Niềm tin và tình yêu cuộc sống luôn giúp người ta làm được những điều tưởng như không thể. Thầy giáo Lê Đình Sơn đã nói như vậy. Ngày lại ngày những người thân vẫn dắt ông đi đến nhiều nơi trong thành phố Vinh để ông được thực hiện hoài bão của mình. Suốt 10 năm sống trong bóng tối của bệnh tật nhưng ông vẫn tạo ra những sản phẩm tinh thần có ích cho đời... Và như người ta nói: Dẫu hỏng mắt nhưng vẫn sáng tấm lòng.
Năm 2000, nhà giáo Lê Đình Sơn nguyên giảng viên khoa Ngữ văn đã bị một căn bệnh quái ác cướp đi đôi mắt, khi chỉ còn 02 năm nữa là về nghỉ hưu. Một người sống tự trọng và nhiều hoài bão như ông thì điều đó còn hơn cả một cú sốc. Thời kỳ đầu ông suốt ngày tự giam mình trong căn phòng thờ của gia đình, tránh tiếp xúc với mọi người. Ông thấy mình như người thất bại...ông tâm sự: “Từ một giảng viên đứng trên giảng đường của trường Đại học Vinh đến lúc trước mắt tôi không còn nhìn thấy ánh sáng nữa, tôi có cảm giác hẫng hụt, tôi thấy cuộc đời mình như sụp đổ, đó là một cú sốc quả lớn, bất hạnh đến với tôi”
Nhưng có một người đã không nghĩ như vậy, đó chính là vợ ông, bà Nguyễn Thị Thuận cũng nguyên là cán bộ trường đại học Vinh. Bà là người đã dắt ông trở lại những bước đi đầu tiên, giúp ông tự khôi phục niềm tin cho mình. Hãy đứng dậy! trái tim ông ra lệnh, món nợ văn chương còn đó..Bà Thuận cho rằng: “Lúc đó nhà tôi rất bi quan và không muốn tiếp xúc với anh em, bạn bè gì cả, ai đến thì chồng tôi cũng từ chối không tiếp mà cứ để cho tôi tiếp, sau sự việc như vậy tôi cũng bình tĩnh cố gắng động viên chồng..”
May mắn thay, dù hỏng mắt nhưng cảm hứng với đời của ông thì vẫn còn nguyên vẹn. Thôi thì cái nghiệp văn chương nó đã vận vào mình, ông trở lại với nghiên cứu, sáng tác văn học. Nhiều khi giữa đêm nổi cơn thi hứng ông dậy làm bà cũng phải dậy theo. Ông đọc câu nào bà chép câu ấy, không hối thúc, không kêu ca phàn nàn... thật là một tấm lòng vàng. Đáp lại điều đó Lê Đình Sơn đã viết bằng tất cả sự tỉnh táo của một người đang say, say hương vị cuộc sống, say cái men tình người trong sự mẫn tiệp của một người cầm bút. Khi thì viết nghiên cứu, tiểu luận, khi thì sáng tác thơ ca... trong suốt 10 năm hàng ngàn trang giấy, hàng chục cuốn sách có giá trị của Lê Đình Sơn đã được viết ra như vậy. Ông thầm cám ơn người vợ hiền thảo của mình, bà là hiện thân về 1 bà đồ xứ Nghệ truyền thống ngày xưa chăng? Ông đã ghi nhận tấm lòng của bà qua những vần thơ:
“Thương em khuya sớm vì anh
Văn chương cái nợ sao đành buông lơ
Mắt anh thăm thẳm tối trời
Có em thư ký cho đời bớt đau"
Ngoài cuốn sách nghiên cứu về phương pháp tiếp cận thơ đường luật VN rất có giá trị, Lê Đình Sơn còn viết nhiều sách và giáo trình về phương pháp dạy học môn văn ở trường trung học phổ thông, cũng như nhiều sáng tác thơ văn khác đã đem lại cho ông khá nhiều giải thưởng cao quý. Ông Sơn cho biết: “Tôi cũng đã cố gắng vực dậy tinh thần và lấy lại niềm tin đối với cuộc sống, đặc biệt là tuy tôi bị hỏng mắt nhưng cảm hứng của tôi đối với đời, đối với con người không hề bị nguôi ngoai đi mà nó lại càng trỗi dậy khi mắt minh bị mù đi, tạo cho tôi một niềm tin, một niềm lạc quan để tiếp tục phát huy chất xám của mình, phát huy cảm hứng sáng tạo của mình”.
Hội người mù thành phố Vinh là nơi thầy giáo Lê Đình Sơn thường xuyên lui tới. Đây cũng là nơi đã động viên giúp đỡ ông những ngày đầu gặp khó khăn. Bây giờ ông đến để nói cho họ nghe về cái hay cái đẹp trong văn chương, những câu chuyện mang tính nhân văn phần nào giúp họ vơi đi nỗi bất hạnh. Nó khơi gợi trong họ tinh thần tự vươn lên, hãy sử dụng đôi tay khéo léo và mọi giác quan còn lại để đóng góp với đời những công việc nhỏ bé của mình.
Vốn hiểu biết về thơ Đường cũng đã giúp cho Lê Đình Sơn khởi xướng thành công rất nhiều cuộc xướng họa thơ Đường trên các diễn đàn Văn học nghệ thuật. Hàng tuần tại thư viện tỉnh luôn có rất nhiếu khán giả thuộc nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi đến để lắng nghe ông nói. Có lẽ người ta không chỉ yêu thơ văn của ông mà còn cảm phục ý chí và khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong ông. Phó giáo sư Đinh Trí Dũng, Giám đốc nhà xuất bản Đại học Vinh nói về ông Sơn như sau: “Mặc dù bị hỏng mắt, đi lại khó khăn nhưng Thầy là một thành viên rất tích cực của ban lý luận phê bình hội liên hiệp văn học nghệ an, thầy rất am hiểu về thơ đường, thầy đã tập hợp tập hợp tất cả bài viết về thơ đường của thầy vào cuốn sách, cách đây hai năm đã in ra bình giảng thơ đường, cuốn sách này được dư luận đánh giá tốt, tôi nghĩ đấy là một tấm gương rất đáng học tập bởi vì thông thường khi mình về hưu và bị bệnh tật như thế……thầy luôn luôn có một ý chí để vượt lên chính mình”
Người ta nói thơ văn Lê Đình Sơn có sức lay động và cổ vũ người khác sống cho những điều thiện. Ngoài ra ông cũng không quên trách nhiệm của một người cầm bút trước những vấn đề của thời cuộc.
Lê Đình Sơn còn thường xuyên cộng tác với đài truyền hình tỉnh Nghệ An với tư cách là một người dẫn chương trình thơ và được nhà đài đánh giá cao về tính hiệu quả trong tuyên truyền. Người bị hỏng mắt dẫn một chương trình thơ là điều hết sức khó khăn. Nó đòi hỏi người dẫn phải thuộc thơ người khác, phải sắp xếp thật khoa học sao cho nói cả tiếng đồng hồ mà không bị lặp lại. Và cuối cùng là phải nói làm sao để cho tiếng thơ, tiếng lòng ấy có thể chạm được đến trái tim người ta. Lê Đình Sơn đã giải mã tất cả những điều đó bằng sự khổ luyện, sự đam mê, và tình yêu thiết tha với cuộc sống. Nhà báo Xuân Lộc – Trưởng phòng Văn nghệ giải trí Đài PT-TH Nghệ An nói về ông như sau:
“Cả một dẫn chương trình dài khoảng độ 4 trang mà bác có thể nhớ từ đầu đến cuối và khi gửi kịch bản cho tôi, tôi thấy lời bác nói và lời dẫn không sai một từ nào, nhớ từ đầu đến cuối mà không phải là học thuộc. Bác thường tham gia các chương trình giới thiệu thơ trên sóng đài PT – TH Nghệ An….vừa rồi khi phát động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì bác có bài xướng về chủ đề Bác Hồ rất được tầng lớp nhân dân, nhất là những người cao tuổi hưởng ứng”
Cuộc sống cũng tựa như một dòng chảy lớn mà ở đó mỗi cá thể con người chỉ như một mạch ngầm nhỏ bé, khiêm nhường. Thế nhưng nếu như trăm vạn mạch ngầm nhỏ bé ấy cùng hiến dâng tình yêu thiết tha của mình cho cuộc sống thì dòng chảy lớn kia sẽ càng trở nên yên bình và trong trẻo biết bao. Đó chính là lời của người thày giáo bị hỏng mắt Lê Đình Sơn, một người dân xứ Nghệ.
Nguyễn Lê