Quyết toán ngân sách phải thực chất
Để Quốc hội thực sự là cơ quan quyết định việc kiếm tiền và tiêu tiền, quyết toán ngân sách không hình thức, cần làm gì thưa ông?
Chúng ta có những căn bệnh tái diễn nhiều năm, đó là kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm, sai phạm trong chi tiêu, nhưng cuối cùng ngân sách vẫn được thông qua.
Có người nói “tiền thu cũng thu rồi, chi cũng chi rồi, thôi bây giờ còn cái gì nữa để làm”, cho nên Quốc hội vẫn bấm nút thông qua. Nhưng đến lúc cần có những thay đổi.
Bây giờ chúng ta chuẩn bị sửa Luật Ngân sách nhà nước, xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cần giải quyết căn cơ những hạn chế đó.
Để Quốc hội quyết toán ngân sách thực chất, không nên để tồn tại cơ chế ngân sách nhà nước lồng ghép, không minh bạch giữa ngân sách quốc gia (trung ương), ngân sách địa phương.
Hiện nay, Quốc hội kiểm soát ngân sách quốc gia, bao gồm phần chi cho bộ máy trung ương, những vấn đề quốc gia và phần trợ cấp địa phương.
Còn ngân sách địa phương là nguồn thu địa phương và tự chủ của Hội đồng nhân dân địa phương. Nhưng chúng ta lại ghép hai phần này vào. Tức là lồng ghép trách nhiệm nhưng không minh bạch giữa hai phần đó.
Vấn đề kỷ cương ngân sách chưa nghiêm, tạm gọi là tùy tiện, cứ vượt thu thì vượt chi. Do đó, quyết toán ngân sách giữa Quốc hội đề ra về chi và thực chi tăng đến 30-40%. Phá vỡ kỷ cương ngân sách, nhưng giám sát rất yếu và xử lý vi phạm cũng chưa thật nghiêm.
Thưa ông vì sao có tình trạng thu ngân sách trung ương khó khăn nhưng nhiều địa phương luôn vượt kế hoạch, thậm chí còn đề nghị được thưởng?
Chính cơ chế lồng ghép tôi nói ở trên, khiến trách nhiệm không rõ ràng. Nhà nước không nên có cơ chế thưởng. Phần nào của địa phương, địa phương có thể thu vượt. Còn phần của trung ương, với trách nhiệm chính quyền địa phương (là người thu thuế cho trung ương) anh phải thu đủ. Đấy mới là kỷ cương ngân sách. Anh không thu được thuế cho tôi, tôi sẽ kỷ luật, cách chức anh chứ đâu lại có chuyện thu vượt thì anh đòi thưởng.
Hiện nay, các địa phương khi làm dự toán cũng làm thấp, để cuối năm thu vượt kế hoạch dễ dàng và họ sẽ xin được thưởng phần đó, chi theo ý mình. Đấy là cái theo tôi cần khắc phục ngay.Giám sát chặt chẽ dòng tiền
Hằng năm, Quốc hội đều thảo luận, thông qua quyết toán ngân sách, Quốc hội phải có trách nhiệm nếu để ngân sách thất thoát, lãng phí ?
Quy trình lập ngân sách rất quan trọng. Không phải để chi xong rồi mới tính. Theo tôi, kỳ họp đầu năm Quốc hội phải thảo luận đến nơi đến chốn, năm tới ngân sách thu, chi thế nào, ưu tiên những gì.
Sau khi gút rồi thì phải có nghị quyết. Cuối năm Quốc hội chỉ cần ngồi xem lại thôi, cái nào không đúng nghị quyết thì cương quyết bỏ ra. Nhưng cách hiện nay thì mọi thứ đã làm xong rồi.
Đưa ra Quốc hội xem xét có mấy ngày, nhiều vấn đề đại biểu cũng không thể nắm được. Cho nên tôi nói, Quốc hội quyết toán những cái đã rồi, rất khó để mà nói bỏ hay không bỏ khoản nào.
Trong lúc khó khăn, chúng ta nói là ưu tiên cái này cái kia và cắt giảm chi thường xuyên. Vấn đề là phải có công cụ quản lý, siết chặt kỷ cương, kiểm soát chặt chẽ các khoản thu, chi.
ĐBQH Trần Du Lịch
Có lẽ tới đây nên tách bạch: Phần ngân sách địa phương, theo luật, Hội đồng nhân dân phải chịu trách nhiệm, không gom lên, đổ trách nhiệm cho Quốc hội; còn những thứ Quốc hội quyết, Ủy ban Tài chính - ngân sách phải giám sát từ quy trình lập ngân sách cho tới chi và quản lý toàn bộ dòng tiền.
Không phải Quốc hội quyết toán phân bổ xong là hết trách nhiệm, nhưng đúng là lâu nay cái này chúng ta chưa làm được. Theo tôi, cần thành lập một Ủy ban chuyên về ngân sách và chỉ làm ngân sách. Ủy ban này phải làm từ khâu lập dự toán, giám sát dòng tiền phân bổ cho địa phương hết sức chặt chẽ.
Nguyên tắc là không chi một khoản nào nếu không trong dự toán. Có như vậy mới khắc phục được cái cơ chế gọi là tọa chi (chi ngoài dự toán), ghi thu ghi chi, lập quỹ tràn lan.
Quyết toán ngân sách năm 2012 (đang được Quốc hội xem xét) cho thấy: Kiểm toán kiến nghị tăng thu 4.047 tỷ đồng, giảm chi 5.099,4 tỷ đồng; có đại biểu đề nghị xem lại khoản mua sắm hơn 1.700 xe công trong khi kinh tế rất khó khăn; đồng thời cần xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật ngân sách?
Đây là lúc phải xem xét sửa Luật Ngân sách, xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong lúc khó khăn, chúng ta nói là ưu tiên cái này cái kia và cắt giảm chi thường xuyên. Vấn đề là phải có công cụ quản lý, siết chặt kỷ cương, kiểm soát chặt chẽ các khoản thu, chi.
Tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta phải xây dựng kỷ cương ngân sách. Quốc hội chưa thông qua tài khóa, một cơ quan Quốc hội nước ngoài mời bữa cơm cũng không có tiền. Kỷ cương của họ là như vậy, còn chúng ta lại quá lỏng lẻo.
Cảm ơn ông.