1. Một năm trước, nói đến Trọng Hoàng người ta thường nghĩ đến một tiền vệ trẻ, khỏe đúng chất Nghệ.
Khi ấy, vị trí của Trọng Hoàng là tiền vệ cánh và anh nổi bật bằng nguồn thể lực dồi dào cùng tinh thần thi đấu lăn xả, đúng như cái biệt danh Hoàng “bò” mà đồng đội đặt. Khi ấy, dù được đặt vào diện “của để giành”, nhưng ấn tượng về Hoàng “bò” vẫn chỉ dừng lại ở hình ảnh một tay chạy cánh đơn thuần, máu lửa, khá kỹ thuật, và hết.
Nhưng tại VCK U.21 năm 2008, lần đầu tiên người ta chứng kiến một Trọng Hoàng mới, năng nổ mà tinh tế ở vai trò cầm chịch khu giữa sân của U.21 Bình Định. Giải ấy, Đội bóng đất Võ đã không chơi tốt, nhưng Hoàng là một trong những cái tên hiếm hoi nhận được những cái gật gù, tán thưởng của cả khán giả lẫn giới chuyên môn. Từ đấy khai sinh một Trọng Hoàng mới.
Với bước đệm ấy, Trọng Hoàng đã làm mới mình toàn diện. Đầu tiên là ở cấp CLB. Với sự “trợ giúp đặc biệt” từ hoàn cảnh khốn khó của SLNA khi Công Vinh đã ra đi, Trọng Hoàng được HLV Nguyễn Văn Thịnh xếp vào giữa, đá nhô cao lên như một mũi công kích tiềm ẩn. Từ đấy, một Hoàng “bò” - sát thủ đã ra đời.
2. Lúc này, nhắc đến Hoàng “bò”, những ấn tượng cũ đã phai đi rất nhiều. Không phải do anh không còn giữ được những phẩm chất cũ. Ngược lại, cùng với một mùa giải khắc nghiệt với nhiều thử thách, anh đã tự nâng cấp và tạo dựng một Hoàng “bò” hoàn hảo hơn. Nói như một đồng đội của anh ở SLNA, thì: “Hoàng “bò” bây chừ không chỉ khỏe, mà đã tinh thôi rồi!”.
Với 6 bàn thắng tại V.League 2009, Hoàng “bò” đã nổi lên như “hiện tượng”, và phần nào thay thế xứng đáng vị trí Công Vinh để lại. Trong vai trò mới, Hoàng đã khiến rất nhiều người phải bất ngờ. Anh thể hiện một sự chững chạc đáng kinh ngạc, với những phút xuất thần bằng những tuyệt phẩm chỉ có thể có đuợc từ những người quyết đoán, và sở hữu kỹ thuật cá nhân hoàn hảo. Điều ấy muốn hiểu rõ có thể hỏi người Long An. Cú khống chế bóng sống và vô-lê nhanh như điện của tiền vệ-tiền đạo này trong trận gặp ĐT.LA ở phút bù giờ đã cướp mất của họ một trận thắng.
Cứ thế, càng đá càng hay trong cả công lẫn thủ, ở cả cánh lẫn trung tâm, tiền đạo, Hoàng “bò” đã luôn là một trong tứ trụ giúp SLNA chơi tưng bừng ở mùa giải 2009, kết thúc với vị trí thứ Ba đầy kiêu hãnh. Còn cá nhân anh liên tục xuất hiện trong những đội hình tiêu biểu của đại đa số đầu báo thể thao với sự nhất trí hầu như tuyệt đối.
3. Nếu ở cấp CLB, Trọng Hoàng đã và đang thăng hoa, thì với tầm vóc Tuyển, anh là sự tái khởi đầu. Nếu nói Hoàng “bò” không có duyên với Tuyển cũng đúng bởi anh đã ít nhất 2 lần lỡ hẹn. Nhưng bảo anh có duyên cũng chẳng sai bởi thực chất, dù còn rất trẻ, Hoàng “bò” đã sớm “lọt mắt xanh” của HLV Alfred Riedl.
Khi ấy, chuẩn bị cho SEA Games 24 tại Thái Lan, HLV người Ao đã gọi anh vào đợt tập trung sơ bộ. Nhưng phút cuối, ông đã tím tái mặt khi Hoàng “bò” xin từ chối tập trung, để rồi sau đó đặt anh ra rìa trong những tính toán.
Nhưng cuộc đời không bao giờ phụ những kẻ có thực tài, đặc biệt khi có đó những người quý trọng tài năng như HLV Calisto. Không phải vô cớ mà Hoàng “bò” là 1 trong 2 cầu thủ trẻ nhất (cùng với Ngọc Anh của Nam Định) được gọi lên ĐTVN. Ngay lần đầu chứng kiến Hoàng “bò” thi đấu trong màu áo SLNA, HLV người Bồ đã “chấm” ngay, và đặt anh vào một vị trí quan trọng trong chiến lược chuẩn bị cho SEA Games 25.
Ông nhìn ra ở Hoàng “bò” hình ảnh một thủ lĩnh đầy sức mạnh. Lối đá lì đòn, không quản va chạm đúng chất “Nghệ” cho vai trò phòng ngự từ xa. Không chỉ thế, ông cũng thấy ở Hoàng “bò” sự thông minh và bản năng sát thủ, điều còn thiếu tại ĐT U.23 VN.
Màn trình diễn khá tốt của Hoàng “bò” trong trận gặp Olympiakos càng củng cố niềm tin ấy. Và, với bàn thắng để đời vào lưới Kuwait ở lần thứ hai khoác áo ĐTVN đã đưa anh thoát khỏi giá trị tiềm năng. Hoàng “bò” đã không chỉ biết dùng sức, và cái duyên ghi bàn ở CLB không phải ngẫu nhiên mà có.
Hoàng “bò” đã may cho mình tấm áo hoàn toàn mới, “xịn” hơn, lên tầm một thủ lĩnh sát thủ, điều HLV đang rất cần ở một ĐT U.23 với rất nhiều gương mặt non trẻ. Nhờ HLV Calisto, anh đã thoát khỏi dạng tiềm năng. Và hoàn toàn có cơ sở để tin rằng, cùng HLV Calisto anh sẽ hoàn thiện mình, lên một đẳng cấp của một “quả đấm thép” đa năng không chỉ ở cấp độ U.23 sau SEA Games này.
Long đong chuyện học, chuyện nghề
Khác với những đồng đội ở SLNA, Trọng Hoàng sinh ra trong gia đình "có điều kiện", bố lại làm công an nên việc học hành rất chỉn chu. Nhưng cũng vì thế mà nó từng khiến anh không phải 1 lần khổ sở, mà chỉ những người thân cận mới hiểu rõ. Lần đầu, năm 2007, do hiểu lầm ý lãnh đạo, anh đã đến với VCK U.21, để rồi khi hào hứng đem cúp trở về, mới ngớ người ra khi lãnh đạo khó xử phân bua không đủ thẩm quyền đặc cách tuyển thẳng Tốt nghiệp. Bởi vậy, đến lần thứ 2, dù đã có tên trong danh sách sơ bộ của HLV Riedl, như con chim sợ cành cong, Hoàng "bò" đã xin rút, bất chấp cơn giận của ông thầy để tập trung hoàn thành chuyện học hành. Lần đấy, anh đã gây bất ngờ cho tất cả với 48 điểm/6 môn.
MẢNH ĐỜI SEA GAMES: Tiếc cho Thanh Phương
SEA Games từng đưa nhiều cái tên trở thành thương hiệu và con người đó “đổi đời”. Nhưng cũng có những số phận đi sang ngã rẽ khác ở thời kỳ hậu SEA Games. Đặng Thanh Phương là một ví dụ.
SEA Games 22, Thanh Phương là một trong những cầu thủ chơi hay nhất. Cánh phải với Thanh Phương và Minh Phương đã có một giải đấu tuyệt vời, công thủ toàn diện. Thanh Phương được đánh giá rất cao và có vị trí quan trọng trong những phương án chiến thuật của Olympic VN.
Tiếc là cũng vì SEA Games mà Thanh Phương bị dính chấn thương nặng. Trở về từ giải đấu này, tiền vệ Thể Công phải làm khán giả gần trọn mùa giải V-League 2004. Sau một thời gian ngắn nữa, Thanh Phương chính thức giã từ sân cỏ giữa lúc các đồng đội cùng lứa vẫn đang thăng hoa.