Nợ nần vài triệu bạc hay mâu thuẫn trong đời sống, chúng sẵn sàng chĩa súng về đối phương để bóp cò.
Phức tạp súng tự chế
Nghệ An có tuyến biên giới dài 419Km tiếp giáp với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô ly Khăm Xay của nước CHDCND Lào. 2 cửa khẩu, 2 cảng biển, hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường không thuận lợi cho việc giao lưu, hội nhập, phát triển kinh tế.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi rẻo cao có tập quán sản xuất, sử dụng súng tự chế từ lâu đời để bảo vệ nương, rẫy, săn bắn động vật hoang dã. Vì vậy việc sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí nói chung, vũ khí tự chế nói riêng trong nhân dân còn tiềm ẩn phức tạp.
Những năm gần đây, những khẩu súng tự chế được thẩm lậu về thành phố bằng nhiều con đường. Những người tìm mua và sử dụng chủ yếu là dân xã hội, vô tình nó thành vũ khí hết sức nguy hiểm đối với con người.
Điển hình như vụ nổ súng ngày 5/7/2010, anh Trần Xuân Thắng (SN 1980) trú ở Khối 1, phường Cửa Nam (TP Vinh - Nghệ An) đứng chơi cùng với một nhóm người trước cổng số 13 sân Vinh thì bất ngờ bị bắn gục tại chỗ.
Gây án xong, các đối tượng đi vòng qua sân Vinh và bỏ trốn ngay trong đêm. Nạn nhân Thắng được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó.
Nhận được tin báo, Công an TP Vinh cử tổ công tác đến hiện trường điều tra làm rõ. Thông tin khai thác ban đầu rất mong manh, bởi không ai nhận ra 5 đối tượng đi xe máy. Chỉ biết rằng tất cả đều mặc trang phục đen, đầu đội mũ lưỡi trai và điều khiển xe máy không biển số.
Tổ công tác xác định, nạn nhân Thắng chỉ là người nông dân chất phát. Trước đây nạn nhân là lao động phổ thông, sau chuyển sang bốc vác và thời điểm xảy ra án mạng là làm phụ hồ. Nhận định ban đầu nạn nhân bị bắn nhầm hoặc trúng phải đạn lạc.
Cuối cùng suốt 29 ngày đêm truy bắt băng nhóm nổ súng bên sân Vinh cũng lộ diện, thuộc hai nhóm xã hội ở phường Cửa Nam và xã Nghi Phú, anh Thắng chỉ là nạn nhân bị bắn nhầm.
19 giờ ngày 3/8/2010, Công an TP Vinh khám xét và bắt khẩn cấp 6 đối tượng cùng trú ở TP Vinh gồm Nguyễn Văn Nam (SN 1988 - biệt danh Nam Thắng), Nguyễn Duy Tuấn (SN 1988 - biệt danh Tuấn Kỳ); Nguyễn Văn Cường (SN 1991 - biệt danh Cường Công); Hoàng Ngọc Anh (SN 1990 - biệt danh Anh Kham); Nguyễn Văn Trương (SN 1991); Dương Xuân Cảnh (SN 1987).
|
Các đối tượng bị bắt trong vụ bắn chết anh Thắng |
Khám xét khẩn cấp, thu được 2 khẩu súng săn loại tự chế, 2 viên đạn loại hoa cải chưa sử dụng, 2 xe máy là phương tiện sử dụng đi gây án.
Cũng tại khu vực sân vận động Vinh gần 2 năm sau, Nguyễn Thế Lương (37 tuổi - Trú tại khối 3, phường Cửa Nam, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đã dùng súng tự chế giải quyết mâu thuẫn, cái bóp cò khiến đạn trúng vào lưng anh Phạm Hữu Hành trú phường Cửa Nam.
Lần này đạn cũng tìm đến một người vô tội, bởi khi đó giữa Lương và anh Phạm Hữu Tân trú cùng khối có mâu thuẫn. Gần 20 người nhà anh Tân kéo đến nhà Lương để "trả đũa", lúc đó anh Hành (em trai anh Tân) có đến và khuyên nhủ mọi người ra về.
Đến những vụ nổ súng táo tợn
Trao đổi với phóng viên VTC News, Đại tá Hoàng Văn Tấn - Phó trưởng phòng PC64 Công an tỉnh Nghệ An, cho biết, súng tự chế nguồn gốc từ vùng cao do phong tục săn bắt của người dân bản địa. Nhưng càng ngày, tình hình các băng nhóm tội phạm sử dụng súng phức tạp hơn, súng quân dụng cũng được chúng sử dụng.
Có những khẩu súng nhóm tội phạm có nhưng lực lượng ngành cũng chưa bao giờ được nhìn thấy. Như khẩu súng mà Phan Đình Tuấn (43 tuổi, tên thường gọi Tuấn lay - Trú tại phường Hồng Sơn, TP Vinh) trong vụ vây bắt đường dây vận chuyển ma túy khủng vào tháng 7/2014.
|
2 khẩu súng trong đường dây vận chuyển ma túy khủng của Tuấn lay |
Còn mới đây nhất, tháng 11/2014, Nguyễn Xuân Nam (SN 1978, biệt danh Nam Trường - Trú tại khối 3, phường Bến Thủy, TP Vinh) cùng đồng bọn dùng súng quân dụng loại K54 thanh toán lẫn nhau xảy ra tại số nhà 56, đường Trần Hưng Đạo, phường Đội Cung, Thành phố Vinh.
Vụ việc khiến chị Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 1982) bị trúng đạn vào bụng và tử vong sau đó. Sau khi gây án, nhóm của Nam bỏ chạy ra đường và tiếp tục bắn thêm một phát súng tự chế khiến 2 công nhân vệ sịnh đang ngồi nghỉ ven đường là anh Đặng Văn Chung (24 tuổi) và chị Đinh Thị Chung (24 tuổi); công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Nghệ An bị thương.
|
Vỏ đạn súng K54 mà Nam và đồng bọn sử dụng để gây án |
Khi vụ việc chưa lắng xuống, tối 23/12/2014 lại xảy ra một vụ nổ súng khác tại quán cafe-karaoke ở Nghi Đức, TP Vinh chỉ vì số tiền 2 triệu đồng chưa trả. Trần Văn Đức (SN 1974 - Trú tại xóm 22, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc) đã dùng khẩu súng bắn đạn cao su RG88 để bắn 3 phát vào tay và người anh Nguyễn Văn Thành (SN 1979 - Trú tại xóm 12, xã Nghi Đức). Hậu quả làm anh Thành phải nhập viện cấp cứu.
Khẩu súng bắn đạn cao su này được đánh giá là nguy hiểm, nếu đứng ở cự ly 10m người trúng đạn sẽ bị bắn ngã. Còn nếu trúng vào vùng mặt và đầu thì khả năng nguy hiểm đến tính mạng rất cao.
"Súng quân dụng chỉ được sử dụng trong ngành quân đội, công an và được bảo quản rất cẩn thận. Vậy nhưng giới xã hội vẫn có là do thẩm lậu từ nước ngoài về, một số khẩu còn sót lại trong chiến tranh" - Đại tá Tấn nói.
Video nổ súng hỗn chiến trong đêm
Theo số liệu sơ kết 3 năm triển khai, thực hiện Pháp lệnh số 16/UBTVQH 12 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và Kế hoạch 110/KHBCA-C61 của Bộ Công an về tổng kiểm tra và mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Từ năm 2012 đến năm 2014, toàn tỉnh Nghệ An vận động, kiểm tra, thu hồi 117 khẩu súng quân dụng, 193 khẩu súng thể thao, 3.317 khẩu súng tự chế, 116 quả lựu đạn, 339 đầu đạn pháo, 29.357 viên đạn, 49 quả mìn, 114 quả bom các loại, 1.653 kg thuốc nổ, 14.442 kíp nổ, 2.062 m dây cháy chậm, 5.375 kg pháo, 395 bộ kích điện, 18 bình xịt hơi cay, 35 gậy điện, 01 còng số 8, 303 đôi côn, 4.979 dao, kiếm, 28.560 đồ chơi nguy hiểm bị cấm.
Trong số này, riêng năm 2014, thu giữ 32 khẩu súng quân dụng, 75 khẩu súng săn, 1.090 khẩu súng tự chế, 14 quả lựu đạn và mìn, đầu đạn pháo 12, 2.901 viên đạn các loại.