Tốt nghiệp khoa Thư viện Trường Đại học Văn hóa, tôi trở về công tác tại Thư viện tỉnh. Ban đầu tôi làm thủ thư, xử lý sách, phụ trách phòng bạn đọc, xây dựng phong trào cơ sở,… Dần dần, tôi tiếp cận và gắn bó lâu dài với công tác dư địa chí, sưu tầm tư liệu và viết sách về lịch sử địa phương. Chính công việc đã đưa tôi đến với niềm đam mê sưu tầm cổ vật và thu thập những cứ liệu quan trọng về các thời kỳ lịch sử của mảnh đất Nghệ Tĩnh.
|
Ông Đào Tam Tỉnh bên những cổ vật trong phòng trưng bày. Ảnh: P.T |
Một lần, trong lúc đang đọc tài liệu, tôi được biết nước Pháp là trung tâm lớn nhất về tiền cổ Việt Nam và bảo tàng tiền tệ Việt Nam đặt trong Thư viện Quốc gia ở Paris. Thông tin đó khiến tôi trăn trở suy nghĩ. Tại sao những đồng tiền cổ ấy lại không có ở Việt Nam hay nước nào ở Đông Dương? Làm thế nào để có thể lưu giữ những đồng tiền quý hiếm ấy ngay tại đất nước mình? Và tôi quyết tâm bắt đầu một hành trình mới để thực hiện những điều băn khoăn ấy: tìm kiếm những đồng tiền cổ.
Tôi đến những đại lý mua bán phế liệu, dò hỏi và lượm lặt trong đó những đồng tiền đã xỉn màu, hoen gỉ. Ban đầu mọi việc không mấy thuận lợi, bởi tiền cổ bây giờ khá hiếm và người dân cũng không quan tâm nhiều đến việc lưu giữ nó. Thế nhưng khi tìm được đồng tiền nào đó, tôi mừng rỡ, những mệt mỏi dường như tan biến hết. Đêm đến, tôi chong đèn ngồi ngắm nghía chúng đến tận khuya, tìm hiểu ý nghĩa, nội dung những ký tự ghi trên đồng tiền. Tìm sách đọc chưa đủ, tra cứu internet vẫn chưa rõ, tôi bèn mang những đồng tiền cổ ấy đến một số nhà nho thông thạo chữ Hán. Quả thực, khi được các cụ giải mã ký tự, tôi đã hiểu rằng ở trên mỗi đồng tiền đều chứa đựng kho tàng lịch sử, văn hóa phong phú. Không chỉ đa dạng trong các kiểu chữ mà từng thời kỳ lịch sử, từng chất liệu đều có kiểu in, hình dáng và kích thước của đồng tiền khác nhau. Nó gắn với từng vị vua, từng triều đại và niên đại nhất định, cho ta biết được sự biến động của lịch sử. Từ đó, tôi say mê, thích thú và khao khát tìm được nhiều cổ vật hơn nữa. Từ chiếc ấm đồng thời nhà Trần, bình gốm thời Phùng Nguyên, chiếc rìu đá có niên đại cách đây hàng ngàn, hàng vạn năm cho đến những thư tịch cổ còn sót lại trong dân gian, hễ nghe tin ở đâu có là tôi tìm đến. Đồng lương công chức ít ỏi không đủ để tôi có thể mua được nhiều món đồ quý giá, nhưng cũng có lúc nhìn những cổ vật đứng trước khả năng bị thất lạc, tôi đành bán những vật dụng của bản thân để gom góp tiền chuộc lại. Vợ con vẫn thường nhắc khéo tôi sao nỡ dùng tiền thật để mua những món đồ không còn giá trị sử dụng, thế nhưng với tôi, những món đồ ấy có giá trị lớn lao không chỉ với quá trình nghiên cứu của mình mà còn là nơi lưu giữ, là tiếng nói, là hồn cốt của dân tộc trong quá khứ.
Trong dân gian nay vẫn còn có nhiều sách cổ, được con cháu đời sau lưu giữ như vật gia bảo tổ tiên truyền lại. Trong số đó, có cuốn truyện Kiều bằng chữ Nôm được tìm thấy trong một gia đình ở xã Thanh Xuân (huyện Thanh Chương). Hoặc những tài liệu quý giá như bộ Mộc bản mà cụ Trần Hiêng ở xã Công Thành (huyện Yên Thành) đã tặng lại cho thư viện tỉnh. Đó là những cổ vật rất đáng quý, hé mở nguồn tư liệu quan trọng để các nhà sử gia làm sống lại lịch sử dân tộc.
Tôi đã từng đến các thôn xóm, gặp các cụ già trong làng, tìm kiếm những di chỉ theo lời kể của các cụ và dò hỏi về những cổ vật còn sót lại, từng lặn lội khắp mọi nơi, tìm đến những nơi bán đồ cổ để mong có được những hiện vật. Quãng thời gian ấy cũng ngót nghét ba chục năm trời. Bây giờ, khi đã về hưu, tôi có nhiều thời gian hơn cho việc tìm tòi và nghiên cứu những cổ vật mà mình đã sưu tầm. Bộ đồng xu với đủ các loại từ thời Đinh Tiên Hoàng đến thời vua Bảo Đại, bộ tiền giấy từ khi có Ngân hàng Đông Dương rồi sau này nước ta có Ngân hàng Nhà nước, và rất nhiều những hiện vật khác…Càng nghiên cứu, càng khám phá, những phát hiện mới mẻ trong cổ vật xưa cũ lại thôi thúc tôi phải ghi chép lại những điều ấy để thế hệ sau hiểu và biết về lịch sử. Thế là tôi viết sách, viết về lịch sử địa phương với những phong tục tập quán, văn hóa thường nhật của con người Việt Nam, con người Nghệ Tĩnh qua các thời kỳ. Những cuốn sách như: “Tác gia Nghệ Tĩnh”, “Danh sĩ vịnh Kiều”, “Câu đối xứ Nghệ”, “Bóng thi nhân”, “Kênh nhà Lê - lịch sử và huyền thoại”, “Tìm trong di sản Văn hóa xứ Nghệ”,... là những đứa con tinh thần mà tôi đã chắt lọc và nghiên cứu trong suốt những năm tháng đắm hồn mình vào lịch sử.
Thời gian rảnh rỗi, tôi tham gia sinh hoạt trong Chi hội Di sản văn hóa cổ vật sông Lam và đến với chợ trao đổi cổ vật thường được tổ chức vào sáng chủ nhật ở Thành phố Vinh. Ở đó, tôi gặp những con người cùng chung sở thích, chiêm ngưỡng những cổ vật ở nhiều triều đại khác nhau, được sưu tầm từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Bởi cái đam mê đã ngấm vào máu thịt nên khoảnh khắc được biết thêm chút ít về cổ vật ấy, nó sung sướng và tuyệt vời lắm.
Mỗi lần vào căn phòng nhỏ mà tôi trưng bày hiện vật, lịch sử và cuộc sống thường nhật của dân tộc ta thuở trước như hiện về, rõ mồn một trong tâm trí. Tôi vẫn thầm ước ao mình có thể xây dựng được một bảo tàng cổ vật để thế hệ đời sau có thể cảm nhận được sự quý giá của những đồng tiền nhỏ bé bằng đồng, thấy cái độc đáo của "tiền Tài chính" Cụ Hồ, chiêm ngưỡng những đường nét hoa văn phong phú tinh xảo trên các loại cổ vật xưa. Còn hiện tại, mỗi ngày được đàm đạo chén trà với các bậc cao niên, bình phẩm với nhau về những món đồ cổ, trầm trồ trước bản sắc văn hóa Việt thời kỳ trước, thế là đủ dư vị và thú vui khuây khỏa tuổi già.
Phương Thảo
(Ghi theo lời kể của ông Đào Tam Tỉnh, nguyên Giám đốc Thư viện Nghệ An)