Xây dựng gắn với bảo tồn
Đền Quang Trung được đưa vào sử dụng từ năm 2008. Mùa hè năm 2009, tôi dẫn những người bạn miền Bắc cùng lớp của mình về nhà chơi và đền Quang Trung là điểm đến đầu tiên của chúng tôi. Tôi vẫn nhớ như in rằng trên đường leo bộ lên núi, chúng tôi đã dừng chân rất nhiều lần để ồ lên khi phóng tầm mắt về phía trung tâm thành phố.
Toàn cảnh mặt trước của đền thờ Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: Đình Tuyên |
Thành Vinh như một mô hình thu nhỏ, bình yên và xinh đẹp khi được nhìn từ nơi cao nhất của núi Dũng Quyết. Lên đến đền, cả chúng tôi một lần nữa trầm trồ khi nhìn về dòng Lam uốn lượn bên núi Hồng, mềm mại và lấp lánh trong nắng chiều, xa hơn nữa là biển Cửa Lò với những chấm đảo tí xíu, là những làng mạc bên kia bờ Lam... Với sở trường của sinh viên Mỹ thuật, chúng tôi dành thời gian còn lại của buổi chiều hôm đó để chụp ảnh phong cảnh từ ngôi đền và bình phẩm về kiến trúc của đền. “Ngôi đền có rất nhiều lợi thế để trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Chỉ mong sao sự trùng tu, sửa chữa, xây dựng sau này sẽ không làm mất đi sự cổ kính, trang nghiêm vốn có” – Anh Hoàng Mạnh Hùng, bây giờ là một kiến trúc sư có tiếng ở Hà Nội, đã nói với tôi như vậy.
Nỗi lo đó xuất phát từ việc chúng tôi đã chứng kiến quá nhiều những di tích lịch sử, đền, chùa bị phá hỏng sau khi tôn tạo, phục dựng và xây mới với nhiều chi tiết khập khiễng, không phù hợp. Thật may, cho đến thời điểm này, sau 14 năm với bao lần tôn tạo, sửa chữa, tôi tự hào ngôi đền thờ người anh hùng áo vải Quang Trung vẫn giữ được cho mình vẻ đẹp trang nghiêm, cổ kính, uy nghi vốn có, quy hoạch tổng thể vẫn đảm bảo sự hài hoà, thẩm mỹ, những công trình hoàn toàn ăn nhập với cảnh quan, kiến trúc chung của đền. Thậm chí, với sự phát triển tươi tốt, đa dạng của cây cối xung quanh, bầu không khí ở đây càng thêm trong lành, khác biệt.
Ngôi đền vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, thiêng liêng sau bao lần tôn tạo. Ảnh: Đình Tuyên |
Dẫn tôi tham quan ngôi đền những ngày trước khi diễn ra lễ giỗ lần thứ 230 của Hoàng đế Quang Trung, ông Nguyễn Văn Xuân – Phó ban Quản lý đền chỉ cho tôi những đổi mới của đền những năm gần đây. Từ ban thờ đến lư hương, từ những bức khảm đến những tấm phản, từ cây cối đến những pho tượng… Cái thì được các nhà hảo tâm cúng dường, cái thì được phòng Văn hoá đầu tư, cái do ban quản lý tôn tạo, nhưng tất cả đều hài hoà, chuẩn mực.
Dù có nhiều đổi khác so với trước đây nhưng tổng thể những thiết kế, sắp đặt, bố trí trong đền vẫn đảm bảo tính hài hoà, thẩm mỹ. Ảnh: Đình Tuyên |
“Chúng tôi luôn cân nhắc rất kỹ lưỡng trước mọi sự tôn tạo, xây dựng của đền, từ chi tiết nhỏ đến sự thay đổi lớn. Bên cạnh việc thống nhất, cân nhắc giữa các thành viên ban quản lý, chúng tôi còn tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia trong ngành. Thống nhất ý kiến rồi thì quá trình triển khai cũng cần trách nhiệm, cẩn thận. Ví dụ như những bức tượng quan binh này đã mặc đúng trang phục người Việt xưa hay chưa, những giống cây này bố trí đã hợp lý với cảnh quan xung quanh chưa… Đã có những nhà hảo tâm đề xuất mong muốn được mạ vàng tượng Hoàng đế Quang Trung hay đặt tượng các linh vật như sư tử, tỳ hưu… hàng trăm triệu đồng trong khuôn viên đền, nhưng chúng tôi đều thẳng thắn từ chối vì không phù hợp” – ông Xuân nói.
Lặng thầm dưới những tán cây
Một trong những điểm khác biệt nữa mà đền Quang Trung mang lại cho du khách chính là sự văn minh, tôn nghiêm, sạch sẽ. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy ở đền tình trạng buôn bán lặt vặt, chèo kéo khách hay ăn xin, chăn dắt, xả rác bừa bãi… như nhiều đền, chùa khác. Đến đây, hình ảnh thường gặp nhất là những người dân đi vãn cảnh, tập thể dục mỗi sáng và chiều, những nhóm học sinh, sinh viên tổ chức sinh hoạt ngoại khoá ở điểm dừng chân, những du khách lên dâng hương, tham quan… Các quầy hàng đồ lễ, đồ lưu niệm trong đền đều không có người bán, thay vào đó, du khách tự lấy đồ và để tiền vào thùng theo bảng niêm yết giá. Tất cả tạo nên một bầu không khí trong lành, thân thiện, thư thái. Diện mạo đó đến từ sự tâm huyết, quyết tâm lặng thầm những cán bộ, nhân viên ban quản lý di tích.
Đường lên đền luôn rợp bóng mát và sạch sẽ, là điểm đến yêu thích của người dân thành phố Vinh. Ảnh: Diệp Thanh |
Nếu không được giới thiệu từ trước, tôi sẽ không nhận ra Phan Thuý An - người thuyết minh ở đền Quang Trung khi bắt gặp chị đang quét dọn ở cổng tam quan. Trước vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, An cười: “Ở đây, tất cả mọi người, kể cả trưởng hay phó Ban quản lý đền, đều có thể tự giác đảm nhận công việc quét dọn”. Từ một cô hướng dẫn viên du lịch, An về làm việc ở đây đã 2 năm với mức lương 3,5 triệu một tháng. Trước An, rất nhiều người đã đảm nhận công việc này chọn từ bỏ sau vài tháng thử việc. Là một cô gái trẻ năng động, thông minh, An hoàn toàn có thể có một lựa chọn tốt hơn nhưng An chọn ở lại, sau khi vượt qua những khó khăn ban đầu. “Em ngưỡng mộ các bác, các chú, các anh chị - những người đã làm việc ở đây từ những ngày đầu xây dựng đền. Một cách lặng lẽ, âm thầm, họ dành trọn vẹn tình yêu, tâm huyết để chăm lo cho đền thờ vị anh hùng dân tộc, như thể đây là ngôi nhà thứ 2 của mình. Chính những con người thầm lặng đó đã tiếp cho em động lực, niềm vui để gắn bó với nghề” – An trải lòng.
Anh Ngô Huy Phượng treo cờ, trang hoàng cho ngôi đền trước ngày giỗ lần thứ 230 của Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: Diệp Thanh |
Trong số những người gắn bó từ khi xây dựng đền đến nay, anh Ngô Huy Phượng là người nhà xa nhất. Vợ con sống ở Quỳnh Lưu, mỗi tuần anh chỉ có thể sắp xếp thăm nhà 1 lần. Lý giải sự bền bỉ gắn bó suốt 14 năm qua, anh kể: “Tôi vốn là nhân viên phòng Văn hoá Thành phố Vinh. Khi được phân công về đền, vì yêu cầu công việc phải ở lại thường xuyên, thu nhập lại thấp, tôi từng có ý định đổi việc. Khi đó cha tôi còn sống, ông đã nói với tôi rằng: Đây là một công việc ý nghĩa, số phận đã sắp đặt như vậy thì hãy ở lại làm trọn trách nhiệm của mình”. Vì lời hứa với cha, anh Phượng ở lại, vì những tình cảm gắn bó dành cho ngôi đền ngày một lớn, anh hài lòng, tự hào với lựa chọn đó.
Ông Nguyễn Văn Xuân sắp đặt lại đồ lễ ở quầy hàng tự giác. Ảnh: Diệp Thanh |
“Ở đền có rất nhiều những người lặng thầm cống hiến và làm việc như vậy. Sự thanh thản là giá trị lớn nhất mà chúng tôi nhận được khi làm việc ở đây. Mức lương thấp, cuộc sống chật vật, đường xá xa xôi, nhưng các thành viên luôn tâm niệm mình đang hết mình để gìn giữ, chăm sóc một công trình lịch sử với những giá trị hữu hình không thể nào đong đếm. Có lẽ vì vậy là chúng tôi tìm thấy cho mình những niềm động viên, sự bình an riêng. Chỉ mong sao tình cảm đó có thể được truyền lại cho thế hệ trẻ sau này” – ông Nguyễn Văn Xuân trải lòng.
Đền thờ Hoàng đế Quang Trung là niềm tự hào của người dân thành phố Vinh. Ảnh: Đình Tuyên |
Đền thờ Vua Quang Trung hiện đang lưu giữ nhiều cổ vật lịch sử giá trị. Ảnh: Đình Tuyên |
Toàn bộ ngôi đền được làm bằng gỗ lim. Lối đi, bó vỉa, sân đền được lát đá Thanh Hóa tạo nên vẻ uy nghi, hiện đại nhưng không kém phần cổ kính. Hệ thống vì kèo kết cấu của đền kiểu giá chiêng chồng rường, chạm khắc họa tiết theo phong cách thời Nguyễn. Mái lợp ngói mũi hài, gồm hai lớp: ngói chiếu, ngói cót, nền được lát gạch bát tràng kiểu cổ phục chế từ Hà Tây. Tường xây gạch bát, cửa đi, cửa sổ kiểu bức màn thượng song hạ bản...
Đền thờ Quang Trung được khởi công xây dựng trong thời gian 3 năm, với tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình hơn 22 tỷ đồng, do Công ty cổ phần xây dựng công trình văn hoá thuộc Bộ văn hoá - Thông tin đảm nhận thi công. Đây là 1 trong 36 hạng mục công trình của quần thể di tích lịch sử Lâm viên núi Dũng Quyết.
Ngày mai, ngày 26 tháng 8 năm 2022 (nhằm ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Dần), Thành phố Vinh sẽ long trọng tổ chức Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung lần thứ 230. Lễ giỗ là dịp để chúng ta thành kính tưởng nhớ, cùng nhau ôn lại công lao và sự nghiệp to lớn của vị anh hùng áo vải, một thiên tài quân sự, một vị vua anh minh của dân tộc, cùng ôn lại lịch sử đấu tranh bất khuất, truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, dân tộc ta, đồng thời cũng là dịp để cho các thế hệ con cháu chúng ta cùng cầu nguyện cho Quốc thái, dân an, cầu cho mọi nhà được ấm no, hạnh phúc.
Nguồn báo nghệ an