Vừa mắc màn cho 2 đứa nhỏ ngồi chơi tránh muỗi, anh quay sang nhắc vợ uống thuốc, rồi tiếp chuyện chúng tôi với sự cẩn trọng, dè dặt. Không phải ngại ngùng gì, nhưng anh sợ những câu hỏi vô tình của chúng tôi biết đâu lại làm chị đau chăng. Anh dặn: "Cần phải nói trước rằng, các bạn đừng có hỏi về tình thương nhé, vì tôi đến với vợ không phải chỉ do thương đâu".
Là người đất Cảng (Hải Phòng), con nhà công nhân, cuộc sống vất vả đã rèn cho Vũ Trọng H tính tự lập từ nhỏ. Học hết lớp 12, anh chọn con đường vào Nam lập nghiệp, bắt đầu bằng nghề vẽ trên gốm, sứ, sửa chữa cơ khí và sau đó là lái xe đường dài... Năm 2001, anh lập gia đình và hai vợ chồng sinh sống ở Thanh Hóa. Họ có với nhau 2 mặt con, sau đó chia tay và mỗi người nuôi một đứa trẻ. Hạnh phúc gia đình tan vỡ, một thời gian anh đã tìm đến với những giáo lý đạo Phật để học cách chữa lành vết thương lòng. Rồi số phận đã đưa anh đến với mảnh đất này, trong một chuyến tình cờ ghé qua Thành phố Vinh, đưa món quà của một người bà con gửi cho chị H. Thực ra, trước khi gặp chị để đưa quà, anh đã được nghe kể về chị, người phụ nữ gặp quá nhiều bất hạnh: Lên xe hoa ở tuổi 20, chưa kịp hưởng hạnh phúc đã phải lo toan vun vén gia đình, rồi người chồng với những chuyến đi dài ngày cùng ma túy và trại cai nghiện, nhận được kết quả bị nhiễm HIV khi còn cách chuyến bay đi xuất khẩu lao động có một ngày, sau đó đến tin cô con gái nhỏ của chị cũng bệnh và hai mẹ con đã phải vật lộn chống chọi với tử thần... Anh đã bắt đầu bằng niềm khâm phục lặng lẽ trước khi họ có một cuộc gặp mặt.
"Ước mơ của em" - tranh vẽ của trẻ bị nhiễm HIV.
Thế rồi, buổi gặp gỡ đã đánh dấu những đổi thay lớn trong lòng anh. Người phụ nữ mảnh mai với mái tóc dài, đôi mắt thăm thẳm đã khiến anh trào dâng xúc cảm. Cô ấy nhỏ bé thế, yếu đuối thế và dịu dàng thế, đáng ra phải được hạnh phúc chứ? Sao lại phải gánh trên vai nhiều đến thế nỗi khổ đau, sự kì thị? Còn chị, chị chỉ cúi mặt lẳng lặng. Lâu rồi, chị không có thói quen chia sẻ, lánh xa những cuộc gặp gỡ nếu không vì công việc. Cuộc gặp ngắn ngủi ấy đã khiến anh không thể khác, phải đến gần chị bằng những tin nhắn để sẻ chia, thăm hỏi mỗi ngày. Cho đến khi anh nói yêu, nói muốn gắn bó với chị, chị chợt sửng sốt và kiên quyết chối từ. Chị kể với anh về hoàn cảnh, bệnh tật của mình và mong rằng hai người hãy chỉ là những người bạn. Nhưng anh kiên trì vô cùng trong việc thuyết phục chị chấp nhận tình cảm của mình. Đó là tình yêu, là khao khát được chở che, được bù đắp, là hạnh phúc khi được mỗi ngày nhìn thấy chị, chăm sóc chị chứ không hề là lòng thương bột phát, nông nổi. Anh nói, anh cũng đã lớn tuổi, đã qua một lần tan vỡ hạnh phúc, hơn ai hết anh hiểu để có được tình yêu và hạnh phúc là khó khăn thế nào, cần gìn giữ, nâng niu ra sao. Chị đã khóc vì tấm lòng của anh, vì điều lớn lao bất ngờ mà mình nắm giữ, vì trái tim mình lại một lần nữa run lên sau bao nhiêu bão giông cuộc đời. Anh mang theo con trai về Vinh, ở căn nhà nhỏ của chị. Mái ấm ríu rít tình yêu thương của hai người đã từng qua những nỗi đau và thấy lại niềm tin của hai đứa trẻ bấy lâu thiếu bố, thiếu mẹ.
Công việc phải đi dài ngày trên đường, có khi hàng tuần mới về nhà đã khiến anh thấp thỏm không yên khi thấy chị yếu hơn. Anh xin nghỉ việc ở nơi làm cũ, về nhà một thời gian để tiện chăm lo cho chị, giúp chị yên tâm với công việc tư vấn, tuyên truyền cho người nhiễm HIV và có nguy cơ lây nhiễm tại Câu lạc bộ Sông Lam xanh. Mỗi ngày, anh dậy sớm, tự tay sắc thuốc cho chị. Mỗi lần chị đi sinh hoạt nhóm đồng đẳng viên đều có anh tham dự. Anh đọc, nghiên cứu rất kỹ về căn bệnh của chị để bàn với chị cách tư vấn cho hiệu quả, đi thay chị những lúc chị ốm đau và quan trọng là để chăm sóc chị tốt hơn. Dạy bảo con trai, bày vẽ cho con gái từng việc nhỏ, mỉm cười hạnh phúc mỗi lần cô con gái riêng của vợ ôm cổ, vòi bố cõng và gọi "bố" đầy thân thương, với anh đó là tất cả. Chị thường đứng nhìn những hình ảnh ấy mà ứa nước mắt tự hào, mà tin vào sự bù đắp là có thực trên đời.
Câu chuyện với anh H, đi từ chỗ dè dặt đã cởi mở hơn khi anh tâm sự những quan niệm sống, quan niệm về tình yêu... của mình. Anh nói, anh chưa bao giờ bị ám ảnh bởi bệnh tật của chị, chưa bao giờ nghĩ tới một khoảng cách nào từ buổi gặp gỡ ban đầu. Anh trân trọng chị vì nhân cách, vì sự vươn lên chiến thắng hoàn cảnh, và yêu chị vì chị cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác có nét đằm thắm, dịu dàng, đôn hậu. Và trong tình yêu, để có được bền vững, với anh, biết hy sinh là điều quan trọng nhất. Anh đang cố gắng để có thể hy sinh cho chị và gia đình, để thấy chị được vui, được khỏe mỗi ngày.
Khi được hỏi về những mong muốn của mình, anh trả lời: "Mong muốn lớn nhất của tôi, là có thể chữa khỏi bệnh cho vợ và con gái. Và một điều nữa là sẽ kiếm được một công việc ổn định tại Vinh để có thể nuôi sống gia đình, một nghề nào đó như vẽ trên gốm, sứ, thợ cơ khí hay lái xe như tôi đã từng làm".