Phòng quy hoạch đứng đầu tỷ lệ các vụ việc xử lý chậm với 141 vụ, chiếm 31%; Phòng Vật liệu xây dựng 12 vụ, chiếm 12%, tiếp theo là các Phòng Hạ tầng, Phòng Nhà và bất động sản...
Tại Sở Tài nguyên & Môi trường, một trong những lĩnh vực quản lý nhà nước khá phức tạp và nhạy cảm bị doanh nghiệp, người dân có nhiều kiến nghị nhất, kết qủa kiểm tra thực thi công vụ cũng đã phần nào phản ánh được chất lượng và thái độ phục vụ của đội ngũ công chức tại ngành này.
Theo đó, trong tổng số 550 văn bản mà UBND tỉnh giao cho sở này năm 2010 và 9 tháng năm 2011; Sở tham mưu xử lý đúng thời gian quy định là 277 văn bản, chiếm 50,36%; xử lý chậm thời gian 131 văn bản, chiếm 23,8% và chưa xử lý 142 văn bản, chiếm 25,8%. Đứng đầu trong số các vụ việc chậm xử lý là Phòng Thanh tra với 41 vụ, chiếm 31%; kế đó là Phòng Khoáng sản 48 vụ, chiếm 23,7% và cuối cùng là Phòng Quản lý đất đai 42 vụ, chiếm 20%. So với một số sở, ngành khác, ngành Tài nguyên có số vụ việc chưa xử lý chiếm kỷ lục với 142 vụ...
Ngay tại Văn phòng UBND tỉnh, qua kiểm tra theo phương pháp xác xuất là rút hồ sơ có thời gian xử lý trên 15 ngày, đoàn kiểm tra cũng nhận thấy tình trạng vi phạm về thời gian xử lý. Năm 2010 là 24 chuyên viên với 256/7.132 văn bản chậm xử lý (kiểm tra xác xuất 3 tháng 6, 9 và 10 năm 2010); 9 tháng đầu năm 2011 có 19 chuyên viên và 172/4.580 văn bản chậm xử lý (kiểm tra xác xuất tháng 3 và 9).
Đáng chú ý, qua kiểm tra, bên cạnh việc nêu lên một số vụ việc, hồ sơ chậm được xử lý vì lý do khách quan (các cơ quan, đơn vị tổ chức không gửi hồ sơ về kịp sau khi hướng dẫn; vụ việc liên quan đến khiếu nại tố cáo phức tạp phải chờ xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan), Đoàn kiểm tra cũng thấy được một số phòng ban thuộc sở ngành thiếu định biên so với quy định nhưng đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao và mạnh dạn nêu thẳng một số cán bộ, công chức chậm xử lý vụ việc vì lý do chủ quan.
Theo tinh thần kiến nghị của Đoàn kiểm tra, một công chức khi được giao nhiệm vụ thì theo quy định và đạo đức công vụ phải làm đúng trách của mình; các lỗi chủ quan thuộc về chức trách nhiệm vụ của của cán bộ, công chức thì phải được xem xét để xử lý trách nhiệm một cách nghiêm túc.
Cụ thể, trong số các vụ việc chậm xử lý tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, số vụ việc chậm xử lý vì nguyên nhân chủ quan có 9 vụ việc, đoàn phòng và cá nhân liên quan để làm văn bản giải trình cụ thể. Trên cơ sở giải trình này, đoàn đã xác định được chậm vì lý do khách quan và chủ quan để từ đó đề xuất, giao trách nhiệm cụ thể để các bộ phận liên quan tổ chức kiểm điểm. Tương tự, kiểm tra tại Sở Xây dựng, Đoàn đã chỉ rõ không chỉ có 174 vụ việc trong tổng số 706 vụ việc UBND tỉnh giao bị chậm xử lý mà các nhiệm vụ thường xuyên tại sở cũng xảy ra tình trạng tương tự khi 192/1.160 nhiệm vụ thường bị vi phạm thời gian xử lý.
Tại Sở Tài nguyên và Môi trường, đành rằng là lĩnh vực có nhiều phức tạp vì quy định của pháp luật trong lĩnh vực này chưa hoàn thiện và thường xuyên thay đổi nhưng việc khá nhiều công chức của ngành vi phạm về thời gian xử lý (kiểm tra chưa đầy 2 năm nhưng người ít nhất là 18% và cao nhất là 52% vụ việc được giao bị chậm xử lý) thì khó có một lý do để biện bạch. Lý giải về việc này chỉ có thể là trách nhiệm, đạo đức công vụ cán bộ, công chức đó hoặc bố trí công chức không có năng lực vào vị trí đó. Điều đáng lưu ý và cũng dễ nhận thấy là tương ứng với tình trạng chậm xử lý, giải quyết, trả lời các văn bản, hồ sơ vụ việc tại ngành Tài nguyên và Môi trường thì các phản ánh kiến nghị về tình trạng nhũng nhiễu, "câu giờ" nhằm vụ lợi của người dân và doanh nghiệp đối với lĩnh vực này ngày càng tăng.
Ngay tại Văn phòng UBND tỉnh, sau khi kiểm tra, bên cạnh nêu một số ưu điểm, Đoàn đã xác định được một số nguyên nhân hồ sơ, vụ việc chậm thời gian xử lý. Đó là hiện tượng có hồ sơ vụ việc thuộc lĩnh vực xử lý của bộ phận "Một cửa" nhưng vẫn được theo dõi trên bộ phận Văn thư như: một số hồ sơ liên quan đến giao đất, cho thuê đất; chuyển đổi mục đích sử dụng đất; phê duyệt xin khảo sát lựa chọn địa điểm quy hoạch xây dựng... cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm thời gian xử lý.
Bên cạnh đó, là hiện tượng một số chuyên viên khi tiếp nhận, thẩm định hồ sơ phát hiện chủ đầu tư thiếu thủ tục thì chỉ hướng dẫn bằng điện thoại cho chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư gửi bổ sung nhưng không qua bộ phận "Một cửa" nên có trường hợp, hồ sơ bị "ngâm" quá lâu, không được đôn đốc, kiểm tra; ngược lại có hồ sơ, vụ việc được xử lý rất nhanh một cách không bình thường.
Nguyễn Hải-Báo Nghệ An