Chỉ thị yêu cầu xây dựng phương án bố trí, sắp xếp nhân sự khi sáp nhập các Chi cục Thuế đảm bảo rõ ràng, công khai, minh bạch khi triển khai thực hiện tránh gây hoang mang cho công chức và người lao động; gây mất đoàn kết trong nội bộ đơn vị ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện kế hoạch chung trong toàn ngành và việc thực hiện nhiệm vụ được giao của đơn vị.
Chỉ thị nêu rõ phương hướng lựa chọn, bố trí lãnh đạo các Chi cục khi sáp nhập “phải có nguyên tắc, tiêu chí rõ ràng, đảm bảo quyền lợi cho công chức theo quy định”.
|
Số lượng chi cục thuế sẽ giảm 1 nửa.
|
Cụ thể, Chỉ thị yêu cầu dừng việc bổ nhiệm mới công chức lãnh đạo cấp Chi cục và tương đương thuộc các Cục Thuế và cấp Đội thuộc các Chi cục Thuế trên toàn quốc để ưu tiên cho việc sắp xếp công chức lãnh đạo thuộc Chi cục Thuế khi triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp, sáp nhập các Chi cục Thuế đã được phê duyệt;
Đối với cấp trưởng (Chi cục trưởng, Đội trưởng), ưu tiên bố trí các chức danh tương đương trong đơn vị. Trong trường hợp không thể bố trí các chức danh tương đương thì xem xét bố trí vị trí cấp phó tại các bộ phận phù hợp và được ưu tiên xem xét bổ nhiệm cấp trưởng khi đơn vị có nhu cầu.
Đối với cấp Phó (Chi cục Phó và Đội phó), Bộ Tài chính lường trước khả năng trong thời gian thực hiện việc sắp xếp, số lượng cấp phó của các Chi cục Thuế do sắp xếp, sáp nhập có thể trước mắt cao hơn so với quy định. Khi có cấp phó nghỉ hưu hoặc Điều chuyển công tác thì không được bổ sung (kể cả đối với các Chi cục Thuế chưa tiến hành sắp xếp và các Phòng thuộc Cục); đồng thời phải có giải pháp, kế hoạch điều chuyển, sắp xếp lại số lượng cấp phó đảm bảo theo quy định kể từ ngày sáp nhập các Chi cục Thuế.
“Trường hợp điều chuyển công chức lãnh đạo giữ chức vụ thấp hơn thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo quy định của pháp luật”, Bộ Tài chính yêu cầu.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đặt nhiệm vụ xem xét hỗ trợ đối với các trường hợp công chức tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo quy định nhằm khuyến khích công chức và người lao động tự nguyện nghỉ và đảm bảo quyền lợi cho những đối tượng này.
Việc giảm số lượng chi cục thuế sẽ nảy sinh vấn đề về trụ sở, tài sản sau khi sáp nhập. Cho nên Bộ Tài chính yêu cầu rà soát, xây dựng phương án tiếp nhận, bàn giao các tài sản, cơ sở vật chất của các Chi cục dự kiến sáp nhập để tiếp tục sắp xếp, quản lý và sử dụng hiệu quả tránh lãng phí, thất thoát tài sản khi đưa vào khai thác, sử dụng.
“Khẩn trương rà soát các quy trình nghiệp vụ, hạ tầng công nghệ thông tin tại các Chi cục Thuế có kế hoạch sáp nhập để kịp thời có phương án Điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới, tránh để ách tắc làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của Chi cục Thuế khu vực”, Bộ Tài chính nêu rõ.
Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 520/QĐ-BTC về việc phê duyệt Kế hoạch sắp xếp, sáp nhập Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành Chi cục Thuế khu vực thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Tài chính đặt ra mục tiêu từ nay đến cuối năm 2020 đảm bảo mục tiêu giảm tối thiểu 50% tổng số các chi cục thuế hiện có trong toàn ngành.
Cụ thể: Năm 2018 thực hiện sắp xếp lại 327 chi cục thuế quận, huyện, thị xã thuộc 63 cục thuế thành 154 chi cục thuế khu vực (giảm 173 chi cục). Trong đó, thực hiện ghép 192 chi cục thuế thành 90 chi cục thuế khu vực (giảm 102 chi cục), hoàn thành trước 1/7/2018; thực hiện ghép 135 chi cục thuế quận, huyện, thị xã thành 64 chi cục thuế khu vực (giảm 71 chi cục), hoàn thành trước 1/9/2018.
Đến năm 2019, thực hiện sắp xếp lại 53 chi cục thuế quận, huyện, thị xã của 63 cục thuế thành 25 chi cục thuế khu vực (giảm 28 chi cục). Năm 2020 thực hiện sắp xếp lại 168 chi cục thuế quận, huyện, thị xã của 63 cục thuế thành 78 chi cục thuế khu vực (giảm 90 chi cục).
Nguồn: Vietnamnet