Tại Nghệ An hiện có hàng chục bến cát, sạn không phép vẫn ngang nhiên hoạt động trước sự thiếu quyết liệt trong việc xử lý của cơ quan hữu trách.
Các bến cát không phép ở chân cầu Yên Xuân luôn hoạt động nhộn nhịp - Ảnh: K.Hoan
|
Gần 15 năm qua, 4 bến tập kết cát, sạn nằm hai bên mố cầu đường sắt Yên Xuân (xã Hưng Xuân, H.Hưng Nguyên), trong đó có 2 bến nằm sát chân cầu, ngang nhiên hoạt động không phép. Theo quan sát của PV Thanh Niên, tại mỗi bến đều có 2 cần cẩu liên tục cẩu cát, sạn từ tàu thuyền lên bến và từ bến lên xe ô tô chở đi các huyện trong tỉnh, thậm chí ra tới Thanh Hóa.
Hai bến tập kết cát, sạn nằm sát chân cầu đường sắt đã khiến đơn vị quản lý đường sắt “đau đầu” nhiều năm nay. Ông Nguyễn Thế Thông, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết, theo quy định, với cầu Yên Xuân, trong vòng bán kính 150m không được xây dựng, đào bới làm ảnh hưởng đến chân cầu. Tàu thuyền tập kết dưới cầu, các máy múc hoạt động trong phạm vi bán kính bảo vệ cầu đều vi phạm quy định bảo vệ hành lang an toàn cầu. “Chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra, lần nào cũng làm việc với chính quyền địa phương và yêu cầu họ không cho tập kết vật liệu trong phạm vi bảo vệ cầu, nhưng không có kết quả”, ông Thông nói.
Theo ông Nguyễn Văn Phận, Chủ tịch UBND xã Hưng Xuân, các bến cát, sạn này hoạt động từ năm 2001, đất do UBND xã hợp đồng cho thuê với giá bình quân 25 triệu/bến/năm, tạo nguồn thu cho ngân sách. Đây là đất công ích 5% do xã quản lý. Khi cho thuê đất, UBND xã đã yêu cầu các chủ bến phải tập kết cát và hoạt động cách xa chân cầu đường sắt Yên Xuân 150m, nhưng các chủ bến không chấp hành.
Đáng nói, ông Phận tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin cả 4 bến cát đều hoạt động “chui” do phóng viên cung cấp. “UBND xã chỉ quản lý việc đảm bảo môi trường và không được chở quá tải. Việc kiểm tra cấp phép chúng tôi không được giao”, ông Phận giải thích.
Phạt xong... cho hoạt động tiếp
Theo các chủ tàu thuyền khai thác cát trên sông Lam, 1 m3 cát sau khi khai thác chở về bến được bán với giá 16.000 đồng. Một công nhân làm ở một bến cát, sạn ngay chân cầu Yên Xuân tiết lộ, mỗi ngày đêm, trung bình bến này xuất đi khoảng 1.200 m3 cát với giá 30.000 đồng/m3. Số tiền chênh lệch này sau khi trừ chi phí máy móc và nhân công, mỗi ngày, các chủ bến ở đây thu về bộn tiền, trong khi bến mở không phép nên không phải đóng thuế. Đây là lý do chính dẫn đến tình trạng các chủ bến bị “phạt lên phạt xuống” nhưng vẫn cố bám bến để hoạt động.
Ông Thái Huy Dũng, Trưởng phòng Công thương H.Hưng Nguyên cho biết, hiện trên địa bàn huyện này có 18 bến tập kết cát, sạn nhưng có tới 13 bến đang hoạt động “chui”. Hằng năm, các đoàn kiểm tra thường xuyên kiểm tra các bến cát và xử phạt 15-20 triệu đồng/bến đối với những bến hoạt động trái phép. Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận, cơ quan hữu trách phạt xong thì lại để cho các bến cát tiếp tục hoạt động. “Địa phương không thể dẹp được các bến cát này do nhu cầu xây dựng của người dân và huyện chưa tìm được địa điểm để quy hoạch bến cát, sạn”, ông Dũng lý giải.
Về phương án xử lý các bến cát trái phép này, ông Hoàng Văn Huệ, Phó giám đốc Sở GT-VT Nghệ An cho biết, theo qui hoạch năm 2012 của UBND tỉnh, Nghệ An chỉ có 3 điểm tập kết cát, sạn ở TP.Vinh, H.Nam Đàn và H.Đô Lương. Từ đầu năm nay, Sở đã có văn bản hướng dẫn các huyện và đề nghị báo cáo việc quản lý, cấp phép mở bến cát, nhưng đến nay mới chỉ có 9/21 huyện, thị có báo cáo. Để chấn chỉnh lại hoạt động khai thác, tập kết cát, sạn, theo ông Huệ, sắp tới Sở sẽ lập quy hoạch các điểm tập kết cát sạn để trình UBND tỉnh phê duyệt, cấp phép cho các doanh nghiệp có nhu cầu, đồng thời đề nghị các huyện xử lý dứt điểm các điểm tập kết trái phép.