Ông Trần Thanh Phong (tỉnh Sóc Trăng) đi khám bệnh viêm gan B tại Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 2. Lần đầu, ông được BHYT thanh toán 30% tiền thuốc, khám bệnh và các xét nghiệm. Từ lần khám thứ 2 trở đi ông không được BHYT thanh toán tiền thuốc mặc dù các lần khám bác sĩ đều kê đơn như nhau.
Theo giải thích của bộ phận BHYT tại Bệnh viện thì các loại thuốc này không nằm trong danh mục thuốc BHYT. Ông Phong hỏi, ông cần làm thế nào để được BHYT hỗ trợ thanh toán tiền thuốc?
Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định của Luật BHYT năm 2008, người có thẻ BHYT tự đi khám, chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến hoặc không thực hiện đúng thủ tục KCB thì được quỹ BHYT thanh toán 30% (KCB tại Bệnh viện hạng I), 50% (KCB tại Bệnh viện hạng II), 70% (KCB tại Bệnh viện hạng III) chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi BHYT.
Vì ông Phong không cho biết loại thuốc ông đã sử dụng nên không thể trả lời cụ thể thuốc đó có trong Danh mục thuốc BHYT không. Trường hợp thuốc đó có trong Danh mục thuốc BHYT thì mỗi lần đi KCB, ông sẽ được hưởng 30% tổng chi phí như nêu trên.
Từ năm 2015, thực hiện Luật BHYT sửa đổi, quỹ BHYT chỉ chi trả đối với trường hợp KCB trái tuyến vào điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến Trung ương (chi trả 40%) và tuyến tỉnh (60%).
Như vậy, nếu Bệnh viện tỉnh Sóc Trăng không đủ khả năng điều trị bệnh Viêm gan B, ông Phong có thể đề nghị Bệnh viện chuyển ông lên tuyến trên điều trị để được hưởng chế độ BHYT.
Chinhphu.vn |