Hôm qua các thành viên chủ chốt của HĐQT VPF đã “choáng váng” khi nhận được công văn số 06 của VFF về việc làm rõ nội dung Nghị quyết số 426/NQ-LĐBĐVN mà theo đó họ (tức Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam VFP) đưa được VFF ủy quyền quản lý, tổ chức điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam trong khi Super League đã diễn ra được một vòng đấu.
VPF tổ chức giải đấu chui?
Công văn của VFF nêu rõ: “Về mặt thủ tục, việc ủy quyền của VFF cho VPF chỉ có hiệu lực sau khi VPF có đủ tư cách đại diện cho VFF. Như vậy, VPF phải đáp ứng được hai điều kiện là:
1. VPF hoàn thành các thủ tục để trở thành thành viên của VFF (Điều 72 Điều lệ VFF)
2. VPF phải hoàn tất việc ký kết hợp đồng nhận ủy quyền điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (Điều 3 Nghị quyết số 426/QN-LĐBĐVN) từ VFF.
VFF sẽ làm tất cả mọi thứ để bảo vệ quyền lợi của AVG ? (Ảnh: Quang Minh)
Đến ngày hôm nay (tức 4/1/2012-PV), VPF vẫn chưa đáp ứng cả hai điều kiện này nên việc ủy quyền của VFF cho VPF là chưa đủ hiệu lực pháp lý”. Vậy thì nếu VFF chưa giao quyền cho VFP theo lập luận của VFF, thì tại sao Super League đã ra đời và cho đến nay nó cũng đã qua được một vòng đấu?
Hiển nhiên ai cũng hiểu rằng, chỉ khi được Bộ VH-TT-DL cho phép và được VFF ủy quyền thì VPF mới có thể tổ chức được Super League.
Phải chăng VPF đang tổ chức một giải đấu chui, hay nói cách khác là họ đã tổ chức một giải đấu mà chưa có sự ủy quyền bằng văn bản của VFF?
Sự kỳ quái của một tổ chức xã hội như VFF ngày càng được thể hiện rõ.
Một kịch bản đã được vẽ ra trong công văn của VFF, khi nêu: “Ngoài ra, VFF chỉ ủy quyền cho VPF khi VPF có đủ các điều kiện sau đây:
Một là, VFF thông báo cho các đối tác liên quan về việc giao cho VPF quyền và nghĩa vụ quản lý, tổ chức, điều hành và khai thác thương quyền các giải bóng đá được chuyển giao và được các đối tác chấp thuận việc giao quyền và nghĩa vụ này bằng văn bản;
Hai là, VFF, VPF và đối tác liên quan sẽ cùng ký kết một bản thỏa thuận (“Thỏa thuận Ba bên”).
Nghĩa là sẽ không có chuyện ủy quyền nếu VFF không thông báo cho các đối tác về việc chuyển giao và một trong các đối tác không cùng ký kết một bản thỏa thuận. Ở đây, nếu AVG lấy lý do đã ký hợp đồng với VFF mà không chịu “cùng thỏa thuận” thì việc điều hành quản lý của VPF đối với Super League không được thừa nhận.
Câu hỏi là phải chăng VFF đưa ra những điều kiện để tính chuyện “lật kèo” VPF bằng việc để ngỏ khả năng không ủy quyền cho Công ty này chỉ vì bản hợp đồng được cho là vô lý về giá cả và thời gian thực hiện với AVG?
VFF tính không nhả?
Công văn của VFF kết luận: “VFF yêu cầu trong khi chờ đợi để hoàn thành các thủ tục để VPF nhận ủy quyền đầy đủ của VFF về việc điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện theo sự chỉ đạo thống nhất của VFF đối với các giải bóng đá chuyên nghiệp, VPF phải thực hiện theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của VFF, nhất là trong các trường hợp có vướng mắc phát sinh”.
Vậy thì phải hiểu thế nào đây? Super League vẫn do VFF tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn?
Được biết, hôm qua, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐQT VFP Võ Quốc Thắng, một cuộc họp đã diễn ra và dự kiến một công văn của VPF sẽ được gửi tới VFF trong ngày hôm nay, theo đó VPF khẳng định sự chậm trễ, dây dưa trong bàn giao, ủy quyền đến từ chính… VFF.
VFF một tổ chức kém cỏi trong tổ chức điều hành, vì một lý do cực kỳ tế nhị có vẻ như đang có ý đòi lại Super League.
Cuối cùng, khi giải đấu đã diễn ra, người ta vẫn chưa biết thực sự VFF cũng như người ký vào công văn số 06 muốn gì?
Theo VTC |