| | | | |
Vietnamese
English
DANH MỤC MENU
LIÊN KẾT
THÔNG TIN CẦN BIẾT
BỘ ĐẾM TRUY CẬP
 
Hôm nay: 5,123
Tất cả: 99,758,076
 
 
Bản in
Bóng đá Nghệ An có từ bao giờ?
Tin đăng ngày: 13/4/2021 - Xem: 2162
 
Năm 1921, đội bóng đầu tiên của người Việt ở Vinh mang tên “Lam Thành túc cầu đội”. “Lam Thành túc cầu đội” thường xuyên đá với đội bóng của lính Tây và các đội khác trong thành phố. Đặc biệt, đội cũng “mang chuông đi đánh” tận Thanh Hóa, Nam Định…
 

Ở Việt Nam, bóng đá được cho là đã theo chân những người lính lê dương từ Pháp và các thuộc địa của Pháp đến, vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Năm 1920, Trường Quốc học Vinh (Collegle de Vinh) ra đời. Một năm sau, đội bóng của trường cũng được thành lập. Theo hồi ký của giáo sư Nguyễn Xiển, đây là đội bóng đầu tiên của người Việt ở Vinh. Đội bóng mang tên “Lam Thành túc cầu đội”. Điều thú vị là thành viên đội bóng này hầu hết là những nhân vật sau này lừng danh trên chính trường và khoa học Việt Nam hiện đại, như Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Lợi, Hoàng Xuân Hãn, Đặng Thai Mai...

“Lam Thành túc cầu đội” của Trường Quốc học Vinh, đội bóng đá đầu tiên của người Việt ở Vinh, thành lập năm 1921. Ảnh tư liệu

Hồi ký giáo sư Nguyễn Xiển viết: “Năm 1921, hội bóng đá đầu tiên ở Vinh ra đời lấy tên là “Lam Thành túc cầu đội”. Bây giờ vẫn còn bức ảnh trên đó ta còn có thể nhận ra, xung quanh anh Tôn Quang Phiệt, khăn đóng áo dài, mang cái cặp hội trưởng, là các cầu thủ mặc may-ô quần đùi, trong đó có những người khỏe là Đinh Văn Tường, Trần Văn Thụy, Hoàng Xuân Khang, Phan Tuyên có đủ sức đấu với các cầu thủ lính khố xanh, bên cạnh là các anh nhẹ cân hơn nhưng không kém ham thích như Đặng Thai Mai, Nguyễn Kim Cương, Lợi (Lợi Lù), Sơn (cóc), có cả Hoàng Xuân Hãn là học trò khóa 3”. “Lam Thành túc cầu đội” thường xuyên đá với đội bóng của lính Tây và các đội khác trong thành phố. Đặc biệt, đội cũng “mang chuông đi đánh” tận Thanh Hóa, Nam Định…

Ngoài “Lam Thành túc cầu đội”, ở Vinh lần lượt có tới 5 - 6 đội bóng, như: Candasport của lính Tây; Garder Indigene (áo sọc xanh) của lính khố xanh; ASAT của Nhà máy Xe lửa Trường Thi; Lacomec của ngành Y tế; Corix Rouge (áo sọc đỏ) của Hội Chữ thập đỏ… Trong đó, nổi tiếng nhất là đội ASNA, là đội bóng của Hội Thể dục Nghệ An (ASNA là viết tắt của chữ  “Association sportive Nghe An”, có nghĩa là Hội Thể dục Nghệ An). Đây là đội bóng gần như đại diện chính thức của Nghệ An khi tham gia các giải đấu khu vực và Trung Kỳ. Đội có trang phục áo vàng, quần trắng, nên thường gọi là đội Áo Vàng.

Ở Vinh những năm 1930 có một số sân bóng (dân thường gọi là “bãi”) như sân của Nhà máy Xe lửa Trường Thi, sân bóng sau Ga Vinh, sân Nhà Tằm ở khu vực Cửa Tả… Sân của đội ASNA (thường gọi là bãi Áo Vàng) được coi là sân vận động chính thức của thành phố (Stade municipal Vinh). Sân này ở ngoài thành Nghệ An, khu vực đường Phạm Ngũ Lão, phường Cửa Nam ngày nay. Sân được đắp bằng đất thịt, chưa có hệ thống thoát nước, nên mỗi khi trời mưa sân rất trơn, thậm chí lầy lội.

Trận đấu giữa đội ASNA và Corix Rouge chiều 18/9/1933 đã phải hủy vì mưa, sân lầy, không đá được. Sân này khi đó chưa có khán đài và được bao quanh bằng hàng rào, ban đầu là tre nứa, sau được thay bằng hàng rào sắt. Mỗi khi lễ, hội, hoặc có trận đấu quan trọng, người ta dựng rạp và mượn ghế từ các rạp hát.

Những trận đấu bóng ở đây được bán vé để làm từ thiện. Vé có ghế ngồi trong rạp thường có giá 1 đồng, vé không có ghế ngồi giá 1 hào (0,1 đồng). Nếu so sánh với giá 5 xu 1 cân gạo và đời sống đương thời của người dân thì thấy rằng, vé xem bóng đá thời bấy giờ là khá đắt. Một số trận đấu đưa tin trên báo chí là đã thu được số tiền bán vé từ 250 đến gần 400 đồng. Tính ra đã có từ 2.000 - 3.000 khán giả đến xem các trận đấu. Với dân số Vinh thời đó chỉ trên dưới 2 vạn người, điều này chứng tỏ người dân Nghệ An đã rất hâm mộ bóng đá.

Một số trận bóng đá những năm 1930. Ảnh trên báo Thanh Nghệ Tịnh tân văn.

Cho đến những năm 1940 tên gọi “bóng đá” vẫn chưa thịnh hành, mà thường gọi là “bóng tròn”. Đội bóng cũng thường được gọi là “Hội bóng tròn”. Cầu thủ thường được gọi là “tướng”, “chiến tướng”, “cầu tướng”. Tương tự các vị trí trên sân cũng có nhiều cách gọi khác ngày nay, như “hậu tập” để chỉ hậu vệ; “trung ứng” là tiền vệ tấn công; “trung ương tiền đạo” là “trung phong”… Không chỉ chưa có các đội bóng chuyên nghiệp, mà lực lượng trọng tài cũng là nghiệp dư. Thậm chí một số giải đấu còn sử dụng thủ quân của các đội làm trọng tài. Điều 9, Điều lệ giải bóng tròn hạng Nhì Bắc Trung Kỳ, tổ chức tại Vinh tháng 9 năm 1933 quy định: “Các thủ quân của các hội đều được cử làm trọng tài, nhưng không được cầm còi thổi cho hội mình tranh đấu với hội khác”.

Về thời gian mỗi trận đấu cũng không cố định trong 90 phút, mà có thể “du di” chút ít theo thực tế. Trận giao hữu tranh Cúp “Lê Đỗ” giữa đội ASNA và Đà Nẵng ngày 17/4/1933, hết 2 hiệp vẫn có tỷ số 2-2, hai đội đã nghỉ, nhưng ban tổ chức thấy trời còn sáng (khi đó sân chưa có đèn) nên yêu cầu đá thêm 20 phút nữa để phân thắng bại. 

Những năm 1930, ngoài các giải đấu chính thức còn có rất nhiều giải thể thao và bóng đá do các doanh nghiệp (như SIFA, Xe lửa Trường Thi), các doanh nhân (như Lê Viết Lới, Kỳ Sung Thúc,…), các quan chức (như Tổng đốc Nguyễn Khoa Kỳ, dân biểu Trần Bá Vinh…) đứng ra tổ chức, hoặc treo giải thưởng. Vì vậy, phong trào thể thao và bóng đá thời kỳ này ở Vinh phát triển khá rầm rộ.

Trên báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn những năm 1930 hầu như tuần nào cũng có bài và ảnh tường thuật các trận thi đấu bóng tròn giữa các hội với nhau. Những năm 1930 thường xuyên có các trận giao hữu bóng đá giữa các đội của Nghệ An, nhất là ASNA và các đội của Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Thanh Hóa, Hà Nội và Hải Phòng. Đội ASNA của Nghệ An đã nhiều lần tham gia các giải đấu chính thức của Trung Kỳ và vào sâu trong giải. Tuy nhiên, mặc dù có một số hảo thủ tham gia đội tuyển Trung Kỳ, nhưng bóng đá Nghệ An thời kỳ này chưa có thành tích cao ở Trung Kỳ.

Mặc dù chỉ là nghiệp dư, nhưng bóng đá Nghệ An thời thuộc Pháp cũng nổi lên nhiều gương mặt được coi là “hảo thủ”. Có thể kể đến những cầu thủ như Khánh (tiền đạo, thủ quân của ASNA, tham gia đội tuyển Trung Kỳ); Trí Sùi (trung ứng) của ASNA; Urini (thủ môn của ASNA); A Quang, Rinh, Nhu, Nghĩa (đội Commete)… Báo chí cũng nhắc đến bộ 3 tiền đạo (tam phong) Thụ, Tịch, Được của ASNA đã làm mưa, làm gió trên các sân cỏ đương thời.

Màu áo vàng của đội bóng SLNA hiện nay được duy trì từ đội bóng của Hội Thể dục Nghệ An cách đây gần 100 năm. Ảnh tư liệu: Bá Tuấn

Tuy nhiên, cầu thủ nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn nhất thời thuộc Pháp ở Nghệ An là danh thủ Trần Xuân, quê Nam Định, đi lính cho Pháp, nhưng vì đá bóng giỏi nên được tuyển vào đội Olympique Hải Phòng. Sau giải ngũ, năm 1941, ông cùng vợ vào Vinh mở quán cơm buôn bán. Vốn là một cầu thủ có danh tiếng trước đó, về Vinh lần này Trần Xuân như được tái sinh và thăng hoa, anh được đội Corix Rouge mời về. Một thời gian ngắn sau, đội Corix Rouge và một vài đội khác được nhập vào ASNA và danh thủ Trần Xuân trở thành Đội trưởng đội Áo Vàng trứ danh. Mặc dù tuổi đã khá cao, nhưng 2 năm liền (1942 và 1943), Trần Xuân vẫn được tham gia và thi đấu xuất sắc trong đội tuyển bóng đá Trung Kỳ dự giải bóng đá Đông Dương, mang tên Thống chế Petain. Sau này ông Trần Xuân là Phó ty Thể dục, thể thao Nghệ An, người có công xây dựng nền móng cho bóng đá Nghệ An hiện nay.

Không chỉ là một thú chơi, một môn thể thao, bóng đá còn là nơi thể hiện, trui rèn bản lĩnh và bản sắc của con người xứ Nghệ. Thiết nghĩ, 100 năm bóng đá Nghệ An cũng là một sự kiện cần và nên có hình thức kỷ niệm phù hợp!

  Các bài mới:
Nghệ An tổ chức Đại hội Liên đoàn Quần vợt nhiệm kỳ 2023 - 2028(15/4/2023)
BHXH Việt Nam bổ sung tính năng hiển thị thời gian chưa đóng BHXH, BHTN trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”(16/3/2023)
Tham gia BHYT trước 01/7/2023: Người dân không phải đóng bù phần chênh lệch do tăng lương cơ sở(24/2/2023)
PHAN BỘI CHÂU - TẦM NHÌN VƯỢT THỜI ĐẠI(27/1/2023)
Diễn biến “nóng” vụ Xuân Bắc viết status "Cái tát của mẹ"(27/1/2023)
Lập xuân 2023 là ngày nào?(27/1/2023)
Lễ kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Nghệ An(27/1/2023)
Nghệ An: 129 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý dịp Tết(27/1/2023)
  Thể thao:
Nghệ An tổ chức Đại hội Liên đoàn Quần vợt nhiệm kỳ 2023 - 2028 (15/4/2023)
Huấn luyện viên Mano Polking: ‘Ông Park đã làm được nhiều điều, giúp bóng đá Việt Nam phát triển’ (17/1/2023)
Huấn luyện viên Park Hang-seo: ‘Tôi xin lỗi người hâm mộ Việt Nam’ (17/1/2023)
HLV Park Hang-seo: Tôi tự hào về các học trò của mình (10/1/2023)
Dễ dàng đánh bại Myanmar, Việt Nam giành vé vào bán kết AFF Cup 2022 (4/1/2023)
Sông Lam Nghệ An sẽ sử dụng đội hình nào trong mùa giải mới 2023? (4/1/2023)
Tín hiệu vui cho sự phát triển của bóng bàn Nghệ An (28/12/2022)
NÓNG: U21 Sông Lam Nghệ An bị loại khỏi vòng chung kết U21 Quốc gia (22/12/2022)
Phan Văn Đức trở lại luyện tập, sẵn sàng cho trận ra quân tại AFF Cup 2022 (20/12/2022)
Hành trình của bóng đá Nghệ An tại Đại hội Thể thao toàn quốc (12/12/2022)
THÔNG TIN CẦN BIẾT
Lịch công tác UBND
Văn bản pháp quy
Văn phòng điện tử
Dịch vụ công trực tuyến
Album ảnh Nghệ An
Truyền hình TP Vinh
Liên hệ - Góp ý
Phiên bản Mobile
TRUYỀN HÌNH TP VINH
Loading the player...
LIÊN KẾT WEBSITE
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: [email protected]
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh


Thiết kế Website