Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh An Huy (Trung Quốc), gần đây trên thị trường tỉnh này xuất hiện một loại chất phụ gia có tên “Hương liệu thịt bò”, có thể biến thịt lợn thành thịt bò chỉ sau vài phút tẩm ướp.
“Hương liệu vị bò” được chia nhỏ thành túi hoặc đóng hộp, can lớn
Theo các chủ cửa hàng buôn bán chất phụ gia này tại thành phố Phúc Châu, mỗi gói hương liệu thịt bò có giá trung bình khoảng 45 NDT( tương đương 140 nghìn đồng). Hơn thế, không chỉ có vị bò, mà ngay cả vị gà, vịt, cừu…đều có. Giá giao động trong khoảng từ 45 NDT - 50 NDT.
Các chất phụ gia này được chế biến thành dạng kem đựng trong các túi nhỏ hoặc đóng thành lọ hoặc can lớn. Trên bao bì của chất phụ gia đều ghi nơi sản xuất là thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.
Các lái buôn chất phụ gia ở chợ Hợp Phì (thuộc tỉnh An Huy) cho biết, hiện loại chất phụ gia này bán rất chạy, nếu cần mua hàng với số lượng lớn thì phải đặt hàng trước mấy ngày.
Thịt lợn sau tẩm ướp giống hệt thịt bò, khó mà phát hiện được
Công nghệ chế biến thịt lợn thành thịt bò nhờ vào loại phụ gia này khá đơn giản và tiết kiệm chi phí, do giá thịt bò tại đây cao gấp đôi giá thịt lợn. Theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm, chất phụ gia có màu nâu sẫm, cứ 1 gram thịt lợn thành phẩm cần 2-2,5 gram chất phụ gia “hương liệu thịt bò”. Cho chất phụ gia vào tẩm ướp với thịt lợn khoảng 30 thịt lợn chuyển sang màu nâu sậm. Cho loại thịt này vào hầm khoảng 1 giờ đồng hồ là có ngay thành phẩm y hệt thịt bò, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì không thể phát hiện đó là thịt lợn, khi ăn, nó cũng có hương vị bò, giống với vị bò bít tết.
Khi tẩm ướp, thịt lợn biến thành màu vàng sẫm
Công nghệ chế biến thịt lợn thành thịt cừu có chút khác biệt. Thay vì để cả miếng, sau khi đã tẩm ướp hương liệu, thịt cừu được băm nhỏ để nấu thành thịt cừu hầm hoặc thịt cừu viên, khi ăn, khó mà nhận ra đó không phải là thịt cừu.
Cục giám sát chất lượng thực phẩm tỉnh An Huy đã tiến hành kiểm tra chất lượng các loại hương vị đang tràn lan trên các khu chợ tỉnh này. Kết quả kiểm tra cho thấy, thành phần chính trong các loại hương vị là I+G, bột ngọt, axit amin, protein thủy phân…
Hiện vẫn chưa có kết quả chính xác về tác hại của các loại hương liệu này. Tuy nhiên, theo cục này, chất phụ gia hỗn hợp này cũng như một vài loại chất phụ gia được bày bán công khai trên thế giới, đều có chứa nhiều chất bảo quản, sử dụng với lượng nhất định không gây hại cho sức khỏe, nếu hàm lượng sử dụng quá nhiều và trong thời gian dài nhất định có hại cho sức khỏe, thậm chí còn gây ung thư.
Phạm Hằng (Dân trí)
Theo Sina