Ông Lê Minh (lethuminh06@...) hỏi: Trường hợp người lao động đề nghị tạm nghỉ việc không hưởng lương thì có được đề nghị đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp qua công ty không?
Về vấn đề này, ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu - Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời ông Minh như sau:
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 5, Khoản 1, Điều 91 và Khoản 1, Điều 92 Luật Bảo hiểm xã hội thì nguyên tắc đóng và mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động và người sử dụng lao động như sau:
Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương, tiền công của người lao động.
Hàng tháng, người lao động đóng bằng 5% mức tiền lương, tiền công vào quỹ hưu trí và tử tuất. Từ năm 2010 trở đi, cứ 2 năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 8%.
Hàng tháng, người sử dụng lao động đóng trên quỹ tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của người lao động như sau: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 11% vào quỹ hưu trí và tử tuất; từ năm 2010 trở đi cứ 2 năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 14%.
Tài khoản 2, Điều 3 và Điểm a, Khoản 1, Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế quy định nguyên tắc đóng mức đóng bảo hiểm y tế như sau:
Mức đóng bảo hiểm y tế được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương tối thiểu của khu vực hành chính.
Mức đóng hàng tháng của người lao động, cán bộ, công chức viên chức tối đa bằng 6% mức tiền lương, tiền công tháng của người lao động, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3, người lao động đóng 1/3. Theo quy định hiện nay, mức đóng bằng 4,5% tiền lương, tiền công hàng tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 3%, người lao động đóng 1,5%.
Căn cứ vào các quy định trên, trường hợp người lao động xin nghỉ việc không hưởng lương thì không có căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế cũng không có quy định trường hợp người lao động xin tạm nghỉ việc không hưởng lương được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế qua công ty.
Chinhphu.vn