Có hơn 100 phóng viên, kỹ thuật viên và biên tập viên của 20 Đài phát thanh - truyền hình cấp huyện ở Nghệ An có nguy cơ mất việc làm, không nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào khi tách ra khỏi đài tỉnh về UBND các huyện quản lý.
Sự việc xảy ra sau khi có Quyết định 2456/QĐ-UBND.VX ngày 28 tháng 6 năm 2011 của UBND tỉnh Nghệ An, về việc phê duyệt kế hoạch chuyển giao Đài phát thành và truyền hình (PT-TH) cấp huyện về UBND các huyện, thành phố, thị xã quản lý.
Đáng chú ý, việc không rõ ràng trong thời kỳ “tranh tối tranh sáng” khi chuyển giao đã gây hoang mang cho 136 phóng viên, kỹ thuật viên và biên tập viên đài cấp huyện (gọi chung là phóng viên).
Sau bao nhiêu năm cống hiến cho Đài PT-TH tỉnh Nghệ An, nay có thể họ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trả lương khi kết thúc năm 2011.
Bỗng dưng bị cắt hợp đồng
Ban đầu, Đài PT - TH tỉnh Nghệ An có 289 người là phóng viên, kỹ thuật viên, biên tập viên trong 20 huyện, thị, thành. Trong đó có 156 người đã được hợp đồng biên chế chính thức, còn lại 136 người được ký loại hợp đồng “Không xác định thời hạn”.
Ngày 1/1/2012, trong số 136 hợp đồng không xác định thời hạn kết thúc với Đài PT-TH huyện, thị thành đã không còn được nhận lương, đóng các loại bảo hiểm và bất cứ chế độ nào từ đài tỉnh Nghệ An.
Trong số hàng chục phóng viên đài cấp huyện tiếp xúc với chúng tôi đều có ý kiến chung: “Hầu hết anh em chúng tôi đều quá bất ngờ, đang làm việc bình thường và không xảy ra bất cứ lý do gì mà cắt hợp đồng ngang như thế.
Trong quá trình chuyển giao, chúng tôi không nắm được quá trình bàn giao. Những người trong biên chế đã đành, còn số những người hợp đồng không xác định thời hạn, Đài tỉnh và các cấp chưa vạch ra được cơ quan nào sẽ chi trả cho các phóng viên, cán bộ chúng tôi cống hiến nhiều năm nay cho đài tỉnh”.
|
Hơn 20 đài PT-TH các huyện thị ở Nghệ An có hơn 100 phóng viên, kỹ thuật viên và biên tập viên bỗng dưng mất tất cả các quyền lợi từ khi chia cắt đài tỉnh. |
Anh N. phóng viên ở huyện L. cho bức xúc nói: “Đến hết ngày 31/12 rồi mà công việc thì vẫn phải làm, không dám bỏ, chưa nghe trưởng đài hay UBND huyện nói gì hết. Anh em phóng viên không chỉ Đài huyện tôi, mà có rất nhiều đài khác trên toàn tỉnh Nghệ An đều gọi điện hỏi, huyện đã có động thái hay hợp đồng lại chưa. Nhưng tất cả anh em đồng nghiệp mà tôi gọi đều trả lời chưa nghe nói gì cả…”.
Bỏ không được, ở cũng chưa xong. Cánh phóng viên các đài tuyến huyện ở Nghệ An đang từng ngày thấp thỏm, lo lắng. Tất cả những điều đó đều có cơ sở, bởi chiếc “cần câu cơm” bao lâu nay của lực lượng phóng viên công hiến cho nhà đài đang bị đe doạ.
Chị H. ở đài huyện S., cách đài tỉnh khoảng 100Km nói với chúng tôi trong nghẹn ngào: “Ngày mai là kết thúc hợp đồng không xác định thời hạn, nhưng đến nay cũng chưa biết ai sẽ nhận và trả lương. Trưởng đài thì chỉ biết sử dụng con người có bấy lâu, chứ cũng chưa biết như thế nào.
Khi chúng tôi được bàn giao về huyện thì Đài tỉnh không chịu trách nhiệm nữa, còn huyện thì nói chỉ nhận những người đã nằm trong biên chế. Đến nay, các phóng viên là người ở giữa, còn cả 2 bên thì cứ bỏ ngỏ.
Hôm qua có họp cơ quan để đề ra phương án trình cho huyện, nhưng cuối cùng thì không ra được gì hết”.
Các phóng viên nhà đài còn thông tin, đài tỉnh đưa ra chủ trương hợp đồng với đài các huyện một năm bao nhiêu tiền để làm cộng tác viên viết tin bài. Nếu đưa con số tiền định mức hợp đồng với đài tỉnh thì lượng công việc phải làm gấp 4 lần công việc trước đây. Để có số lương như hiện tại, phóng viên phải làm gấp 4 lần và điều này rất khó thực hiện.
"Ôm con bỏ chợ”?
Không chỉ có cánh phóng viên hoang mang, nhiều trưởng đài các huyện khi tiếp xúc với PV VietNamNet đều tỏ ra lo lắng cho các cộng sự bấy lâu nay cống hiến cho đài tỉnh, việc thì chưa mất, nhưng lương thì không được chi trả.
Ông Nguyễn Duy Yên, Trưởng đài PT-TH huyện Yên Thành (Nghệ An) thông tin rằng, những người ký kết hợp đồng không xác định thời hạn với đài tỉnh, sau khi chuyển giao về cho UBND huyện Yên Thành quản lý thì UBND huyện không nhận.
|
Không chỉ đài huyện Yên Thành, các đài như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Tân Kỳ, Anh Sơn, Đô Lương, Kỳ Sơn, Quế Phong,…cũng đang nằm trong vòng luẩn quẩn, bế tắc, chưa biết lấy nguồn đâu để nuôi cán bộ hợp đồng không thời hạn |
Đến bây giờ, ngân sách của Sở Tài chính chưa gửi về cho huyện, ngày trước hợp đồng với đài tỉnh có nguyên tắc trên 200 triệu/1năm, nhưng đến nay vẫn chưa thấy tín hiệu.
Trong số 14 người công tác tại đài PT-TH huyện Yên Thành, thì có 8 người đã được vào biên chế và còn lại 6 người vừa kết thúc hợp đồng không có thời hạn, đang hết sức lo lắng.
“Vừa rồi chúng tôi có trình và đề xuất với HĐND - UBND huyện nhưng đến thời điểm này, lương và mọi chế độ khác từ tháng 1/20112 cũng chưa biết sẽ như thế nào. Kể cả có hợp đồng và nhiều khoản khác cũng chưa nghe nói gì hết.
Tôi nói với anh em là phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ quyền lợi, bởi có những người làm việc tại đài từ 6 đến 9 năm nay. Cho nên, từ hợp đồng không xác định thời hạn và sắp tới sẽ như thế nào? Có được hợp đồng ngắn hạn, phương án tiếp là như thế nào?
Hiện nay anh em chúng tôi rất băn khoăn xung quanh chuyện này, 6 đồng sự của tôi cũng chưa biết sẽ được hưởng chế độ từ đâu” - ông Yên thẳng thắn đòi quyền lợi cho các cộng sự của đài.
Cũng theo ông Yên, thì hiện nay rất nhiều phóng viên của các đài khác đều rất hoang mang, lo lắng trước quyền lợi của mình bỗng dưng bị cắt đứt đột ngột.
“Hàng ngày tôi cũng động viên anh em rằng họ không ôm con bỏ chợ đâu, các đồng chí cứ yên tâm làm việc, tôi sẽ bảo vệ quyền lợi đến cùng.
Nói thật với anh là hiện nay đang rất lo, bởi chưa nhìn thấy nguồn ở đâu mà chi trả cho anh em làm việc cả. Chúng tôi cũng chưa biết tiền ở đâu, mà không thể ký lại hợp đồng với anh em được vào lúc này".
Không chỉ đài huyện Yên Thành, các đài như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Tân Kỳ, Anh Sơn, Đô Lương, Kỳ Sơn, Quế Phong,…cũng đang nằm trong vòng luẩn quẩn, bế tắc, chưa biết lấy nguồn đâu để nuôi cán bộ hợp đồng không thời hạn.
Quốc Huy – Duy Tuấn
(Còn nữa)