| | | | |
Vietnamese
English
DANH MỤC MENU
LIÊN KẾT
THÔNG TIN CẦN BIẾT
BỘ ĐẾM TRUY CẬP
 
Hôm nay: 10,104
Tất cả: 99,772,238
 
 
Bản in
Nhạc sỹ An Thuyên: Đau đáu với quê hương
Tin đăng ngày: 13/5/2014 - Xem: 936
 
Yêu thích những bài hát của nhạc sỹ An Thuyên từ rất lâu, nhưng để gặp được ông, quả thật khó. Ông bận, ngay cả khi về hưu. Hiện ông được mời làm cố vấn nghệ thuật cho một tập đoàn lớn của đồng hương xứ Nghệ, và gần đây, ông còn được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa doanh nhân Việt Nam. Nhưng không chỉ vì bận, ông nói, nếu đến gặp với tư cách một nhà báo thì đã có quá nhiều người viết về ông. Vậy nên tôi xin gặp với tư cách một người yêu nhạc của ông đến từ xứ Nghệ quê hương…

Dòng sữa quê hương

hạc sỹ An Thuyên nói, mỗi khi nhắc về quê hương, ông lại thấy trào dâng những nỗi ngậm ngùi. Là nhớ, là thương, là biết ơn, là mơ ước, khát khao… Với ông, tiếng sáo diều trên triền đê xưa, tiếng con đò khỏa nước trên mặt sông, tiếng xạc xào bãi ngô, tiếng cồng, tiếng chiêng của đồng bào dân tộc Thái và tiếng hát ví, hát dặm của những người dân quê… đã trở thành dòng sữa mát lành nuôi lớn tâm hồn ông, ảnh hưởng đến cả đời sáng tác của ông.
 
Ông kể về ngôi làng nhỏ ở xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu xưa, nơi cậu bé Nguyễn An Thuyên được sinh ra vào năm 1949, kể về cha mẹ mình với một nỗi “xót nhớ” khôn nguôi: “Mẹ tôi hơn thầy tôi 2 tuổi, khi mất họ đều hưởng thọ 82 tuổi. Khi các cụ còn sống thì nhà nghèo quá. Đến lúc khấm khá hơn, có thể báo đáp sinh thành, thì thầy mẹ không còn nữa. Nhớ trước kia mỗi lần tôi từ Thành phố Vinh về làng, mẹ tôi mừng lắm, bà bảo: “Hôm qua chim khách đậu trên cây táo nó báo, y như rằng hôm sau thằng Thuyên về”. Cả tuổi thơ, anh em tôi ăn cơm độn khoai, mà khoai là chính, cái đói lúc nào cũng thường trực. Đến tận lúc mẹ tôi mất, trong túi áo nâu cũng chỉ có 5 đồng, chum sành đựng gạo trong buồng cũng chỉ vài đấu gạo, còn nửa chum là khoai lang phơi khô ăn dần…”.
 
Năm 11 tuổi cậu bé Thuyên đã đàn hay, sáo giỏi và là người chơi các nhạc cụ dân tộc rất có duyên cho “gánh hát” của gia đình. Thêm vài tuổi nữa cậu đã có một sự kiện đáng nhớ cho làng xóm với việc sáng tác bài hát “Nối gót anh hùng”, nhân dịp vài người dân quê An Thuyên đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ca khúc đầu tiên khi chỉ mới được học chút ít về nhạc lý ấy đã mang lại cho cậu bé phần thưởng là quyển sổ và một cây bút kim tinh Trung Quốc, nhưng phần thưởng cao quý hơn nhiều, đối với cậu bé Thuyên ngày ấy, là những lời động viên khen ngợi của đồng chí Bí thư Huyện uỷ cùng những tình cảm yêu mến của dân làng. Đến tận bây giờ, khi đã đoạt nhiều giải thưởng lớn về âm nhạc, song không bao giờ An Thuyên có được nữa sự xúc động đến lặng người như lần đầu tiên ở tuổi thiếu niên với cái giải thưởng nhỏ nhoi ấy.
 
Năm 1967, An Thuyên bắt đầu công tác ở Ty Văn hoá Nghệ An. Năm 1975, ông vào bộ đội. Năm 1977, ông trở thành nhạc công của Đoàn Văn công Quân khu IV. Năm 1981, ông được cử đi học ở Nhạc viện Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông về Phòng Văn nghệ Quân đội, nay là Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, công tác ở đó cho đến tận lúc về hưu. 
 
An Thuyên sáng tác khá sung sức và đều tay. Công chúng biết và yêu mến ông với rất nhiều bài hát như Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Khi xe tăng qua miền quan họ, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Mẹ Việt Nam anh hùng, Ca dao em và tôi...
 
Tuy nhiên, An Thuyên chiếm trọn được trái tim của mọi người yêu nhạc Việt Nam là nhờ vào những bài viết nặng lòng với quê hương như “Neo đậu bến quê”, “Ca dao em và tôi”. Tình yêu quê hương đập rộn ràng trong các ca khúc của ông, và dường như nó cũng hóa thân vào những xúc cảm thẩm mỹ khi ông viết về những vùng quê khác, những đề tài khác. Ông yêu quê đến cháy lòng, đến nỗi trong đa số nhạc phẩm của ông cũng dìu dặt chất liệu dân ca quê nhà, đến nỗi sống ở Thủ đô bao nhiêu năm nay vẫn giữ âm sắc Nghệ An trong chất giọng, hàng ngày vẫn uống nước lá gửi từ quê ra… Những kỷ niệm ngày ở quê như vẫn luôn tươi rói trong ông: Cuối những năm 1960, chiến tranh ác liệt là thế mà cả Ty Văn hóa Nghệ An (hồi đó ông Trần Nguyên Trinh là Trưởng ty) đã lên kế hoạch sưu tầm văn hóa dân gian. Quyết liệt, gian khổ là vậy mà chẳng ai có một lời kêu than. Ai cũng say mê làm, còn tổ chức hội nghị về văn hóa dân gian nữa. Có một cuộc hội nghị tổ chức ở một hội trường sơ tán bên Hà Tĩnh, mọi người đang tranh luận hăng say thì máy bay Mỹ ném bom cách đó vài trăm mét. Tất cả vội vơ tài liệu chui xuống hầm để rồi khi ngớt tiếng bom lại chui lên… tranh luận tiếp. Ông còn kể về những gian khó mà tràn đầy thú vị, may mắn trong quãng thời gian 5 năm được đi sưu tầm dân ca. Đầu tiên chỉ là chân “điếu đóm, phục vụ cơm nước” cho các nhạc sỹ về từ Viện Nghiên cứu âm nhạc để rồi vì quá say mê mà đã được chính thức cấp máy ghi âm, xe đạp, băng cối, pin con thỏ… trở thành một cán bộ sưu tầm. Lặng lẽ đi khắp các chặng đường, bám theo dải sông Lam, ghi chép, học hỏi, thu âm, quên cả những trận ngã nước, sốt rét…, ông đã thu âm được hàng trăm bài hát dân gian có giá trị từ các nghệ nhân bằng hàng trăm cuốn băng tự tạo…
 
Những ca khúc viết từ nước mắt
 
Ca khúc nổi tiếng đầu tiên của nhạc sỹ An Thuyên là “Em chọn lối này” được viết theo làn điệu dân ca Thái Nghệ An, khi nhạc sỹ mới 23 tuổi. Ngay năm sau đó (1973), ông lại tiếp tục thành công với bài hát đầy xúc động về Bác: “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”. Lúc đó, ông đang làm ở Đội tuyên truyền văn hóa của Ty Văn hóa Nghệ An. Năm 1969, khi Bác mất, Ty Văn hóa Nghệ An tổ chức Lễ truy điệu Bác tại xã Kim Liên, An Thuyên là một trong những nhạc công của dàn nhạc chơi trong lễ truy điệu. Sự lưu luyến, tiếc thương đối với vị lãnh tụ kính yêu còn ám ảnh trong tâm hồn An Thuyên cho đến mãi sau đó. Đến năm 1973, ông về làng Sen sưu tầm dân ca, ví dặm. Ở đó, An Thuyên đã được nghe một người phụ nữ hát ru con mình trên cánh võng kẽo kẹt và được người mẹ già của chị cho biết, ngày xưa Bác Hồ hay đi xem hát ví phường vải. Ngay đêm đó, nhạc sỹ đã sáng tác bài “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”. Ông xúc động kể lại: “Suốt đêm ngồi viết bài hát này, nước mắt tôi cứ giàn giụa”. Ngay sau khi ra đời, bài hát đậm chất dân ca xứ Nghệ này đã được ca sỹ Lệ Thanh ở Đoàn Văn nghệ xung kích Tỉnh đội Nghệ An thể hiện thành công, được nhiều người yêu thích, sau đó lại được đến với công chúng cả nước qua Đài Tiếng nói Việt Nam với giọng ca của NSND Thanh Hoa.
 
“Trong cuộc đời tôi có những lần viết nhạc bằng nước mắt. Lần đầu tiên là lần viết bài “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” năm 1973. Lần thứ hai là khi viết bài “Neo đậu bến quê” năm 1993, khi tôi bắt đầu trải nghiệm những cay đắng của cuộc đời, chỉ khao khát được “Úp mặt vào sông quê”. Lần thứ ba là khi viết bài “Mẹ Việt Nam anh hùng” vào năm 1994, khi Bộ Chính trị lần đầu tiên quyết định phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho những bà mẹ có công với đất nước. Và một lần nữa, ấy là khi viết “Tiếng đàn” khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa - nhạc sỹ An Thuyên chia sẻ. 
 
l Nhạc sỹ An Thuyên.  (ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhạc sỹ An Thuyên. (ảnh do nhân vật cung cấp)
l Bản nhạc Tiếng đàn.
Bản nhạc Tiếng đàn.
 
Ngoài sáng tác ca khúc, nhạc sỹ An Thuyên còn viết một số kịch hát đã được dàn dựng ở nhiều đoàn văn công như Trương Chi, Đôi đũa kim giao, Biển tình cay đắng, sáng tác cho khí nhạc như Concerto cho flute và dàn nhạc giao hưởng. Ông còn viết nhạc cho phim, nhạc cho múa và viết phần âm nhạc cho khoảng 60 vở kịch nói, tuồng, chèo...
 
Với những sáng tác đi vào lòng người, nhạc sỹ An Thuyên vinh dự nhận được nhiều giải thưởng: Giải Nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc năm 1985: Tiếng đàn balalaica trên sông Đà (phỏng thơ Quang Huy); Giải thưởng chính thức của Bộ Quốc phòng: Hành quân lên Tây Bắc (1984), Thơ tình của núi (1994); Giải Nhất của Bộ Văn hoá - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Khi xe tăng qua miền Quan họ (1985), Mẹ Việt Nam anh hùng (1995). Ông đoạt nhiều giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Giải Nhì với bài Chín bậc tình yêu (1992), giải Nhất với bài Bài ca người tình báo (2000), Giải Nhất với bài Đi tìm bóng núi (2004), giải Nhì hợp xướng Chào Việt Nam thênh thang mùa xuân (2004). Đặc biệt, năm 2007 ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với chùm tác phẩm: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc.

Nhạc sỹ - Thiếu tướng An Thuyên tự nhận rằng mình may mắn trên con đường âm nhạc vì được biết tới ngay từ khi sáng tác những ca khúc đầu tiên và nếu kể tên về những dấu ấn ông để lại trong lòng công chúng yêu nhạc thì không phải là ít. Nhưng, ông cho rằng có lẽ khi bài hát “Ca dao em và tôi” được phổ biến, chính là khi cái tên An Thuyên được vang lên, được nhắc đến một cách rộng rãi. Một điều ít người biết tới là bài hát này được ông viết lại bắt nguồn từ… một bài hát cho một vở nhạc kịch. Tôi nói với ông rằng, rất nhiều người yêu thích và hát bài hát này của ông, nhưng cũng chưa hiểu hết vì sao nhạc sỹ lại “cắt nửa vầng trăng, chặt đôi câu thơ” như vậy? Ông cười để rồi lại trầm ngâm. Cuối những năm 1980, ông được Nhà hát nhạc vũ kịch mời viết nhạc cho vở diễn “Trương Chi”. Trong vở kịch, khi trở về bến sông quen thuộc của mình, Trương Chi đã thốt lên: “Cắt nửa vầng trăng”. Đây cũng là câu đầu tiên nhạc sỹ An Thuyên viết cho vở nhạc kịch. Nó ám ảnh trong ông nỗi đau của chàng trai “người thì thậm xấu, hát thì thậm hay” sau khi gặp mặt Mỵ Nương thì tình yêu tan vỡ. Đó là bi kịch lớn của cái mà người ta vẫn gọi là sự “vỡ mộng”, hay chính là bị kịch giữa mộng và thực. Và với “Ca dao em và tôi” nhạc sỹ An Thuyên đã “tự trấn an mình” và cũng muốn gửi tới mọi người một thông điệp: Hãy yêu và trân trọng cuộc đời thực này, những gì mình có và những gì xung quanh mình, đừng nên huyễn hoặc và chạy theo những ảo tưởng viển vông. Có như vậy, con người mới có được hạnh phúc!

 
Vì vậy chăng, mà trước bao nhiêu phù hoa cuộc đời, nhạc sỹ An Thuyên vẫn trở về giản dị bên “mái ấm những người lính” của mình. Mái ấm ấy có vợ và 2 người con ông đều “ăn lương quân đội”, đều làm nghệ thuật. Nơi ấy, ông cũng được trở về là mình - một con người xứ Nghệ thăm thẳm buồn, vui trong những câu dặm, câu ví. Ông luôn nói về ví, dặm quê mình với tất cả niềm tự hào, trân trọng:  “Nó đã nói được cái buồn đến tận đáy của con người, chạm đến cái buồn chung của nhiều người Việt Nam. Dân ca, ví, dặm vì thế sẽ trường tồn. Tôi đã nương tựa vào ví, dặm trong tất cả những nỗi buồn riêng có của mình”.
 
Thùy Vinh
,
  Các bài mới:
Nghệ An tổ chức Đại hội Liên đoàn Quần vợt nhiệm kỳ 2023 - 2028(15/4/2023)
BHXH Việt Nam bổ sung tính năng hiển thị thời gian chưa đóng BHXH, BHTN trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”(16/3/2023)
Tham gia BHYT trước 01/7/2023: Người dân không phải đóng bù phần chênh lệch do tăng lương cơ sở(24/2/2023)
PHAN BỘI CHÂU - TẦM NHÌN VƯỢT THỜI ĐẠI(27/1/2023)
Diễn biến “nóng” vụ Xuân Bắc viết status "Cái tát của mẹ"(27/1/2023)
Lập xuân 2023 là ngày nào?(27/1/2023)
Lễ kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Nghệ An(27/1/2023)
Nghệ An: 129 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý dịp Tết(27/1/2023)
  Thông tin văn hóa:
PHAN BỘI CHÂU - TẦM NHÌN VƯỢT THỜI ĐẠI (27/1/2023)
Diễn biến “nóng” vụ Xuân Bắc viết status "Cái tát của mẹ" (27/1/2023)
Lập xuân 2023 là ngày nào? (27/1/2023)
Lễ kỷ niệm 234 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Nghệ An (27/1/2023)
Mâm cỗ cúng mùng 1 Tết cần có những gì? (20/1/2023)
Vì sao năm Mão của Việt Nam là mèo trong khi các nước châu Á lại là thỏ? (20/1/2023)
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023 (9/1/2023)
Nghệ An có 6 nghệ sĩ được xướng tên tại lễ vinh danh các nghệ sĩ tiêu biểu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn năm 2022 (9/1/2023)
Phan Bội Châu với tư tưởng đoàn kết dân tộc trong đấu tranh cách mạng (26/12/2022)
Lan tỏa mạnh mẽ giá trị di sản Hồ Xuân Hương trên quê hương Nghệ An (28/11/2022)
THÔNG TIN CẦN BIẾT
Lịch công tác UBND
Văn bản pháp quy
Văn phòng điện tử
Dịch vụ công trực tuyến
Album ảnh Nghệ An
Truyền hình TP Vinh
Liên hệ - Góp ý
Phiên bản Mobile
TRUYỀN HÌNH TP VINH
Loading the player...
LIÊN KẾT WEBSITE
 
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THÀNH PHỐ VINH
Giấy phép số: 253/GP-TTĐT ngày 19/11/2010 do Bộ Thông tin và truyền thông cấp
Cơ quan chủ quản: UBND TP Vinh - Địa chỉ: Số 27 Đường Lê Mao – TP Vinh. 
Hotline: 02383.840.039; 02383. 842574    Mail: [email protected]
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Ngọc Tú – Chủ tịch UBND Thành phố Vinh


Thiết kế Website