Ngày mai 8/8, Hội đồng điểm sàn 2012 của Bộ GD-ĐT sẽ họp và công bố điểm sàn. Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh và lãnh đạo Bộ GD-ĐT, dự kiến điểm sàn sẽ cao hơn năm 2011 khoảng 0,5 điểm.
Nên tăng điểm sàn!
Trao đổi với Dân trí, bà Lê Thị Thu Thủy - trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương cho biết: "Nhìn mặt bằng điểm thi của thí sinh ở các trường và của ĐH Ngoại thương cho thấy năm nay cao hơn năm 2011. Dự kiến, điểm sàn sẽ bằng hoặc cao hơn năm trước từ 0,5 - 1 điểm".
Còn ông Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại cho rằng, điểm sàn của Bộ không có ảnh hưởng đến điểm chuẩn của các trường tốp trên mà điểm sàn chỉ có ý nghĩa với các trường dân lập và một số đại học vùng.
“Với điểm thi của thí sinh năm nay tương đối cao hơn năm trước thì nên tăng mức điểm sàn lên một chút. Không nên hạ điểm sàn vì điểm sàn là mức điểm tối thiểu để ổn định đầu vào của đại học. Đặc biệt, cũng không nên để điểm sàn phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh mà nên coi trọng chất lượng, chứ không để tình trạng năm nay tăng, năm sau giảm điểm sàn” - ông Sơn đề nghị.
Ông Bùi Đức Hiền - trưởng phòng đào tạo trường ĐH Điện lực nhận định: “Điểm thi mặt bằng chung của thí sinh vào trường ĐH Điện lực tương đương với năm trước. Do đó, tôi khẳng định điểm sàn không thể thấp hơn năm trước nhất là khối A. Bởi điểm sàn khối A 13 điểm đã là quá thấp vì nếu học sinh vùng khó khăn được cộng điểm ưu tiên nhiều tới 3,5 điểm như vậy chưa đến 10 điểm đã đỗ đại học, khó đảm bảo chất lượng”.
Ngày mai 8/8, Hội đồng điểm sàn 2012 của Bộ GD-ĐT sẽ họp và công bố điểm sàn.
Sẽ tăng điểm sàn khối C và D lên khoảng 0,5 điểm
Về mặt bằng điểm thi năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, điểm thi của thí sinh năm nay cao hơn năm trước. Ví dụ ở khối C, mức điểm mà thí sinh đạt nhiều nhất là 15 điểm/3 môn, trong khi đó năm 2011 chỉ ở mức 10 - 11 điểm. Tương tự, mức điểm khối D1 cũng cao hơn, số thí sinh đạt mức 12 - 12,5 nhiều nhất. Các khối A, A1 và B, điểm thi của thí sinh cũng tốt hơn. Năm trước, chỉ ở mức dưới 9 điểm nhưng năm nay đa số thí sinh đạt mức 10 – 11.
Nhận định về điểm sàn năm 2012, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Điểm sàn năm 2012, không thấp hơn năm trước và sẽ tăng lên khoảng 0,5 điểm với khối C, D. Căn cứ vào điểm thi năm nay của thí sinh, dự kiến điểm sàn khối A, A1 và B giống năm 2011. Cụ thể khối A, A1: 13; khối B: 14. Với khối C, D, dự kiến sẽ tăng lên 0,5 điểm ở khối C: 14,5; khối D: 13,5.
Thứ trưởng Ga phân tích: Khối A, nếu lấy điểm sàn là 13 thì có 110.000 thí sinh trúng tuyển NV 1. Còn 38.000 chỉ tiêu dành cho các nguyện vọng tiếp theo. Trong đó, số thí sinh có mức điểm đủ điều kiện xét là 66.500. Như vậy, so với chỉ tiêu còn thiếu thì số dư gấp 1,8 lần. Tỷ lệ này đã cao hơn năm 2011 là 1,6, do đó nguồn tuyển sẽ nhiều hơn.
Với khối A1, nếu mức điểm sàn là 13 thì có 15.000 thí sinh trúng tuyển NV1. Số chỉ tiêu còn thiếu là 10.000. Trong khi đó, số dư là 11.500. Như vậy, hệ số chỉ là 1,1. Tuy nhiên, đây là khối thi mới và hầu hết những trường tổ chức thi A1 đều tuyển khối A. Do vậy, nếu thiếu chỉ tiêu các trường có thể lấy thí sinh dự thi khối A.
Khối B, nếu mức điểm sàn là 14 thì có 29.500 thí sinh trúng tuyển NV1. Số chỉ tiêu còn thiếu là 5.800, trong khi số dư lên tới 60.000. Đây là khối thi có hệ số cao nhất 1/11. Tuy nhiên, ở khối thi này có nhiều thí sinh ảo nên hệ số này đảm bảo để các trường không thiếu nguồn tuyển.
Đối với khối C lấy ở mức 14 điểm như năm 2011 thì số thí sinh trúng tuyển NV1 là 19.500. Số chỉ tiêu còn thiếu là 4.500, trong khi số dư là 16.500 gấp 3,6 lần. Vì vậy nếu tăng mức điểm sàn lên 14,5 thì số dư là 13.700, so với số chỉ tiêu còn thiếu vẫn gấp 2,7 lần.
Khối D1, với dự kiến mức điểm sàn là 13,5, tăng hơn năm 2011 0,5 điểm thì số thí sinh trúng tuyển NV1 là 45.000. Số còn thiếu là 15.000. Số thí sinh còn dư gấp 2,9 lần chỉ tiêu.
Điểm thi thấp hơn điểm sàn không được xét tuyển
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm), giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 (nửa điểm).
Căn cứ kết quả thi của thí sinh, chỉ tiêu tuyển sinh của từng khối thi, Bộ GD-ĐT sẽ xác định và công bố điểm sàn hệ ĐH, hệ CĐ đối với từng khối thi A, A1, B, C, D. Điểm sàn không nhân hệ số. Điểm trúng tuyển của các trường không được thấp hơn điểm sàn.
Thí sinh có kết quả thi thấp hơn điểm sàn không được xét tuyển vào các trường sử dụng kết quả thi theo đề chung.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, các trường phải công bố điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển; công bố chỉ tiêu và điều kiện xét tuyển bổ sung (nếu còn chỉ tiêu để xét tuyển), gửi các sở GD-ĐT giấy triệu tập trúng tuyển, trong đó ghi rõ kết quả thi của thí sinh; giấy chứng nhận kết quả thi (có đóng dấu đỏ của trường) cho các thí sinh có kết quả thi từ điểm sàn cao đẳng trở lên, phiếu báo điểm cho thí sinh có kết quả thi dưới điểm sàn cao đẳng, kể cả thí sinh thi năng khiếu (có đóng dấu đỏ của trường) để các sở GD-ĐT chuyển cho thí sinh.
Đối với thí sinh có nguyện vọng học tại trường không tổ chức thi, trường tổ chức thi có nhiệm vụ: in và gửi giấy báo dự thi, tổ chức thi, chấm thi. Trước ngày 10/8 hằng năm, in và gửi Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường, Phiếu báo điểm và dữ liệu kết quả thi cho trường không tổ chức thi để các trường này xét tuyển. Trường không tổ chức thi gửi Giấy triệu tập thí sinh trúng tuyển, Giấy chứng nhận kết quả thi, Phiếu báo điểm cho sở GD-ĐT, để các sở GD-ĐT gửi cho thí sinh.
Những trường có ngành năng khiếu, nếu không tổ chức thi vào những ngành này, được xét tuyển thí sinh trong vùng tuyển, đã dự thi vào ngành đó tại trường khác nếu các môn văn hoá thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT.
Hồng Hạnh