Trong suốt 15 năm qua, nhờ chủ động, sáng tạo trong công tác triển khai thực hiện, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn TP Vinh ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành phong trào rộng lớn tạo khí thế thi đua sôi nổi, toàn diện trên các lĩnh vực. Tính hiệu quả và sức lan tỏa của các chương trình trong phong trào đã góp phần xây dựng cơ sở vững mạnh, góp phần to lớn vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Khối Tân Phúc phường Hưng Dũng là khối đầu tiên được TP Vinh công nhận danh hiệu khối văn hóa vào năm 1998. Suốt gần 17 năm qua khối Tân Phúc luôn giữ vững và phát huy hiệu quả danh hiệu khối văn hoá. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động và sự đồng tình hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong các tầng lớp nhân dân mà đến nay khối không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm hơn 60%; từng hộ gia đình nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, thường xuyên làm sạch đường phố, ngõ hẻm, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ tốt các công trình văn hóa trên địa bàn.
Ông Nguyễn Quý Điều- Bí thư chi bộ khối Tân Phúc- phường Hưng Dũng- TP Vinh: “Phát huy truyền thống cách mạng nhân dân Tân Phúc luôn đoàn kết nhất trí xây dựng tất cả các phong trào, nhất là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cho nên hàng năm các chỉ tiêu, pháp định nhà nước được bà con hưởng ứng nhiệt tình”
Thời gian qua, xây dựng khối, xóm văn hóa đã trở thành nguyện vọng thiết thực của cả cộng đồng dân cư và là mục tiêu quan trọng của chính quyền địa phương. Các phường, xã đã quan tâm đầu tư đúng mức kịp thời về cơ sở vật chất như nhà văn hoá, sân chơi bãi tập, trang thiết bị văn hoá như âm thanh loa máy, tủ sách khối xóm, xây dựng phong trào quần chúng, kiện toàn các tổ chức chính trị xã hội, hoàn thiện tiêu chuẩn khối, xóm văn hóa. Việc xây dựng, khối, xóm văn hoá trên địa bàn Thành phố đã đi vào cuộc sống. Nghị quyết Đảng bộ các phường, xã đều đưa ra chỉ tiêu phấn đấu xây dựng khối, xóm văn hoá, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, Thành phố đã có 260 khối, xóm đạt danh hiệu văn hóa. Chất lượng các khối, xóm đạt danh hiệu văn hoá ngày một nâng lên, Việc tổ chức đón nhận danh hiệu khối, xóm văn hoá hàng năm đã thực sự trở thành ngày hội của toàn dân.
Cùng với phong trào xây dựng khối, xóm văn hóa thì phong trào xây dựng và công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa trong các cơ quan nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp đã được Liên đoàn lao động triển khai, tổ chức thực hiện bải bản, chất lượng. Các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước đã xây dựng tiêu chuẩn cơ quan, đơn vị văn hóa gắn với việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Năm 2000 chưa có cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa thì đến 2015 đã có 57 trường học, 53 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đơn vị đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 55% trên tổng cơ quan trực thuộc liên đoàn lao động thành phố quản lý.
Thầy Nguyễn Duy Nam- Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam - Hàn Quốc: “Trường chúng tôi đã xây dựng cơ sở môi trường văn hóa để phục vụ công tác giảng dạy. Xây dựng môi trường văn hóa làm việc thân thiện giữa giáo viên và học sinh góp phần nâng cao chất lượng làm việc”
Trong thời gian gần đây, TP Vinh đã tập trung xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn, phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Phong trào đã được phát động rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Từ năm 2012 đến nay đã có 3 xã được công nhận là Hưng Dũng, Nghi Liên và Hà Huy Tập. Trong đó, xã Nghi Liên năm 2013 tiếp tục giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa Xây dựng NTM. Cùng với huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất NTM, xã đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “TDĐKXDĐSVH”, tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh các hoạt động xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, nâng cao nhận thức của người dân, góp phần tăng cường đoàn kết các mối quan hệ nông thôn, thúc đẩy phát triển sản xuất, văn hóa xã hội.
Ông Hoàng Văn Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Liên- TP Vinh: “Được sự quan tâm của cấp ủy đảng chính quyền, sự đồng thuân của nhân dân nên công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa ở Nghi Liên đạt kết quả cao. Các phong trào văn hóa quần chúng được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình”
Để góp phần xây dựng văn đời sống văn hóa cơ sở, TP tập trung xây dựng gia đình văn hoá với các tiêu chuẩn bình đẳng, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Việc bình xét công nhận danh hiệu từng bước được tổ chức công khai, dân chủ, đúng quy trình, đảm bảo chất lượng danh hiệu. Trong 15 năm qua, có hơn 6.446 gia đình văn hoá tiêu biểu được tôn vinh, biểu dương hàng năm trên toàn Thành phố. Nội dung xây dựng “Gia đình văn hóa” được triển khai thường xuyên thông qua hoạt động tích cực của tổ nhân dân tự quản, các câu lạc bộ không sinh con thứ ba, phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương gia đình tiêu biểu về SXKD giỏi, gia đình hoà thuận, hạnh phúc, gia đình hiếu học, gia đình nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, gia đình thể thao.
Bà Trịnh Thị Tuyết- Khối 11- Phường Quán Bàu- TP Vinh: “Để xây dựng gia đình hạnh phúc thì cha mẹ phải là người gương mẫu để giáo dục con cái chăm ngoan; vừa sống có nề nêp trong gia đình vừa hòa đồng với làng xóm và mọi người xung quanh”
Hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” triển khai thực hiện theo hướng xã hội hóa. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân. Ngoài vận động xây dựng quỹ, Mặt trận tổ quốc Thành phố phối hợp với các tổ chức thành viên vận động đoàn viên, hội viên của tổ chức mình hỗ trợ trực tiếp để xây dựng nhà cho đoàn viên, hội viên nghèo, tổ chức được các cuộc phát động ủng hộ tết vì người nghèo. Khảo sát thực trạng hộ nghèo trên địa bàn để thực hiện hỗ trợ hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục đích. Kết quả vận động từ năm 2000 đến nay toàn thành phố đã vận động được hơn 19,6 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho 5.396 lượt hộ nghèo, số tiền 17,9 tỷ đồng.
Chị Bùi Thị Hà- Khối Trung Tiến phường Hưng Bình- TP Vinh: “Gia đình nghèo chồng mất sớm, giờ bà con, mặt trận hỗ trợ xây nhà để mẹ con có chỗ tránh mưa tránh nắng”
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể được đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Phong trào văn hoá văn nghệ, TDTT quần chúng phát triển sâu rộng. Hình thức xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đạt 4 tỷ 500 triệu đồng; huy động xây dựng các thế chế văn hóa, nhà văn hóa cơ sở ước đạt 150 tỷ đồng. Hiện TP có 7 nhà thi đấu, luyện tập; 10 sân bóng đá, 29 sân bóng chuyền, 40 bàn bóng bàn, 192 sân cầu lông, 16 sân tennis và hàng chục điểm tập thể dục thể thao công cộng. Với 215 đội văn nghệ quần chúng, 60 CLB nghệ thuật truyền thống hoạt động hiệu quả. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật khuyến khích quần chúng cùng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống của địa phương.
Bà Hoàng Thị Cẩm Vân- Chủ nhiệm CLB Dân ca phường Vinh Tân- TP Vinh: “Bản thân tôi cùng với các thành viên luôn đam mê và đem hết tâm huyết của mình để xây dựng CLB ngày một phát triển. CLB đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có nhiều học sinh trường Tiểu học Vinh Tân”
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 06 của Thành ủy Vinh về xây dựng nếp sống văn minh đô thị là nội dung trọng tâm. Trong đó tập việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhân dân đã thực hiện các quy ước khối, xóm và các quy định của luật pháp; đơn giản hóa về thủ tục; phù hợp với thuần phong, mỹ tục và điều kiện kinh tế của gia đình, địa phương. Công tác tổ chức lễ hội truyền thống được duy trì ổn định; hoạt động lễ hội gắn với phát triển du lịch và trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ như: Giỗ Đức Thánh Mẫu, giỗ tổ Hùng Vương, giỗ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ở đền Hồng Sơn, các lễ hội ở chùa Cần Linh, Đền thờ vua Quang Trung đã thu hút được đông đảo nhân dân trong và ngoài Thành phố tham gia tạo dấu ấn cho du khách về tham quan và hưởng thụ đời sống văn hoá tâm linh trên địa bàn Thành phố.
Có thể khẳng định 15 năm qua tuy gặp nhiều khó khăn nhưng phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở TP Vinh đã trở thành một phong trào thi đua yêu nước, mang lại nhiều thành tựu to lớn, toàn diện và sâu sắc. Tuy nhiên, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở vẫn còn một số hạn chế sau. Những kết quả đạt được trong lĩnh vực đời sống văn hóa ở cơ sở còn chưa vững chắc, chất lượng chưa cao, nhiều phong trào còn mang tính hình thức và mắc bệnh thành tích. Cơ sở vật chất và hệ thống thiết chế văn hóa xã hội ở các đơn vị cơ sở còn thiếu thốn. Kết quả đạt được trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp con thiên về bề nổi, thiếu chiều sâu. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa là phong trào rộng lớn, đa dạng, phong phú về nội dung, đối tượng tham gia và địa bàn thực hiện, trong khi đó Ban chỉ đạo các phường, xã hoạt động kiêm nhiệm, do vậy trong công tác phối hợp giữa các thành viên trong Ban chỉ đạo con nhiều vướng mắc, bất cập.
Ông Nguyễn Trung Châu- Uỷ viên BTV-Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Vinh: “Các cấp ủy đảng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào căn cứ vào các tiêu chí, đề án, chương trình của trung ương, tỉnh, TP. Tuyên truyền vận động nhân dân tham gia, huy động sức mạnh toàn dân để phong trao đạt kết quả cao”
Phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những khó khăn hạn chế trong những năm tới Đảng bộ và nhân dân TP tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Chú trọng thực hiện Phong trào với thực hiện Cuộc vận động TDĐKXDĐSVH gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng văn minh đô thị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2015- 2020. Xây dựng Thành phố Vinh phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm đô thị loại I và sớm trở thành trung tâm kinh tế- văn hóa vùng Bắc Trung Bộ theo tinh thần Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.
Hương Giang