"Lễ hội Làng Sen" là một hoạt động văn hoá có hình thức và nội dung rất phong phú và đa dạng, được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia hưởng ứng. Từ liên hoan nghệ thuật quần chúng với những chủ đề "Hát về Bác Hồ" năm 1981, rồi được nâng lên chủ đề "Tiếng hát Làng Sen" năm 1982 và năm 2005 chính thức mang tên "Lễ hội Làng Sen", đến nay đã tròn 30 năm. "Lễ hội làng Sen", đó là một quá trình phát triển không ngừng về một không gian văn hoá - Văn hoá Hồ Chí Minh.
"Lễ hội Làng Sen", đã góp phần động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần yêu nước, cách mạng, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, có tác dụng tích cực làm cho phong trào văn hoá, văn nghệ của Nghệ An cũng như cả nước phát triển đa dạng, với nhiều hình thức trên nhiều phương diện, như: Sáng tác, biểu diễn, khai thác, phổ biến và giữ gìn các di sản văn hoá, văn nghệ...
Qua "Lễ hội Làng Sen", còn giúp cho chúng ta nâng lên một trình độ chuyên môn và nghiệp vụ về tổ chức một lễ hội, từ đó phát hiện những tài năng nghệ thuật, cán bộ quản lý văn hoá, đề xuất công tác đào tạo, bồi dưỡng... phát triển ngành văn hoá tỉnh nhà nói riêng và của cả nước nói chung.
Lễ rước ảnh Bác từ làng Hoàng Trù sang làng Sen - Ảnh: Sỹ Minh
Đặc biệt, "Lễ hội Làng Sen", có tác dụng to lớn và sâu sắc đến phong trào toàn dân tích cực xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, xây dựng cuộc sống văn hoá trong cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, quê hương, chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta và nhân dân ta, ổn định xã hội, tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế.
Thông qua "Lễ hội Làng Sen", với những nội dung, hình thức nghệ thuật phản ánh phong phú, đa dạng, làm cho mỗi chúng ta cảm nhận sâu sắc về những giá trị văn hoá Hồ Chí Minh, từ đó, mỗi một chúng ta noi gương, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người. Những nội dung "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", mà "Lễ hội Làng Sen" thông qua các hình thức nghệ thuật cần hướng vào, đó là :Những giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng nước ta; tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức của Người. Đặc biệt, những vấn đề đạo đức, lối sống xã hội Việt Nam hiện nay đang trái với đạo đức Hồ Chí Minh cần phải khắc phục.
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục tư tưởng gắn với việc tổ chức "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thông qua "Lễ hội Làng Sen", chúng ta cần phối, kết hợp một cách nhuần nhuyễn về hình thức và phương pháp thể hiện giữa "Lễ hội Làng Sen" và thực hiện các nội dung của việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tạo nên sự phong phú, hấp dẫn làm tăng thêm nhận thức, tình cảm, niềm tin và quyết tâm hành động cách mạng cho mọi người. Thông qua "Lễ hội Làng Sen", với những hình ảnh nghệ thuật sinh động, hấp dẫn về những tấm gương đạo đức của Bác Hồ, giúp cho chúng ta tự soi lại mình, thấy được những ưu đểm, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề ra biện pháp và tự giác thực hiện.
"Lễ hội Làng Sen", đã có bề dày phát triển, thể hiện tính bền vững và nhu cầu khách quan trong quá trình phát triển của lễ hội. Đồng thời đó là cơ hội để cho việc tổ chức "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" thể hiện những nội dung của mình, góp phần làm cho Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị của chúng ta thực sự trong sạch vững mạnh, niềm tin của nhân dân ta vào Đảng và cách mạng ngày càng tốt hơn.
Để làm được điều đó, chúng ta cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện " Lễ hội Làng Sen", tiến tới "Lễ hội văn hoá Hồ Chí Minh", thông qua đó, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị gắn với việc tổ chức thực hiện "Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh". Đây là một hoạt động rất quan trọng, có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, thiết thực, góp phần xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, quê hương, giữ gìn và phát huy chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa.