Áo tơi là vật dụng gắn bó với người dân Việt từ lâu đời. Mỗi một vùng quê đều có những cách chằm, may áo tơi khác nhau. Nhưng có lẽ không ở đâu chiếc áo tơi được làm kỹ như ở xứ Nghệ (Nghệ An và Hà Tĩnh).
Và đặc biệt, cho đến tận ngày nay, dù các vật dụng thay thế chức năng của chiếc áo tơi khá nhiều và không quá đắt đỏ nhưng nhiều người dân ở xứ Nghệ vẫn chằm và sử dụng áo tơi. Đặc biệt, cách chằm và sử dụng nó của người dân ở đây vẫn như hàng ngàn năm trước.
Sức sống vượt thời gian
Nhắc tới áo tơi cổ bây giờ có lẽ ít người hình dung được hình dáng nó ra sao và cũng khó có thể tìm đâu ra chiếc áo tơi xa xưa như thế, vì đã có nhiều loại áo bằng các chất liệu khác tiện lợi hơn thay thế. Người thành phố cũng chỉ biết đến áo tơi trong những bảo tàng văn hóa dân gian. Nó là một vật dụng đã gắn liền với người dân đất Việt ở những thế kỷ trước và hôm nay áo tơi xưa vẫn hiện hữu kiên gan cùng thời gian nơi xứ Nghệ.
Áo tơi cổ xưa vẫn hiện hữu ở những phiên chợ quê xứ Nghệ.
|
Một ngày xuôi theo dòng sông Lam, chúng tôi bắt gặp bóng những ngư dân trong chiếc áo tơi đơn sơ. Cùng với con đò, mái chèo, họ còn có chiếc áo tơi, góp mặt vào cuộc mưu sinh vất vả, nhọc nhằn mà thanh thản. Ở những vùng quê Hà Tĩnh bây giờ, các huyện như Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, áo tơi vẫn có mặt ở các phiên chợ quê như một món hàng để mua, bán.
Vào những ngày hè, người dân xứ Nghệ thường chặt lá tro (ở miền Bắc gọi là lá cọ) chẻ ra nhiều mảnh nhỏ, đem phơi cho già nắng. Để lá thành tơi, người ta đem những mảnh lá tro ấy xếp vào nhau như lợp nhà. Bẻ gập phần cuống xuống, dùng mây dẻo khâu song song thân dưới mấy đường, gọi là chằm (Nơi khâu nón lá, nơi chằm áo tơi - Tố Hữu). Xuyên qua chỗ bẻ gập là vài sợi, cũng là mây, bện xoắn lại. Để có một chiếc áo tơi đẹp, người nông dân thường dùng những chiếc lá may nón nhưng bị già không sử dụng đến. Lớp lá này dùng may tơi lại rất đẹp và bền.
Lá nón già được đặt làm lớp ngoài cùng. Bên trong lót thêm nhiều lớp lá nữa, dày hay mỏng tùy theo ý thích của người may. Một chiếc cọc lớn được đặt giữa nhà, chiếc áo tơi được treo lên. Người may sẽ đan áo từ trên xuống dưới. Lớp lá này chèn lên lớp lá kia, dây mây được xâu vào một chiếc kim lớn đã bị bẻ cong để khâu áo cho dễ hơn. Dùng kéo hoặc dao tỉa tót những thứ còn rườm rà, thế là có một sản phẩm áo tơi theo ý. Việc chằm tơi đơn giản đến nỗi, bất kì cụ già hay phụ nữ đều có thể làm được. Tơi chằm song, được phơi thêm vài nắng, rồi được cuốn lại như lũ sâu kèn, chiếc này ôm lấy chiếc kia thành từng bó năm, mười chiếc. Từ đó, áo tơi rong ruổi khắp chợ cùng quê, thi gan cùng mưa nắng.
Chiếc áo thân thương
Gắn bó thân thiết với cuộc sống của người dân lao động, áo tơi vì vậy mà đi vào cả những câu ca dao lục bát, vào văn hóa dân gian. " Trời mưa thì mặc trời mưa / Chồng tôi đi bừa đã có áo tơi" (Ca dao).
Ngày xưa, ở các đám cưới quê, thường có bài vè áo tơi trong các chương trình văn nghệ. Chẳng ngoa ngôn chút nào và cũng đầy chất hài hước, người hát có thể kể ra ba mươi sáu tác dụng của áo tơi. Trên những cánh đồng xứ Nghệ mùa cấy hái thời hợp tác xã, người ta vẫn thấy những đứa trẻ theo mẹ được đặt trong những tấm chiếu dày êm mát bành ngửa - chính là những chiếc áo tơi.
Là vật dụng được làm ra bởi người nông dân, nên áo tơi thuỷ chung với nhà nông hết mực. Nó là cái áo đúng nghĩa bởi chẳng thể rời xa người ta cả khi đi, đứng, nằm, ngồi. Nguyên một chiếc áo tơi, duỗi ra là chiếc mâm dọn cơm rất dã chiến. Xong bữa đứng lên, giũ tơi đặt xuống lại thành chiếc chiếu. Những trưa hè nóng nực, nhà nhà kéo nhau ra đầu làng hóng gió, những quân bài tam cúc sáu xu được hồ cứng, các bà các chị cứ vật "ten tét" lên chiếu tơi nghe khoái tai không tả nổi. Nhà nông đi thăm ruộng, gặp kỳ ruộng nứt nẻ vì khô hạn, cởi áo tơi ra, rồi cầm lấy hai thân chụm lại, thoắt cái, áo tơi biến thành cái gàu múc nước công hiệu vô cùng. Áo tơi cuốn ngon lành những bó củi tre đầy gai góc để khỏi bị xước cào, có thể gói kín như bưng chút quà cho con trẻ của các bậc phụ huynh sau những buổi hội hè, giỗ chạp. Áo tơi còn là chiếc quạt để quạt thóc khi trời đứng gió. Nhưng chưa hết, với mỗi gia đình nông dân xứ Nghệ, áo tơi lại càng phát huy tận cùng các công năng của nó. Mùa mưa, áo tơi là chiếc máng để xối nước ra ngoài. Còn nhà dột chỗ nào, áo tơi cũ cắt ra từng mảnh nhỏ mà dọi vào, đố còn tìm thấy một giọt mưa. Giữa hè, gặp những cơn giông đột xuất, bằng sự nhanh trí của người nhà quê, áo tơi thành ra cái nón, đậy kín một dãy mấy vại tương cà. Với đàn bà con gái khi giữa đồng, áo tơi quây tròn dựng đứng, cứ thế chui vào mà... tắm. Cái nhà tắm di động ấy lợi hại đến nỗi, giữa thanh thiên bạch nhật, cánh mày râu có muốn nhìn dọc ngó ngang cũng đành chịu. Với nam nữ nông thôn khi cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng, áo tơi lại là một chốn yêu đương lý tưởng. Người ta có thể nghe vọng ra từ áo tơi những tiếng rúc rích cười đùa của từng cặp yêu nhau, nhưng họ yêu ra làm sao, chỉ có... áo tơi mới biết.
Xứ Nghệ mùa hè nóng như ai xúc lửa hất vào nhà. Để đã đời cơn khát, người ta chỉ còn mặc sức uống nước chè xanh. Nhưng, chè vừa hái vào đã héo queo héo quắt. Để giữ cho chè xanh, nhà nhà lại nghĩ đến áo tơi. Tơi rách đem nhúng nước mà đùm chè, đảm bảo ba, bốn ngày sau, lá cành vẫn tươi roi rói. Cái câu "Tơi rách đùm chè" trong dân gian là vậy. Lá tơi khô, xé nhỏ mà nhóm bếp thì đượm chẳng gì bằng. Giữa đồng không mông quạnh mùa gieo mạ trỉa hạt, người ta thường dựng những chú bù nhìn để thị uy. Trong là cái cọc, ngoài là tấm áo tơi cùn, đầu được đội lên chiếc nón cời, tay chú bù nhìn cầm một cái que, cột theo một chùm tua rua cứ phất pha phất phơ trước gió, đố con chim nào bạo gan bén mảng vào mà phá phách...
Có thể nói những làng quê xứ Nghệ trở thành một bảo tàng đặc biệt lưu giữ áo tơi- một vật dụng đặc biệt của người dân Việt. Các giá trị văn hóa dân gian có thể lúc mờ lúc tỏ nhưng vẫn luôn tìm được mạch sống riêng của mình và trường tồn cùng thời gian.
Trong văn chương, áo tơi cũng biểu thị tính cách thảnh thơi của người không mang danh lợi: "Chi bằng cần trúc, áo tơi / Danh cương, lợi tỏa mặc đời đua tranh" (Ca dao ). Áo tơi còn trở thành vật thể hiện tình yêu: "Vô duyên dù bận áo sa / Áo ra đằng áo, người ra đằng người / Có duyên dù bận áo tơi / Đầu đội nón cời (rách), duyên vẫn hoàn duyên", "Lạ chân lối nhỏ đường chiều / Vàng cây lá đỏ mộng xiêu bên trời / Bụi mưa thấm chiếc áo tơi / Lạnh hồn anh đã rã rời theo thu". |