Hoạt động mua bán giấy chuyển viện, chuyển tuyến diễn ra trước Bệnh viện HNĐK tỉnh. Ảnh: Thế Sơn
Ông N.V.C ở huyện Yên Thành, đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh: Rất vất vả để được chuyển tuyến
Ông N.V.C - huyện Yên Thành.
Tôi cung cấp thông tin cho các anh nhà báo với điều kiện không được đưa tên, tuổi và hình ảnh của tôi lên. Bởi cung cấp rồi các anh có thể đến nói với Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành phải làm thế này, thế kia cho tốt hơn được không hay khi tôi quay về lại phải gặp phiền hà.
Tôi bị đau đầu kinh niên. Nhiều lần đến Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành điều trị. Bệnh không thuyên giảm mà xin chuyển tuyến thì họ không cho đi và một hai cứ "giữ lại mươi dăm bữa", hết đợt này đến đợt khác.
Để được chuyển lên Bệnh viện HNĐK tỉnh điều trị, tôi phải rất vất vả, qua “cò” khám chữa bệnh ở Bệnh viện 115, rồi mới chuyển qua đây. Thực ra nếu tôi muốn ra Hà Nội điều trị thì “cò” cũng giúp được... Các anh muốn tìm hiểu thực trạng “cò” mua bán giấy chuyển tuyến sôi động như thế nào thì buổi sáng đến trước cổng Bệnh viện 115 và Bệnh viện HNĐK tỉnh sẽ rõ.
Tìm hiểu thực tế của phóng viên, vào buổi sáng, khu vực trước Bệnh viện 115 và Bệnh viện HNĐK tỉnh, tập trung khá nhiều “cò” hoạt động mua bán giấy chuyển tuyến. Người có nhu cầu chuyển không cần đi tìm “cò” mà các đối tượng này sẽ tự tìm đến “mời chào”. Người bệnh chỉ cần có chứng minh thư, thẻ BHYT và tiền là sẽ có ngay giấy chuyển tuyến trong vòng 1 ngày. Giấy chuyển tuyến ra tuyến trung ương được “cò” ra giá từ 3-4,5 triệu đồng; từ bệnh viện tuyến huyện lên tuyến tỉnh thì “cò” làm giúp với giá vài trăm ngàn đồng.
Ông Thái Bá Thắng - Trưởng phòng Giám định Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nghệ An: Cơ sở khám chữa bệnh hoàn toàn chịu trách nhiệm
Ông Thái Bá Thắng - Trưởng phòng Giám định Bảo hiểm Y tế - BHXH Nghệ An.
Việc chuyển tuyến đã được quy định rõ trong Luật Bảo hiểm Y tế và Nghị định 146 của Chính phủ. Chuyển tuyến ở đây được hiểu là khi tình trạng bệnh vượt quá khả năng chuyên môn thì cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới có trách nhiệm chuyển người bệnh lên tuyến trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh khám chữa bệnh BHYT.Trách nhiệm chuyển tuyến cho người bệnh là trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh. Trực tiếp là những cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ khám và điều trị cho người bệnh. Trong quá trình khám chữa bệnh, cán bộ y tế sẽ đánh giá được khả năng, tiên lượng được tình trạng người bệnh, từ đó đưa ra quyết định để bệnh nhân ở lại điều trị hay chuyển lên tuyến trên.
Ông Thái Bá Thắng - Trưởng phòng Giám định Bảo hiểm Y tế - BHXH Nghệ An. |
Bác sĩ Nguyễn Hồng Trường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh: Mua bán giấy chuyển viện, chuyển tuyến xảy ra tại các cơ sở y tế quản lý lỏng lẻo
Bác sỹ Nguyễn Hồng Trường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Vinh.
Việc xuất hiện “cò”, mua bán giấy chuyển viện, chuyển tuyến đó là một điều không thể chấp nhận được. Nếu xuất hiện tình trạng này thì các cơ sở khám chữa bệnh phải xem lại góc độ quản lý. Vì để có một tờ giấy chuyển tuyến thì không phải người ngoài mà cán bộ nhân viên y tế, thậm chí cả lãnh đạo cơ sở y tế xác nhận, ký vào. Cơ sở khám chữa bệnh cần rà soát lại ở đâu đó đang quản lý lỏng lẻo, chưa có sự quán triệt chặt chẽ và nghiêm túc trong vấn đề chuyển tuyến.
Tôi nghĩ, với những loại bệnh chắc chắn vượt quá khả năng thì cơ sở khám chữa bệnh phải chuyển tuyến đã đành, nhưng khi có những vấn đề người bệnh chưa hài lòng do cơ sở khám chữa bệnh chưa đáp ứng và người bệnh yêu cầu chuyển tuyến thì cơ sở khám chữa bệnh phải sẵn lòng chuyển tuyến. Tuyệt đối không được vì bất cứ lý do gì gây phiền hà, giữ bệnh nhân làm ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. Để giữ người bệnh, cơ sở y tế cần phải làm những gì tốt nhất cho người bệnh để họ hài lòng và ở lại điều trị hoàn toàn tự nguyện.
Nếu cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh mua, bán giấy chuyển viện, chuyển tuyến thì chúng tôi cho nghỉ việc ngay mà không cần họp hội đồng kỷ luật vì cán bộ, nhân viên y tế đã vi phạm quá nghiêm trọng về tư cách đạo đức người thầy thuốc.
PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An: Kiên quyết kỷ luật ngay những cán bộ vi phạm.
PGS. TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An.
Về mặt quan điểm, Sở Y tế Nghệ An lên án những hành vi, vi phạm của những cán bộ, cơ sở y tế có tình trạng mua bán giấy chuyển tuyến. Một cán bộ y tế nếu yếu, kém về chuyên môn và nghiệp vụ thì có thể bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ. Còn nếu mua bán giấy chuyển tuyến, gây phiền hà cho người bệnh đó chính là vi phạm về y đức, không thể chấp nhận. Sở Y tế Nghệ An sẽ làm nghiêm, kỷ luật đến nơi đến chốn những cán bộ, lãnh đạo nào có tham gia. Và bản thân Giám đốc Sở Y tế sẽ chịu trách nhiệm với quyết định kỷ luật đó.
Với mỗi vi phạm được phát hiện, Sở Y tế sẽ giao cho các cơ sở y tế thực hiện quy trình thi hành kỷ luật theo đúng phân cấp hay phân quyền tự chủ. Nếu cơ sở y tế có nhân viên vi phạm không làm nghiêm thì bản thân ngành Y tế sẽ họp hội đồng kỷ luật để kỷ luật.
Sở Y tế Nghệ An cảm ơn Báo Nghệ An đã có bài viết phản ánh tình trạng “cò”, mua bán giấy chuyển viện. Trên cơ sở này, Sở Y tế đã xây dựng văn bản chỉ đạo tất cả các đơn vị khám chữa bệnh rà soát, chấn chỉnh tình trạng này.