Hội Nông dân huyện Tân Kỳ trao đổi với các chủ thể OCOP về việc đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Phúc |
Thực hiện mục tiêu 100% sản phẩm OCOP 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử theo Kế hoạch số 2345 của UBND tỉnh, thời gian qua, các chủ thể OCOP, các ngành và cơ quan chức năng đã triển khai nhiều chương trình, phần việc thiết thực.
Theo đó, các cấp ngành, các địa phương phối hợp với các chủ thể OCOP lựa chọn các sản phẩm đạt yêu cầu để đưa lên sàn thương mại điện tử; các doanh nghiệp bưu chính tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn các kiến thức về thương mại điện tử cho các hộ sản xuất; hỗ trợ kích hoạt tài khoản trên sàn thương mại điện tử và tài khoản thanh toán trực tuyến cho các hộ có nhu cầu đưa các sản phẩm đủ điều kiện. Các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP chủ động đầu tư cải tiến mẫu mã, bắt nhịp nhu cầu chuyển đổi số để đưa các sản phẩm lên sàn…
Cán bộ bưu chính hướng dẫn người dân cách đưa sản phẩm OCOP lên các gian hàng thương mại điện tử. Ảnh: Thanh Phúc |
Theo thống kê của Sở Công Thương, đến hết tháng 6 năm 2022, đã có 63 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử uy tín trên cả nước; thiết lập được 11 gian hàng cấp huyện với 300 sản phẩm lên sàn. Nhờ đó, các sản phẩm OCOP được quảng bá rộng rãi, tiếp cận được nhiều đối tượng và dần mở rộng thị phần, từng bước chinh phục thị trường trong nước và nước ngoài; lượng hàng bán qua kênh online tăng trưởng nhanh...
Tuy nhiên, do khả năng tiếp cận, mức độ nắm bắt công nghệ của các chủ thể OCOP còn hạn chế nên khi giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên sàn còn những tồn tại cần khắc phục. Cụ thể, việc đóng gói sản phẩm đạt chuẩn theo yêu cầu, mẫu mã đẹp, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; chụp ảnh sao cho hấp dẫn; việc phản hồi, tư vấn cho khách cần kịp thời, đảm bảo giao hàng đúng thời gian…
Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua ứng dụng điện thoại thông minh. Ảnh: Thanh Phúc |
Nghệ An hiện có 249 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên, đứng thứ 3 cả nước sau Hà Nội và Quảng Ninh. Các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn cũng như được hưởng lợi từ sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới của Nghệ An. Việc thúc đẩy thị trường tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP là xu thế tất yếu, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng hiện nay./.