Phụ lục: 01
MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU HỒ SƠ XIN CẤP PHÉP
CĂN CỨ CẤP PHÉP, NỘI DUNG CẤP PHÉP
1. Mục đích việc cấp giấy phép xây dựng:
1.1. Tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (Sau đây gọi chung là chủ đầu tư) thực hiện xây dựng các công trình nhanh chóng thuận tiện theo quy định.
1.2. Thực hiện quản lý xây dựng theo quy hoạch và các quy định của Pháp luật có liên quan.
1.3. Làm căn cứ để kiểm tra, giám sát thi công, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, lập hồ sơ hoàn công; đăng ký sở hữu, sử dụng công trình theo quy định của pháp luật.
2. Quy định về các công trình xây dựng yêu cầu phải có giấy phép xây dựng, giấy phép xây dựng tạm
2.1. Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp xây dựng công trình sau đây:
Các công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình;
2.2. Giấy phép xây dựng tạm:
a) Việc cấp giấy phép xây dựng tạm chỉ áp dụng đối với những vùng đã có quy hoạch xây dựng (quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 hoặc 1/500) được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện.
b) Quy mô công trình được phép xây dựng tạm là dạng bán kiên cố tối đa 01 tầng (tổng chiều cao công trình không quá 6m) có kết cấu đơn giản, đảm bảo an toàn sử dụng, dễ tháo dỡ khi thực hiện xây dựng theo quy hoạch.
c) Trong nội dung giấy phép xây dựng tạm ghi rõ thời gian được phép tồn tại của công trình, hết thời hạn quy định trong giấy phép xây dựng tạm nếu Nhà nước chưa giải phóng mặt bằng thì công trình được phép tồn tại cho đến khi Nhà nước giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch, khi đó chủ đầu tư phải tự phá dỡ công trình, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế phá dỡ và chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ công trình.
d) Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch áp dụng theo quy định hiện hành; riêng phần xây dựng theo giấy phép xây dựng tạm thì không được bồi thường.
2.3. Điều kiện cấp phép xây dựng công trình trong đô thị thực hiện theo quy định tại Điều 65 của Luật Xây dựng. Quyền và nghĩa vụ của người xin cấp phép xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 68 của Luật Xây dựng.
3. Hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng nhà ở tư nhân gồm:
3.1. Đơn xin cấp giấy phép xây dựng theo biểu mẫu (BM.QLĐT.01.02)
Trường hợp xin cấp Giấy phép xây dựng tạm có thời hạn thì trong đơn xin cấp Giấy phép xây dựng phải có cam kết tự phá dỡ công trình, không yêu cầu bồi thường phần xây dựng theo giấy phép xây dựng tạm khi Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng (BM.QLĐT.01.03).
3.2. Bản cam kết theo biểu mẫu (BM.QLĐT.01.04)
3.3. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất (bản sao có công chứng).
3.4. Hai (02) bộ hồ sơ thiết kế gồm:
- Bản vẽ mặt bằng định vị công trình trên khu đất (trong đó thể hiện được vị trí công trình xây dựng, ranh giới khu đất, lộ giới hoặc chỉ giới xây dựng và các hạ tầng kỹ thuật nếu có).
- Mặt bằng các tầng, mặt cắt, các mặt đứng công trình.
- Mặt bằng, mặt cắt móng công trình.
- Sơ đồ đấu nối kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước mưa, thoát nước thải.
Hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng nhà ở tư nhân đặc thù khác:
Ngoài thành phần hồ sơ được quy định nêu trên thì một số công trình xây dựng nhà ở tư nhân đặc thù khác khi lập hồ sơ xin cấp phép xây dựng cần phải bổ sung thêm:
a. Trường hợp sửa chữa, cải tạo công trình mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng thì hồ sơ xin giấy phép xây dựng phải có ảnh chụp hiện trạng công trình, các bản vẽ hiện trạng thể hiện được mặt bằng các tầng, mặt cắt, mặt đứng và phương án phá dỡ công trình cũ (nếu có); nếu sửa chữa, cải tạo có nâng tầng thì hồ sơ thiết kế phải do tổ chức, cá nhân có năng lực theo quy định của pháp luật lập và được thẩm tra kết cấu công trình, chứng minh đủ điều kiện nâng tầng.
b. Đối với công trình 3 tầng trở lên hoặc có tổng diện tích sàn ≥ 250 m2 thì hồ sơ thiết kế phải do tổ chức, cá nhân có năng lực theo quy định của pháp luật lập.
c. Đối với công trình có tầng hầm, tầng nửa hầm, công trình có độ sâu đáy móng lớn hơn độ sâu đáy móng của các công trình bên cạnh và công trình nhà cao tầng (từ 5 tầng trở lên): Yêu cầu Chủ đầu tư bổ sung biên bản xác nhận hiện trạng (kèm theo ảnh chụp hiện trạng) các công trình lân cận giữa chủ đầu tư và chủ các công trình lân cận đó. Chủ đầu tư phải có văn bản cam kết chịu trách nhiệm đối với việc hư hỏng các công trình liền kề, lân cận nếu nguyên nhân hư hỏng được xác định do thi công công trình mới gây ra.
4. Căn cứ để cấp giấy phép xây dựng:
4.1. Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng do Chủ đầu tư lập.
4.2. Quy hoạch xây dựng đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, các văn bản thoả thuận chuyên ngành của các cơ quan liên quan.
4.3 Khảo sát xây dựng và thiết kế xây dựng công trình được lập, thẩm định và phê duyệt theo quy định của Pháp luật.
5. Nội dung giấy phép xây dựng:
Nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng bao gồm:
5.1 Địa điểm, vị trí xây dựng công trình, tuyến xây dựng công trình.
5.2 Loại, cấp công trình
5.3 Cốt xây dựng công trình.
5.4 Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.
5.5 Bảo vệ môi trường và an toàn công trình.
5.6 Những nội dung khác quy định đối với từng loại công trình.
5.7 Hiệu lực của giấy phép.